Đảo Hải Nam gây chú ý giữa thuế quan của ông Trump

Theo Nikkei Asia, tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc 'tỏa sáng' với vị trí là cảng thương mại tự do giữa thời điểm ông Trump áp thuế quan cao lên hàng loạt quốc gia.

Đảo Hải Nam gây chú ý giữa thuế quan của ông Trump - Ảnh 1.

Các container tại cảng ở Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc - Ảnh: AFP

Theo tạp chí Nikkei Asia ngày 7-4, tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc đang thu hút sự chú ý khi đi đầu trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, với định hướng phát triển thành cảng thương mại tự do và trung tâm du lịch y tế - một hình ảnh đối lập với chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hải Nam, được ví như “Hawaii của Trung Quốc” nhờ khí hậu nhiệt đới và những khu nghỉ dưỡng ven biển, đang nỗ lực thu hút du khách. Hạn mức mua sắm miễn thuế hằng năm cho mỗi người tại tỉnh này lên tới 100.000 nhân dân tệ (tương đương 13.800 USD), cao hơn nhiều so với mức 12.000 nhân dân tệ của Hong Kong.

Vào một buổi chiều cuối tháng 2, một trong những trung tâm mua sắm miễn thuế lớn nhất Trung Quốc tọa lạc tại thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam đông nghẹt người. Nhân viên tại một cửa hàng mỹ phẩm cho biết có rất nhiều khách nước ngoài đến và mua sắm tại đây, sử dụng ứng dụng dịch thuật hoặc nhờ hướng dẫn viên phiên dịch khi lựa chọn sản phẩm.

Ông Trump: Trung Quốc có ‘nước đi sai’ khi áp thuế bổ sung 34% lên MỹĐỌC NGAY

Tỉnh này cũng đang chú trọng lĩnh vực du lịch y tế. Khu vực Bác Ngao thuộc thành phố Quỳnh Hải có một đặc khu, nơi các loại thuốc và thiết bị y tế hiện đại từ nước ngoài có thể được nhập khẩu mà không chịu thuế quan. Khoảng 36 cơ sở y tế Trung Quốc và nước ngoài đang tập trung tại đây trên diện tích chỉ khoảng 20km².

Trung tâm chăm sóc sức khỏe Boao Yiling nằm trong số đó. Cơ sở này hoạt động theo mô hình hội viên, dành cho các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, cho phép họ ở lại bốn lần mỗi năm, với mỗi lần kéo dài 10 ngày.

Bên cạnh những người Trung Quốc giàu có, các đoàn khách từ Indonesia và Singapore cũng đến đây chăm sóc sức khỏe.

Tháng 6-2020, Trung Quốc công bố “Phương án tổng thể xây dựng cảng thương mại tự do Hải Nam”, đánh dấu việc xây dựng cảng thương mại tự do lớn nhất thế giới chính thức bắt đầu. Kể từ đó, nhiều chính sách đã được đưa ra để hỗ trợ quá trình phát triển cảng thương mại tự do Hải Nam, trong đó có miễn thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư.

Một công ty Trung Quốc đang tận dụng các biện pháp này là Hainan Ausca International Oils and Grains. Công ty này nhập khẩu đậu nành và hạt cải dầu làm nguyên liệu thô từ Úc và Canada với mức thuế quan bằng 0, chế biến thành dầu ăn và bán sản phẩm tại Trung Quốc.

Hainan Hongyang Food, công ty sản xuất khô bò và các loại thực phẩm khác, cũng được hưởng lợi từ việc miễn thuế. Công ty chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ Brazil, Argentina và cho biết chi phí sản xuất của họ thấp hơn 6% so với khi đặt trụ sở tại các khu vực khác của Trung Quốc.

Yao Dafei, tổng giám đốc công ty này, cho biết: “Nếu thuế quan của ông Trump ảnh hưởng đến thương mại giữa Trung Quốc và khu vực Nam Mỹ, chúng tôi cũng có thể nhập khẩu từ Kazakhstan và Nga”. Trong tương lai, công ty cũng đang cân nhắc xuất khẩu sang Indonesia và khu vực Trung Đông.

Thách thức với Hải Nam

Tổng kim ngạch thương mại của tỉnh Hải Nam đang không ngừng mở rộng, đạt 277,6 tỉ nhân dân tệ trong năm 2024, tăng 20% so với năm trước. Đối tác xuất khẩu lớn nhất của tỉnh này là Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với tổng giá trị thương mại năm ngoái đạt 57,9 tỉ nhân dân tệ, tăng 60%.

Một thách thức lớn đối với tỉnh Hải Nam là tỉnh này phụ thuộc nhiều vào du lịch và không có cơ sở công nghiệp vững chắc. Năm 2023, du lịch và các dịch vụ khác chiếm khoảng 1/4 tổng sản phẩm khu vực, trong khi các ngành hướng tới xuất khẩu chỉ đóng góp khoảng 17%. Ngành tài chính - một phần quan trọng của dự án cảng thương mại tự do - chỉ chiếm khoảng 7%.

Đảo Hải Nam gây chú ý giữa thuế quan của ông Trump - Ảnh 2.Ông Trump nói thuế quan như 'thuốc chữa bệnh', không lo khi chứng khoán Mỹ chao đảo

Tổng thống Trump cho rằng 'đôi khi bạn phải uống thuốc để chữa thứ gì đó', sau khi gần 6.000 tỉ USD vốn hóa thị trường chứng khoán Mỹ bị thổi bay vì quyết định áp thuế quan đối ứng.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề