![]() |
Máy ảnh Fujifilm X100VI. Ảnh: Fujifilm. |
Mới đây, Fujifilm đăng bài trên trang Facebook chính thức, thông báo giá niêm yết cho loạt sản phẩm. Hàng chục dòng máy ảnh, ống kính của thương hiệu Nhật Bản lên giá 1-2 triệu đồng. Đây là mức tăng đáng kể so với mốc niêm yết trước đó.
“Để thích ứng với sự thay đổi chung của thị trường toàn cầu, Fujifilm Việt Nam xin thông báo điều chỉnh giá bán lẻ của một số sản phẩm máy ảnh và ống kính, áp dụng từ ngày 10/04”, công ty máy ảnh viết trong thông báo.
Ví dụ, dòng X-T50 tăng từ 35 triệu lên 36 triệu đồng. Sản phẩm X-M5 mới ra mắt cũng tăng thành 23 triệu đồng. Trước đó, nó được niêm yết ở 22 triệu đồng. Dòng lens cao cấp 100-400 mm của hãng cũng lên giá 2,2 triệu đồng, thành 47 triệu đồng.
![]() |
Thông báo tăng giá của Fujifilm Việt Nam. |
Mới tuần trước, các dòng phim chụp ảnh sản xuất tại Nhật Bản của công ty này cũng tăng 22-52%, khiến nhiều người dùng bất ngờ.
Tại Việt Nam, Fujifilm được yêu thích bởi thiết kế hoài cổ cùng bộ giả lập màu phim đẹp mắt, giúp hạn chế công hậu kỳ. Tuy nhiên, sản phẩm ít được lựa chọn trong giới nhiếp ảnh gia “làm nghề” bởi việc trung thành với cảm biến crop. Kích thước cảm biến nhỏ khiến máy ảnh không xử lý được hiệu quả bằng máy ảnh full-frame ở ISO cao, hạn chế về độ nét.
Trong khi đó, dòng GFX Medium Format lại có giá quá cao cho cả thân máy và ống kính, gây khó tiếp cận. Ngoài ra, người dùng của hãng thường xuyên phải mua hàng với giá cao hơn niêm yết. Nhiều dòng máy được quan tâm như X100V, X-M5 bị đội giá đến cả chục triệu đồng.
Hiện chưa rõ “sự thay đổi của thị trường toàn cầu” mà Fujifilm Việt Nam đưa ra có phải tác động của các mức thuế quan Mỹ, Trung Quốc áp dụng gần đây hay không. Công ty này sản xuất máy ảnh tại các nhà máy ở châu Á. Trong đó, trụ sở chính của họ đặt ở Tokyo, Nhật Bản.
Sản phẩm X100V từng chỉ được lắp ráp ở nước này, nhưng không đủ đáp ứng số lượng. Dòng X100VI sau đó được chuyển sang Trung Quốc. Philippines cũng tham gia chuỗi cung ứng của Fujifilm. Nhà máy tại Mỹ của công ty này chỉ sản xuất máy in, giấy in phun.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.