Dân văn phòng TP.HCM cắt trà sữa, bớt chốt đơn vì thu nhập 'teo tóp'

Giữa bối cảnh thu nhập giảm, giá cả sinh hoạt tăng cao, dân văn phòng ở nhiều đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội chọn cắt bớt các khoản chi không thiết yếu và xây dựng quỹ tiết kiệm.

cat giam tra sua anh 1

Thời điểm này năm ngoái, mỗi tuần Huyền Thanh (26 tuổi, nhân viên kiểm tra chất lượng tại TP.HCM) có thói quen uống 5-6 ly trà sữa mỗi tuần, tốn 200.000-300.000 đồng. Hiện tại, mỗi tuần cô chỉ uống một vài cốc, có tuần không ly nào.

Với những món đồ cần thiết nhưng chưa cần gấp, cô lên danh sách để dồn mua vào một ngày "sale đôi" hàng tháng. Cách này giúp Huyền Thanh tiết kiệm được ít nhất 30% chi phí, nhiều món giảm 50-80%, so với cách mua sắm thông thường.

Cô gái 26 tuổi cho biết sau 4 năm đi làm, từ đầu năm tới nay là giai đoạn đầu tiên cô nghiêm túc nhìn nhận về chuyện tiết kiệm. Nguyên nhân là cuối năm ngoái, cô gặp cú sốc tài chính khi công ty gặp khó khăn và bị cắt tới 40% lương trong 3 tháng, cũng không có thưởng Tết.

"Lúc đó tôi mới hoảng hốt khi nhận ra mình không hề có tiền tiết kiệm nên phải vật lộn để trang trải chi phí trong một thời gian dài. Tôi bắt đầu cắt giảm nhiều khoản chi tiêu như cà phê, trà sữa, tự nấu ăn ở nhà nhiều hơn, bớt mua sắm quần áo... Đến khoảng tháng 3 năm nay, thu nhập của tôi dần trở về mức cũ, nhưng hiện giá cả sinh hoạt tăng, tôi thấy duy trì thói quen tiết kiệm là điều cần thiết cho tương lai", cô chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) của Tổng cục Thống kê công bố cho thấy những địa phương có mức giá cao nhất cả nước trong năm 2023 là Hà Nội, TP.HCM. Bão giá, cộng với thị trường lao động khó khăn buộc nhiều nhân viên văn phòng đang sống tại những đô thị lớn như Thanh Huyền cũng phải cắt giảm chi tiêu, tìm cách tiết kiệm.

Giới hạn chi tiêu trong ngày

Tương tự Huyền Thanh, Ngọc Ánh (26 tuổi, nhân viên marketing tại Hà Nội) cũng gặp áp lực tài chính vào thời điểm cuối năm ngoái.

cat giam tra sua anh 2

Ngọc Ánh hạn chế mua sắm online, cân nhắc kỹ trước khi chi tiêu so với trước. Ảnh: NVCC.

"Khi công ty tôi làm việc thông báo làm ăn thua lỗ và cắt giảm nhân sự, hủy tiệc cuối năm để bảo toàn quỹ thưởng, tôi nhận ra mình phải cân nhắc lại thói quen chi tiêu của bản thân, sẵn sàng chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất trong bối cảnh kinh tế khó khăn", Ngọc Ánh cho biết.

Trước đây, cô thường tiêu quá tay cho những khoản không thực sự cần thiết như mua sắm online hay các cuộc ăn chơi, tụ tập với bạn bè. Bây giờ, cô vạch ra giới hạn chi tiêu trong ngày, ví dụ tối đa khoảng 100.000-150.000 đồng cho việc ăn uống và tương tự cho các mục khác, cố gắng tuân thủ trừ trường hợp khẩn cấp.

"Đặc biệt về khoản mua sắm, tôi hay có tật tùy hứng theo cảm xúc, thấy đẹp là muốn mua rồi sau đó nhận ra chẳng mấy khi mặc tới, cũng không cần thiết phải mua nhiều đồ tới vậy. Tôi rút kinh nghiệm hạn chế mua online, trực tiếp thử và lựa ở cửa hàng khi có giá tốt thay vì 'chốt đơn' theo cảm tính", cô nói.

Sau gần một năm chuyển hướng thói quen chi tiêu, Ngọc Ánh thấy "ổn" hơn nhiều so với bản thân đã nghĩ. Không chỉ tiết kiệm được nhiều hơn mà tinh thần cô cũng thoải mái hơn. "Thời còn vung tay quá trán, cứ cuối tháng tôi lại sống trong hoang mang, lo hụt chỗ nọ thiếu chỗ kia", cô bộc bạch.

Thanh Dung (30 tuổi, dược sĩ tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) cũng có thói quen giới hạn và ghi lại chi tiêu trong ngày để không rơi vào khủng hoảng giữa bối cảnh giá cả tăng cao.

cat giam tra sua anh 3

Thanh Dung cắt giảm tiêu vặt, ghi chép chi tiêu mỗi ngày. Ảnh: NVCC.

"Những năm gần đây giá cả gia tăng, không chỉ tôi mà những người xung quanh mình cũng gặp phải khó khăn. Tôi phải cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm tối đa để có thể đảm bảo sinh hoạt hàng tháng. Đã có gia đình và con nhỏ, mỗi tháng tôi cần lo nào tiền điện nước, học phí cho con, tiền ăn cưới, thăm người ốm đau...", Thanh Dung chia sẻ.

Mỗi ngày, cô ghi lại từng khoản chi tiêu, nếu vượt quá mức trung bình sẽ cố gắng cắt giảm vào những ngày sau. Đa số chi tiêu trong gia đình và cho con cái là thiết yếu, cô chỉ có thể hạn chế mua áo quần, đồ ăn vặt. Trước đây, khoản tiêu vặt hàng tháng là 1 triệu đồng nhưng hiện tại cô đã giảm xuống còn khoảng 500.000 đồng.

Tại văn phòng nơi nữ dược sĩ làm việc, thói quen tụ tập trà sữa hay ăn vặt trong giờ nghỉ cũng bị cắt giảm so với trước, chỉ còn một vài lần mỗi tuần.

Thanh Dung cho biết thói quen chi tiêu hiện tại của cô khác xa thời độc thân. "Tôi phải tạm gác lại nhiều nhu cầu cá nhân để chăm lo cho gia đình. Để lo liệu con cái và hai bên nội ngoại, cân đối tài chính thực sự không dễ dàng. Nhưng có gia đình và con nhỏ, tôi cũng có những hạnh phúc lớn hơn".

Tập thói quen tiết kiệm

Chưa có gia đình nên Kiều Minh (28 tuổi, nhân viên truyền thông) không gặp quá nhiều áp lực tài chính. Cô khá thích tụ tập bạn bè, shopping và ăn vặt. Cứ khoảng 15, 16h chiều, cô hay cùng đồng nghiệp trong văn phòng đặt trà sữa, bánh tráng về nhâm nhi. Một tuần, Minh nhậu ít nhất một buổi với bạn bè, chưa kể thói quen xem livestream săn sale trên trên các nền tảng mạng xã hội, mua sắm.

cat giam tra sua anh 4

Kiều Minh nấu ăn cùng đồng nghiệp tại văn phòng để tiếp kiệm chi phí. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thu nhập khiêm tốn, làn sóng cắt giảm nhân sự diễn ra khắp nơi, cô nhận thấy thói quen chi tiêu của mình không ổn, nhiều tháng còn lâm vào cảnh "cháy túi".

"Tâm sự và thấy vài đồng nghiệp thân thiết chung suy nghĩ, chúng tôi rủ nhau cùng tiết kiệm. Vài tháng nay, chúng tôi ăn trưa theo mô hình gia đình, mỗi người mang theo một món rồi ăn chung, vừa vui lại tiết kiệm, đa dạng thức ăn. Cũng nhờ vậy, tôi chăm nấu nướng hơn, nhận ra thói quen này giúp tiết kiệm và lành mạnh thế nào so với ăn ngoài", Kiều Minh chia sẻ.

Cô còn học cách làm một số món giải khát để chia sẻ cùng đồng nghiệp, như soda trà chanh, thay vì mua ngoài như ngày trước.

Đối với thói quen mua sắm quá đà, Kiều Minh hạn chế bằng cách học theo các clip chi tiêu trên mạng, hỏi bản thân những câu như "Nó có thực sự cần thiết không?", "Cái áo này mình sẽ mặc vào dịp gì, có dùng được thường xuyên không?", "Món đồ này có thể thay thế không?" trước khi quyết định xuống tiền.

Việc sẵn sàng chia sẻ về mục tiêu tiết kiệm với người xung quanh của Kiều Minh cũng giống với xu hướng "loud budgeting" (tiết kiệm ồn ào) của nhiều người trẻ thời gian gần đây - trong đó khuyến khích mọi người ưu tiên đến kế hoạch về tiền bạc.

Trào lưu này giúp người trẻ cởi mở và sẵn sàng nói về các kế hoạch chi tiêu hay mục tiêu tài chính một cách công khai hơn. Cắt giảm chi tiêu không cần thiết theo loud budgeting là cần thiết để lập ngân sách tốt hơn.

Còn với Huyền Thanh, sau hơn nửa năm xây dựng thói quen tiết kiệm, cô thấy cuộc sống của cô có nhiều thay đổi tích cực hơn. Mỗi tháng nhận lương, cô cắt ngay một khoản cố định bỏ vào tài khoản tiết kiệm trên app ngân hàng, đến nay đã được 30 triệu đồng. Ngoài ra, số tiền sinh hoạt dư ra mỗi tháng, cô cũng cất riêng vào "quỹ khẩn cấp".

"Số tiền tuy không nhiều nhưng cũng giúp tôi an tâm sẽ luôn có một khoản phòng thân. Trong trường hợp năm nay lại không có thưởng Tết, tôi cũng có một khoản để chi tiêu và biếu bố mẹ chứ không chật vật như năm ngoái", cô chia sẻ.

Huyền Thanh nói rằng việc "thắt lưng buộc bụng" khiến cô căng thẳng trong thời gian đầu nhưng khi đã quen lại thấy thoải mái hơn. Số tiền cắt giảm từ việc uống trà sữa và mua sắm quần áo giúp cô có thêm một khoản để có thể thưởng cho mình một chuyến du lịch hoặc đi ăn cùng bạn bè.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.