Dự án đặc biệt giúp Việt Nam sẵn sàng nhập khẩu một mặt hàng cực quan trọng từ Trung Quốc nếu có nhu cầu

Đây là công trình đặc biệt, có tổng mức đầu tư khoảng 7.411 tỷ đồng.

Dự án đặc biệt giúp Việt Nam sẵn sàng nhập khẩu một mặt hàng cực quan trọng từ Trung Quốc nếu có nhu cầu- Ảnh 1.

Dự án đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên là một trong những công trình trọng điểm của Việt Nam. Dự án thuộc Nhóm A, công trình công nghiệp năng lượng, cấp đặc biệt.

Dự án được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao Ban Quản lý dự án Điện 1 (EVNPMB1) thực hiện quản lý dự án, có tổng mức đầu tư khoảng 7.411 tỷ đồng.

Dự án có điểm đầu là Trạm biến áp 500kV Lào Cai, điểm cuối là Trạm biến áp 500kV Vĩnh Yên, với chiều dài khoảng 229,5km đi qua địa phận 4 tỉnh và 12 huyện. Công trình này có tổng cộng có 468 vị trí móng cột điện (Lào Cai: 100 vị trí; Yên Bái: 173 vị trí; Phú Thọ: 94 vị trí; Vĩnh Phúc: 101 vị trí).

Dự án được đầu tư xây dựng nhằm truyền tải công suất các nhà máy thủy điện khu vực Tây Bắc và các tỉnh lân cận lên hệ thống điện quốc gia; tạo ra mối liên kết mạnh giữa các khu vực trong hệ thống điện, tăng khả năng vận hành an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia; giảm tổn thất điện năng trong lưới truyền tải, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh điện của tập đoàn.

Đồng thời, công trình nhằm giúp Việt Nam sẵn sàng cho việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc khi có nhu cầu.

Dự án đặc biệt giúp Việt Nam sẵn sàng nhập khẩu một mặt hàng cực quan trọng từ Trung Quốc nếu có nhu cầu- Ảnh 2.

Phối cảnh dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên. Ảnh: EVN

Chủ đầu tư dự án là EVN, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Điện 1 (EVNPMB1).

Hiện nay, EVN đã phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thẩu tổng thể của Dự án và hoàn thành lập, thẩm tra, phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu tất cả các gói thầu PC (cung cấp cột thép và xây lắp), cung cấp vật tư thiết bị (dây dẫn, cáp quang, cách điện, phụ điện …). Phối hợp với 4 địa phương có dự án đường dây đi qua tích cực triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao các vị trí móng cột, hành lang tuyến.

Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khởi công trong tháng 2/2025, hoàn thành dự án trong 6 tháng kể từ khi khởi công. Về tiến độ, hạng mục công việc đo vẽ bản đồ địa chính đã hoàn thành 468/468 vị trí cột, đạt 100%. Hạng mục cắm và bàn giao mốc, kiểm đếm đã hoàn thành trên 98% công việc.

Đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, về phạm vi hành lang tuyến, đã hoàn thành cắm mốc, đo vẽ nhà ở, vật kiến trúc, đất ở cho 240/248 hộ dân, đạt tỷ lệ khoảng 97%. Tại các địa phương đang thực hiện công tác phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Nhiều điểm mới trong Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII

Theo Dự thảo Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh, từ nay đến năm 2030, Việt Nam dự kiến cần đạt công suất hệ thống khoảng 230.000MW, tức gấp ba lần so với hiện tại, nhằm đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Quy hoạch này cũng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Vì vậy, phát triển nguồn điện để đáp ứng nhu cầu nội địa và mục tiêu xuất khẩu trong tương lai đòi hỏi đầu tư vào hệ thống truyền tải, đặc biệt là truyền tải liên miền để giải tỏa công suất, là vô cùng cần thiết.

Dự án đặc biệt giúp Việt Nam sẵn sàng nhập khẩu một mặt hàng cực quan trọng từ Trung Quốc nếu có nhu cầu- Ảnh 3.

Theo Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, Việt Nam phát điển đa dạng các nguồn năng lượng điện. Hình minh họa bởi AI.

Liên quan đến vấn đề phát triển nguồn điện và hệ thống truyền tải điện, tại Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, có một số cách tiếp cận mới như phát triển nguồn điện ngoài đáp ứng nhu cầu trong nước, bao gồm cả nhu cầu công suất nguồn điện cho mua bán điện trực tiếp (DPPA), đồng thời xét đến nhu cầu xuất khẩu điện và sản xuất năng lượng mới.

Phát triển hợp lý các nguồn nhiệt điện, đưa điện hạt nhân có công nghệ tiên tiến, bảo đảm an toàn trở thành nguồn điện nền quan trọng, góp phần đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Phát triển tối đa nguồn năng lượng tái tạo theo tiềm năng, thế mạnh từng vùng, bảo đảm yếu tố kinh tế-kỹ thuật trong từng giai đoạn quy hoạch, phù hợp với sự phát triển của khoa học-công nghệ; kết hợp với đầu tư lưới điện thông minh để đảm bảo độ tin cậy và chất lượng dịch vụ cung cấp điện.

Phát triển hợp lý các đường dây tải điện liên vùng, liên miền, góp phần tối thiểu hoá chi phí sản xuất điện toàn hệ thống; tăng cường hơn nữa liên kết trao đổi hợp tác về điện với các nước láng giềng, các nước ASEAN để tận dụng tiềm năng năng lượng của từng nước, tối ưu hoá vận hành hệ thống liên kết.