Tại TP.HCM, vì nhiều lý do, người tham gia giao thông từ lâu mặc định được phép rẽ phải khi đèn đỏ. Tuy nhiên thực tế việc này theo luật là sai nếu không có
Dân ủng hộ phạt 'khủng', chưa thông về biển báo
Nghị định 168/2024 áp dụng tăng mức phạt vi phạm giao thông đã giúp nâng cao ý thức chấp hành luật. Tuy nhiên người dân cũng cho rằng cần chuẩn hóa và nâng cấp hệ thống biển báo.
Đồ họa: TUẤN ANH
Đặc biệt khu vực các tuyến đường trục chính nối liền nhiều quận, nhiều điểm giao cắt với các đường nhánh, tình trạng kẹt xe còn nặng hơn. Trong đó phải kể tới tuyến Điện Biên Phủ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Thị Sáu... Cũng trong giờ cao điểm sáng 8-1, phóng viên đi trên đường Điện Biên Phủ thì đèn đỏ bật lên, dòng xe đồng loạt dừng chờ. Hàng trăm xe máy không rẽ phải vào đường Bà Huyện Thanh Quan, Trần Quốc Thảo được. Mất 15 phút và mấy lượt đèn đỏ, dòng xe mới thoát qua ngã tư nhưng di chuyển rất chậm.
Anh Nguyễn Hải Đăng - người dân sống ở quận Phú Nhuận - cho rằng tình trạng ùn xe do dòng xe dừng chờ đèn đỏ không thoát vào phía bên phải (như trước nay) dễ gây kẹt lan rộng, thiệt hại về thời gian và kinh tế. Cho nên các đơn vị có thể tiến hành rà soát các giao lộ rồi tổ chức giao thông cho phép rẽ phải khi đèn đỏ một cách hợp lý. Câu chuyện này cần giải quyết sớm, tránh ùn tắc nghiêm trọng khi Tết Nguyên đán Ất Tỵ đã đến quá gần.
Thật ra trước đây luật đã có quy định xe máy không được phép rẽ phải khi đèn đỏ (nếu không có biển báo phụ, hiệu lệnh người điều khiển giao thông, không có vạch kẻ đường...). Tuy nhiên ở các giao lộ nhiều người vẫn rẽ phải để thoát kẹt xe và không bị xử phạt, dần dà nhiều người mặc định hành vi này là không vi phạm. Tuy nhiên do hiện nay mức phạt vi phạm giao thông tăng cao, nhiều người đi đường sợ bị phạt nên không dám rẽ phải khi đèn đỏ như trước nữa.
Ô tô đậu choán hết đường
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, một số tuyến đường nhỏ hẹp ở TP.HCM có mật độ giao thông qua lại đông nhưng không lắp biển báo "cấm dừng và đỗ xe" hoặc biển báo "cấm đỗ, được dừng xe". Vì vậy một số người dân vẫn dừng, đỗ ô tô thường xuyên ngay trên các tuyến đường này, làm người dân, nhất là người đi xe máy chạy qua khu vực này, gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc và tai nạn.
Một số tuyến đường phóng viên ghi nhận có tình trạng này là Duy Tân, Đông Hồ (quận Tân Bình), Đăng Minh Khiêm, Huyền Toại (quận 11)... Anh N.K.H. (35 tuổi), sống trên đường Duy Tân (quận Tân Bình), chia sẻ mỗi lần anh đi xe máy hướng ra đường Lý Thường Kiệt luôn trong trạng thái căng thẳng, lo sợ và bực bội vì có lúc tuyến đường bị ùn ứ do ô tô đậu nhiều.
"Ô tô đậu trên đường Duy Tân cả hai hướng rất thường xuyên do không có biển báo cấm. Tôi chạy xe máy ra đường Lý Thường Kiệt lúc nào cũng căng thẳng vì sợ người trong ô tô mở cửa bất thình lình hoặc có lúc có ô tô đi hướng ngược lại, do có ô tô cản trở nên di chuyển rất khó khăn", anh H. than vãn.
Theo một cán bộ cảnh sát giao thông tại TP.HCM, các tuyến đường nếu không có biển cấm thì cảnh sát giao thông chưa đủ cơ sở xử phạt về hành vi dừng, đỗ xe sai quy định. Từ thực tế trên, người dân có thể kiến nghị chính quyền địa phương để địa phương kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền tiến hành khảo sát, lắp biển báo cho phù hợp thực tế. Khi lắp biển cấm thì cảnh sát giao thông mới có cơ sở xử lý các hành vi dừng, đỗ sai quy định.
* PGS.TS VŨ ANH TUẤN (giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức - Trường ĐH Việt Đức):
Sớm nhân rộng lắp biển phụ cho xe quẹo phải khi đèn đỏ
Tình trạng ùn tắc do người đi xe máy không được rẽ phải khi đèn đỏ là vấn đề cần sớm giải quyết bằng các giải pháp kỹ thuật và tuyên truyền.
Cụ thể, các đơn vị quản lý cần nhanh chóng thực hiện rà soát lại, tiến hành lắp biển báo phụ cho phép xe máy rẽ phải khi đèn đỏ ở những giao lộ đủ điều kiện an toàn. Trước nay TP.HCM cũng áp dụng việc gắn biển phụ cho phép rẽ phải khi đèn đỏ tại nhiều giao lộ hiệu quả tốt, giúp dòng xe thoát qua nút nhanh hơn, đỡ kẹt xe. Từ đó có thể đánh giá lại để mở rộng.
Song song đó, các đơn vị phải tuyên truyền cho người đi xe máy, người đi bộ chú ý quan sát khi rẽ phải hoặc đi bộ qua đường. Nguyên tắc là xe lớn phải nhường xe nhỏ, xe cơ giới phải nhường người đi bộ. Có như vậy mới tránh được va chạm giao thông. Ở các nước trên thế giới, ô tô hay xe máy đều sẽ chủ động giảm tốc, quan sát kỹ trước khi vào giao lộ để kịp nhường đường và xử lý tình huống có thể xảy ra.
Ngoài ra, TP.HCM cũng có thể nghiên cứu thêm các giải pháp kỹ thuật phù hợp với thực trạng giao thông từng vị trí giao lộ như vạch kẻ đường, đèn ưu tiên đi bộ qua đường… Ví dụ một số giao lộ có thể áp dụng đèn ưu tiên, người đi bộ qua đường bấm đèn để phát tín hiệu xin qua đường. Dòng xe nhận diện được tín hiệu thì phải giảm tốc, nhường cho người đi bộ sang đường an toàn. Khi hạ tầng hoàn thiện như vậy, cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm người chạy xe rẽ phải sai quy tắc, kể cả người đi bộ sang đường không đúng quy định để đảm bảo tính công bằng.