Trong một video trên YouTube có tiêu đề "Một ngày trong đời: Nhân viên văn phòng tại một công ty đen", chủ kênh Salaryman Tokyo chia sẻ chi tiết về ngày làm việc của mình, từ khi thức dậy vào 7h cho đến bữa tối lúc 23h50. Đoạn phim thu hút gần 1,1 triệu lượt xem.
Ở Nhật Bản, "công ty đen" là thuật ngữ dùng để chỉ các công ty có môi trường làm việc bóc lột, đối xử tệ bạc với nhân viên. "Salaryman" là cách gọi phổ biến cho nhân viên văn phòng hoặc quản lý.
Người đàn ông trong video rời khỏi nhà lúc 7h16 sáng, vừa đi vừa lẩm bẩm "không muốn đi làm hôm nay" và "lại nữa rồi". Anh phải trải qua quãng đường đi làm mất 90 phút và đến văn phòng lúc 8h53. "Trò chơi bắt đầu", anh thở dài.
![]() |
Buổi sáng của Salaryman Tokyo bắt đầu lúc 7h16 với 90 phút di chuyển đến văn phòng. Ảnh: YouTube. |
Nam nhân viên văn phòng làm việc từ 9h đến khoảng 13h, với một lần nghỉ uống cà phê vội vàng vào 11h35. Trong lúc đó, anh tâm sự: "Nhiều công ty đen ở Nhật Bản tập trung tuyển sinh viên mới ra trường vì nhóm này thiếu kinh nghiệm và ít có khả năng phản kháng với điều kiện làm việc khắc nghiệt".
Sau giờ nghỉ trưa 45 phút, Salaryman Tokyo trở lại văn phòng lúc 14h và tiếp tục làm việc thêm 6 tiếng. "Bạn biết không: Một số công ty đen sỉ nhục các nhân viên muốn nghỉ việc, sử dụng các chiến thuật như áp lực nhóm hoặc gọi họ là kẻ phản bội", anh nói.
Người đàn ông rệu rã rời văn phòng lúc 20h15 với lời cảm thán: "Thật sự kiệt sức".
"Làm việc quá giờ không mang lại hiệu quả. Tôi nghe nói Nhật Bản đang triển khai tuần làm việc 4 ngày. Có vẻ đó chỉ là tin đồn. Lịch làm việc của tôi năm nay không thay đổi chút nào", anh bày tỏ.
![]() |
Những chuyến tàu điện đông đúc và bí bách trên đường đi làm mỗi ngày của người đàn ông. Ảnh: YouTube. |
Sau khi ghé qua cửa hàng và mất thêm 90 phút di chuyển, Salaryman Tokyo về tới nhà lúc 22h45, nấu bữa tối khi đồng hồ chỉ 23h30 và lên giường vào 1h15 sáng hôm sau.
Theo dõi video, phản ứng từ hầu hết cư dân mạng là sốc và không thể tin nổi. "Con người không được sinh ra để sống như thế này", "Với khách du lịch, Nhật Bản thật tuyệt vời. Còn với người dân nơi đây, cuộc sống là địa ngục", "Chúa ơi, anh ấy nấu ăn lúc 23h rồi thức dậy vào 7h sáng hôm sau. Tôi không biết nói gì. Tôi còn than phiền không có thời gian đến phòng gym sau giờ làm, nhưng cái này vượt xa rồi"... là một số bình luận được để lại.
Một người khác mô tả cuộc sống của Salaryman Tokyo là "vòng xoáy luẩn quẩn hút cạn linh hồn". "Mọi người còn thắc mắc vì sao ngày càng ít người Nhật có con? Hãy tưởng tượng phải nuôi dạy một đứa trẻ - chưa nói đến nhiều đứa - trong điều kiện làm việc và cuộc sống thế này", cư dân mạng này bày tỏ.
![]() |
Bữa tối lúc nửa đêm của nhân viên văn phòng làm việc 18,5 tiếng/ngày. Ảnh: YouTube. |
Văn hóa làm việc quá sức ở Nhật Bản không phải là vấn đề mới. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, nhân viên trong nhiều ngành nghề, bao gồm văn phòng và y tế, đều báo cáo rằng họ phải làm việc với thời gian khắc nghiệt, chịu áp lực cao từ cấp trên và phải tuyệt đối phục tùng tổ chức.
"Trong khi xã hội phương Tây mang tính cá nhân và phi thứ bậc, xã hội Nhật Bản lại thiên về tập thể và phân cấp. Do đó, nhiều người ngại nghỉ phép vì sếp không nghỉ hoặc lo sợ phá vỡ sự hòa hợp trong nhóm", Giáo sư Hiroshi Ono, chuyên ngành quản lý nhân sự tại Đại học Hitotsubashi, chia sẻ với BBC.
Hiện tượng này phổ biến đến mức có cả từ riêng để mô tả: karoshi, nghĩa là "chết do làm việc quá sức", thường là do đột quỵ, đau tim hoặc tự tử gây ra bởi áp lực công việc và hệ quả về sức khỏe tâm thần.
![]() |
Karoshi (chết do làm việc quá sức) xảy ra nhiều ở Nhật Bản. Ảnh: Coal Miki/Flickr. |
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Nhật Bản. Một nghiên cứu năm 2021 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy có tới 750.000 người trên toàn cầu làm việc hơn 55 tiếng/tuần đã tử vong do hội chứng karoshi. Tuy nhiên, một số trường hợp ở Nhật đã trở thành tiêu điểm báo chí những năm gần đây.
Năm 2022, bác sĩ Takashima Shingo (26 tuổi, ở thành phố Kobe) tự sát sau khi làm việc liên tục hơn 100 ngày và làm thêm 207 giờ chỉ trong tháng trước khi mất.
Gia đình Shingo sau đó lên tiếng kêu gọi cải cách văn hóa làm việc tại Nhật Bản. Bà Junko Takashima, mẹ của bác sĩ xấu số, kể rằng con trai bà từng nói "mọi thứ quá khó khăn" và "không ai giúp đỡ con cả".
"Con tôi liên tục nói không ai quan tâm đến con. Tôi nghĩ môi trường đó đã đẩy con đến bờ vực", bà Takashima chia sẻ với báo giới năm 2023.
Người mẹ đau đớn khi con trai không còn có thể cứu sống bệnh nhân hay đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, bà chân thành hy vọng môi trường làm việc của các bác sĩ sẽ được cải thiện để điều tương tự không bao giờ lặp lại.
'Thế hệ lo âu'
Theo nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt, trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay phải đối mặt với một loại áp lực mà các thế hệ trước không hề biết đến: áp lực từ những lượt thích, bình luận và sự so sánh không hồi kết trên mạng xã hội. Điều này tạo ra một vòng xoáy độc hại, nơi lòng tự trọng bị gắn chặt với những con số ảo thay vì giá trị thực tế.