Giá chung cư tăng “khó kiểm soát”: Hà Nội tăng 72,4%, Đà Nẵng vượt TP.HCM tăng gần 50%

Theo VARS, giá chung cư thời gian qua đã tăng “khó kiểm soát” tại một số thành phố lớn.

Trong một công bố mới đây nhất của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), giá bán nhà ở phục hồi và tăng liên tục và "khó kiểm soát" từ đầu năm 2024 do nguồn cung tăng trưởng mạnh theo năm. Tuy nhiên, vẫn thiếu và yếu so với cầu nhà ở thực tế của thị trường - ước tính tăng thêm 1 triệu đơn vị nhà ở mỗi năm ở khu vực đô thị. Do các dự án mới tiếp tục được hoàn thiện ở mức tiêu chuẩn cao với chi phí đầu tư, nhất là các chi phí liên quan đến đất đai tăng cao. Nhất là phân khúc căn hộ chung cư (CHCC), tại các thành phố lớn.

Nghiên cứu về chỉ số giá CHCC, phản ánh mức biến động giá bán bình quân của các dự án trong tập mẫu 150 Dự án được VARS chọn lọc và quan sát cũng cho thấy, tính đến thời điểm cuối năm 2024, giá bán trung bình của cụm mẫu dự án ở TP Hà Nội đã tăng 72,4% so với quý II/2019. Theo sau là Đà Nẵng với mức tăng so với kỳ gốc đạt 49,9%. Trong khi TP.HCM chứng kiến mức tăng chậm hơn, khoảng 34,3% so với kỳ gốc khi thị trường mới bắt đầu ghi nhận các dự án mở bán từ quý III/2024.

Giá bán sơ cấp tăng cao và chưa có dấu hiệu “dừng lại”, tạo động lực dẫn dắt và duy trì mặt bằng giá CHCC thứ cấp “neo” cao, vượt xa giá trị thực. Tuy nhiên, thực tế nguồn cung và thanh khoản ở mức trung bình. Giao dịch chuyển nhượng căn hộ tập trung chủ yếu ở các dự án nằm trong đại đô thị, có hệ thống hạ tầng, tiện ích đồng bộ, hiện đại với mức giá tăng hợp lý.

Nhu cầu đầu tư phục hồi, giá bán CHCC tăng cao, giúp các dự án thấp tầng mở bán với giá bán ngày càng tăng cao vẫn được hấp thụ khá tốt. Giá các sản phẩm thấp tầng tại các đại đô thị đã hình thành và thu hút cư dân đến ở phục hồi so với “đỉnh”. Trong khi giá chuyển nhượng tại một số dự án thấp tầng vẫn đi ngang ở mức cao vì bị bỏ “hoang”.

Giá chung cư tăng “khó kiểm soát”: Hà Nội tăng 72,4%, Đà Nẵng vượt TP.HCM tăng gần 50%- Ảnh 1.

Giá đất nền, đã tách thửa, pháp lý đầy đủ cũng phục hồi và tăng trưởng mạnh trong bối cảnh nguồn cung đất nền giảm do quy định “siết” phân lô bán nền. Đặc biệt, các lô đất giá trị thấp, khoảng dưới 30 triệu đồng/m2 tại các thành phố có hạ tầng đã phát triển hoặc đã có kế hoạch phát triển được “săn đón”, với mức giá tăng từ 15% so với cuối năm trước, do giá trị đầu tư không quá cao, còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Trong bối cảnh giá nhà đất thổ cư tại 2 đô thị đặc biệt cũng đã liên tục tăng và thiết lập mặt bằng mới ở mức cao, vượt quá khả năng tiếp cận của đa số khách hàng. Nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển nhu cầu “săn lùng” nhà đất thổ cư sang các tỉnh, thành vùng ven với mức giá “mềm” hơn và nhiều dư địa tăng trưởng nhờ hưởng lợi từ hệ thống hạ tầng, quy hoạch đô thị,...

Theo nhận định của VARS, thị trường BĐS đã “khép lại” năm 2024 với các kết quả phục hồi tích cực. Tới thời điểm hiện tại, thị trường BĐS vẫn đang chuyển động tích cực. Thanh khoản trên thị trường đang có xu hướng giảm nhẹ ở phân khúc cao cấp, nhưng vẫn duy trì ổn định ở các sản phẩm nhà ở phù hợp với nhu cầu ở thực, giá trị hợp lý với các yếu tố cấu thành bao gồm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cây xanh, hồ nước, khu vui chơi, thương mại, công tác quản lý, an ninh…

VARS cho rằng, để thị trường phục hồi, phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững, các chủ đầu tư cần đảm bảo mức giá phù hợp với sức mua của thị trường, thay vì tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn.