Việc này để giảm đầu mối trung gian, tiết kiệm ngân sách, bảo đảm các chỉ đạo điều hành của Đà Nẵng không có HĐND quận, không có quá 3 phó chủ tịch UBND quậnĐỌC NGAY
Đề xuất bỏ Hội đồng nhân dân quận, phường trên cả nước
Tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, Bộ Nội vụ đề xuất không tổ chức HĐND cấp quận, phường trên cả nước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chủ tịch UBND phường ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay thực tế Hà Nội đã bỏ HĐND cấp phường từ nhiều năm nay và không ảnh hưởng đến hoạt động của chính quyền phường.
Thậm chí một số hoạt động còn triển khai nhanh hơn và việc giám sát đối với chính quyền vẫn được thực hiện theo đúng quy định.
Còn một lãnh đạo UBND xã ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho hay hoạt động của HĐND xã hiện nay không hiệu quả.
Theo vị này, theo quy định hiện hành, đại biểu HĐND xã nhận được hệ số 0,3 mức lương cơ sở, tương đương 702.000 đồng/tháng. Tính chung ra trên cả nước, nếu bỏ HĐND xã, mỗi năm ngân sách sẽ tiết kiệm kinh phí khá lớn để dành cho đầu tư phát triển.
Cuối năm 2024, Bộ Nội vụ đã có văn bản lấy ý kiến các địa phương đối với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), trong đó có nội dung đề xuất bỏ HĐND cấp xã. Sau đó nhiều huyện, xã trên cả nước đã tổ chức các hội nghị lấy ý kiến và nhiều nơi đều đồng tình với việc đề xuất bỏ HĐND cấp xã.
Bộ Nội vụ nêu rõ trên phạm vi cả nước, phần lớn đơn vị hành chính vẫn tổ chức cấp chính quyền địa phương đầy đủ gồm cả HĐND và UBND. Điều này khiến bộ máy chính quyền địa phương các cấp cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chưa đáp ứng được mục tiêu tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động theo chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Trong khi đó, TP trực thuộc trung ương tổ chức chính quyền đô thị bước đầu mang lại những kết quả tích cực. Bộ máy tổ chức chính quyền đô thị tinh gọn, giảm đầu mối và cấp trung gian, tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Việc không tổ chức HĐND ở một số cấp bảo đảm các chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên và cấp dưới được thông suốt, hoạt động có hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Sẽ có nhiều lợi ích
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, đồng tình với phương án được đưa ra tại dự luật.
Theo ông Dĩnh, phương án không tổ chức HĐND quận/TP thuộc tỉnh, phường thuộc quận, phường/xã của TP thuộc tỉnh/TP trực thuộc trung ương trên cả nước sẽ đem lại các tác động tích cực như đối với bốn TP lớn trên.
Khi thực hiện đề xuất này, chủ tịch UBND TP sẽ trực tiếp bổ nhiệm chủ tịch UBND quận, chủ tịch UBND quận/TP thuộc tỉnh/TP thuộc TP sẽ trực tiếp bổ nhiệm chủ tịch UBND phường/xã.
Khi đó giúp tăng cường tính thứ bậc hành chính, tạo thuận lợi cho UBND quận, phường/xã tổ chức và hoạt động. UBND xã hoạt động theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ theo hướng tăng cường thẩm quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Một số ý kiến băn khoăn việc không tổ chức HĐND quận, phường/xã có thể dẫn đến giảm cơ quan đại diện của người dân, việc thực hiện ý chí và quyền làm chủ của người dân, việc giám sát các hoạt động của chính quyền có thể khó khăn.
"Tuy nhiên thực tế đa số đại biểu HĐND ở cấp phường/xã là kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn cũng còn hạn chế. Khi không có HĐND quận, phường/thị trấn/xã thì thẩm quyền quyết định các chủ trương, nghị quyết về kinh tế xã hội, đầu tư công, ngân sách sẽ thuộc về HĐND TP và UBND TP.
Do vậy, việc bỏ HĐND ở cấp dưới không ảnh hưởng đến hoạt động và một số TP cũng đã thực hiện từ lâu" - ông Dĩnh nói.