Điều Elon Musk ghét

Những cuộc đình công của công nhân Tesla ở Thụy Điển và lan rộng ra các quốc gia Scandinavi là cách phản ứng khi Elon Musk vi phạm văn hóa làm việc Bắc Âu.

Từ tháng 10, các thợ máy của Tesla ở Thụy Điển đã bắt đầu đình công chống lại văn hóa làm việc do Elon Musk thiết lập. Bước sang tháng thứ 3, cuộc đình công dần lan rộng ra các nước láng giềng Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan.

Theo đó, nhân viên của Tesla ở Thụy Điển đang có mức lương thấp hơn các công nhân khác trong ngành, mức bảo hiểm cũng không đồng đều. Điều này đi ngược lại với văn hóa lương thưởng "quân bình" của khu vực Bắc Âu.

Không chỉ về vấn đề lương, văn hóa làm việc với cường độ cao mà Elon Musk luôn đề cao cũng trái ngược với phong cách của người dân Bắc Âu - nơi vốn coi trọng sự cân bằng giữa làm việc và thư giãn.

Theo The New York Times, các kỹ thuật viên của Tesla ở Thụy Điển đã nghỉ việc cho biết họ vẫn ủng hộ sứ ​​mệnh của công ty và vị CEO tỷ phú. Nhưng họ cũng muốn Tesla chấp nhận cách kinh doanh của người dân Bắc Âu, còn được gọi là "Mô hình Thụy Điển".

Donatella De Paoli, phó giáo sư BI Norwegian Business School, đã chỉ ra những yếu tố chính khiến văn hóa làm việc ở Bắc Âu trở nên hấp dẫn, đó là: Bình đẳng; Công khai và minh bạch; Linh hoạt và tự chủ; Cân bằng cuộc sống và công việc.

elon musk doc tai anh 1

Phong cách lãnh đạo của Elon Musk đi ngược lại với văn hóa làm việc ở Bắc Âu.

Cân bằng công việc và cuộc sống

Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch - 3 quốc gia Scandinavi - liên tục xuất hiện trong top 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới bảng xếp hạng. Họ tự hào có tỷ lệ thất nghiệp thấp, mức lương cao, sự gắn kết xã hội và mức phúc lợi cao, theo Business Because.

Trong đó, cân bằng cuộc sống và công việc, làm ra làm, chơi ra chơi là điều người dân Bắc Âu đề cao.

Từ năm 2015, Thụy Điển đã khiến cả thế giới bất ngờ khi thông báo sẽ chuyển sang làm 6 giờ/ngày. Thống kê cho thấy chỉ có 1% người Thụy Điển làm việc trên 50 giờ/tuần.

Tương tự, người Na Uy làm việc trung bình 38 giờ/tuần - có tuần làm việc ngắn thứ 3 trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Người Đan Mạch cũng chỉ làm việc 37 giờ trong 5 ngày mỗi tuần. Hầu hết người dân nước này dừng làm việc vào 16h chiều.

Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không làm việc chăm chỉ. Na Uy là quốc gia có năng suất cao thứ 3 trên thế giới vào năm 2020 và tỷ lệ thất nghiệp của nước này hiện ở mức thấp 4,62%.

Các quốc gia Bắc Âu cũng có công thức riêng cho "hạnh phúc". Jeff Sachs, đồng sáng lập Báo cáo Hạnh phúc Thế giới và là giáo sư tại Đại học Columbia, cho biết: "Đây không phải những xã hội dồn mọi nỗ lực để trở thành tỷ phú. Họ tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống và kết quả rất tuyệt vời".

Giáo sư Donatella phân tích rằng người Bắc Âu có đạo đức làm việc rất cao, nhưng họ luôn tách biệt công việc với đời sống cá nhân. Sự cân bằng là trên hết.

Không ai xấu hổ khi phải nghỉ việc. Một mạng lưới an sinh xã hội tốt đảm bảo rằng người lao động có thể nghỉ ngơi khi cần thiết mà không phải lo lắng về việc mất thu nhập.

elon musk doc tai anh 2

Janis Kuzma là một trong những kỹ thuật viên của Tesla đã nghỉ việc. Ảnh: Felix Odell/New York Times.

Văn hóa làm việc của Tesla thì ngược lại.

Trong cuộc phỏng vấn với New York Times, 4 kỹ thuật viên đã nghỉ việc tại chi nhánh của Tesla ở Thụy Điển vào hôm 27/10 cho biết họ phải tuân theo mô hình làm việc kiểu Mỹ điển hình: làm 6 ngày/tuần, tăng ca liên tục và hệ thống đánh giá để thăng tiến không rõ ràng.

"Chúng tôi chỉ cắm đầu vào làm, làm và làm", Janis Kuzma, một trong những kỹ thuật viên đang đình công cho biết.

Bản thân Elon Musk cũng từng chia sẻ rằng ông làm việc tới 120 giờ/tuần, ăn và ngủ ngay tại văn phòng Tesla. Vị tỷ phú mong các nhân viên của mình cũng làm như vậy. Trước đó, trong các email hay bài đăng trên Twitter, vị tỷ phú nhiều lần dùng từ "hardcore" để yêu cầu các nhân viên của mình chăm chỉ và tận tụy hơn nữa.

Đề cao bình đẳng

Theo Donatella, đặc điểm quan trọng nhất của văn hóa làm việc Scandinavia là sự bình đẳng giữa lứa tuổi, giới tính và trình độ kinh nghiệm. "Khoảng cách quyền lực giữa nhà lãnh đạo, người quản lý và nhân viên rất thấp, nghĩa là có rất ít sự khác biệt về thứ bậc hoặc địa vị".

Ở đây, nhân viên tham gia vào quá trình ra quyết định và thường xuyên được hỏi ý kiến, điều này đảm bảo sự hài hòa trong công ty và giúp giữ chân nhân tài.

Đó là một phần lý do tại sao tại các quốc gia Bắc Âu, chênh lệch lương theo giới tính rất thấp. Bạn có thể không nhận được mức lương cao như ở Mỹ khi lên vị trí cấp cao, nhưng mức lương khởi điểm của một nhân viên cấp thấp vẫn tốt hơn nhiều.

elon musk doc tai anh 3

Các tổ chức công đoàn ở Thụy Điển đang gây sức ép để Tesla phải tôn trọng văn hóa làm việc của mình. Ảnh: Felix Odell/New York Times.

Có vẻ Musk không phải một ông chủ ủng hộ sự bình đẳng này. Vị tỷ phú đã phản đối nỗ lực thành lập công đoàn của 127.000 nhân viên của mình trên toàn thế giới.

Elon Musk cũng bị đánh giá là tiêu biểu của kiểu sếp thô lỗ trong quản lý con người, thiếu tôn trọng nhân viên.

Tháng 11/2022, khi vừa nhậm chức CEO của Twitter (hiện là mạng xã hội X), Musk đã gửi tin nhắn lúc 2h sáng cho toàn bộ nhân viên, yêu cầu họ lựa chọn ký cam kết làm việc "nhiều giờ với cường độ cao" hoặc nghỉ việc.

Trước đó, tỷ phú công nghệ bị cáo buộc về hành vi tại Tesla, khi Musk được cho đã hét vào mặt một kỹ sư rằng "Mày là một thằng ngu. Cút đi và đừng quay lại", theo Wired.

Nhiều nhân viên khác nói rằng Musk thường công khai làm bẽ mặt và giáng chức cấp dưới, mọi người được khuyến cáo không đi lại quá gần bàn làm việc của ông vì Musk dễ "nổi cơn thịnh nộ khó lường".

Cái giá phải trả

Theo The New York Times, còn quá sớm để đánh giá được hết hậu quả mà Tesla phải gánh chịu khi thách thức văn hóa làm việc Bắc Âu.

Ít nhất 15 công đoàn khác đã hành động để cố gắng buộc Tesla đàm phán một thỏa thuận thương lượng tập thể nhằm ấn định mức lương và phúc lợi, phản ánh các quy tắc toàn ngành ở Thụy Điển.

Các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người Thụy Điển ủng hộ cuộc đình công, nhiều người coi đây là cách để bảo vệ văn hóa kinh doanh của đất nước.

Thực tế, 9/10 người ở Thụy Điển làm việc theo hợp đồng lao động và chuyện đình công tương đối hiếm. Nhưng khi cuộc đình công tiếp tục, các câu hỏi đang được đặt ra là liệu việc Thụy Điển phụ thuộc vào các thỏa thuận quản lý lao động có cản trở sự linh hoạt và linh hoạt của các doanh nghiệp hay không.

Có tin đồn rằng một số chủ xe Tesla đã không thể tìm được ai để thay lốp vào mùa đông - điều cần thiết cho lái xe ở Thụy Điển vào thời điểm này trong năm - do kỹ thuật viên đình công.

Một số người có ý định mua xe Tesla cũng e ngại rằng họ không thể nhận được xe trong vòng 5 đến 8 tuần như đã cam kết.

John Khademi, một chủ sở hữu Tesla, đã hoãn kế hoạch đặt thêm xe mới: "Tôi chưa muốn mua, phải chờ xem kết quả đình công thế nào đã".

Scandinavia không phải khu vực duy nhất Tesla đang phải đối mặt cơn bão đình công. Áp lực đối với công ty này cũng gia tăng ở Đức, khi những cáo buộc về điều kiện làm việc tồi tệ tại nhà máy gần Berlin đã dẫn đến sự gia tăng hoạt động công đoàn.

Vào tháng 10, người đứng đầu liên minh IG Metall hùng mạnh của Đức, nghiệp đoàn kim khí có khả năng khởi xướng các cuộc đình công tại các công ty như Airbus, Siemens và Volkswagen, đã cảnh báo Musk hãy "cẩn thận".

Tuổi trẻ vô định và dễ sa ngã

Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.