Giao thông nhiều nơi ở Hà Tĩnh, Quảng Bình bị chia cắt

Mưa lớn kéo dài cùng với nước ở thượng nguồn đổ về gây ngập cục bộ một số vùng, giao thông bị chia cắt.

Do ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió Đông trên cao kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên khu vực Hà Tĩnh có mưa to đến rất to. Riêng ở khu vực huyện Kỳ Anh, lượng mưa đo được từ 130-230 mm; trong sáng nay (5-11), cùng với việc nước ở thượng nguồn đổ về nhiều đã gây ngập cục bộ một số vùng.

Giao thông nhiều nơi ở Hà Tĩnh, Quảng Bình bị chia cắt- Ảnh 1.

Mưa lớn kèm theo nước thượng nguồn đổ về khiến cầu tràn Mỹ Thuận bị ngập sâu, người và phương tiện không thể qua lại.

Đặc biệt, đoạn qua cầu tràn Mỹ Thuận, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh bị ngập sâu, nước chảy xiết, giao thông chia cắt hoàn toàn ảnh hưởng đến việc đi lại của hơn 500 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu của 2 thôn Mỹ Lợi và Mỹ Thuận.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, chính quyền địa phương xã Kỳ Sơn đã làm rào chắn, biển cảnh báo khu vực nước sâu nguy hiểm, đồng thời cắt cử các lực lượng trực tại các điểm tràn trên địa bàn không cho người và phương tiện qua lại.

Giao thông nhiều nơi ở Hà Tĩnh, Quảng Bình bị chia cắt- Ảnh 2.

Để đảm bảo an toàn, chính quyền xã Kỳ Sơn tiến hành làm rào chắn, cử lực lượng không cho người dân qua lại.

Ông Nguyễn Trí Đồng, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết tuy lượng mưa đợt này không lớn và dồn dập, nhưng cũng đã có nhiều điểm thấp trũng tại huyện này bị ngập cục bộ.

Ngoài ra, để chủ động phòng mưa, lũ khi mưa lớn kéo dài, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã bắt đầu cho xả tràn 3 công trình hồ chứa nước do đơn vị này quản lý gồm: Bộc Nguyên, Thượng Sông Trí và Khe Xai.

Giao thông nhiều nơi ở Hà Tĩnh, Quảng Bình bị chia cắt- Ảnh 3.

Hồ Bộc Nguyên xả tràn với lưu lượng xả từ 5-120m3/ s.

Cụ thể: Hồ Bộc Nguyên (huyện Cẩm Xuyên) và hồ Thượng Sông Trí (Tx.Kỳ Anh) đã xả tràn lưu lượng 5-120m3/s; hồ Khe Xai (huyện Thạch Hà) xả tràn 5-60m3/s.

Phía đại diện Công ty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết, việc kết thúc xả tràn sẽ căn cứ vào diễn biến thời tiết và mực nước hồ.

Clip: Hồ Khe Xai đang xả tràn lưu lượng 5-60m3/s.

Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cũng đã gửi thông báo đến các địa phương chịu ảnh hưởng trong hệ thống xả tràn khẩn trương thông báo, đôn đốc và hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản vùng hạ du.

Hồ Bộc Nguyên đang được kích hoạt xả tràn.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công điện về chủ động ứng phó mưa lớn. Tỉnh này đề nghị các địa phương, đơn vị tổ chức rà soát, chủ động sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ cao về ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Các huyện, thị xã chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm "4 tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Tại Quảng Bình, chiều 5-11, ông Phạm Anh Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tuyên Hóa, cho biết trong  ngày 4 và 5-11, trên địa bàn huyện này đã xuất hiện các đợt mưa lớn, gây ngập lụt nhiều khu vực.

Lượng mưa lớn khiến nước sông, suối và khe dâng cao, gây ngập cục bộ và chia cắt nhiều tuyến đường, cầu và ngầm. Cụ thể, tại xã Lâm Hóa, hai cầu tràn trên đường vào bản Chuối bị ngập sâu từ 0,5 - 1m, chia cắt 19 hộ dân với 96 nhân khẩu. Cầu tràn bản Kè cũng bị ngập khoảng 0,6m, ảnh hưởng đến 62 hộ dân với 256 nhân khẩu.

Tại xã Thanh Hóa, cầu Bà Túng trên đường vào trụ sở xã ngập 0,5m, cùng với đó cầu tràn bản Hà cũng ngập sâu ở mức tương tự.

Đặc biệt, tuyến đường từ xã Mai Hóa đến xã Ngư Hóa bị ngập sâu đến 1m. Tại xóm 1, thôn Tân Lâm (xã Ngư Hóa), nước sông Rào Trổ dâng cao, cô lập 8 hộ dân với 21 nhân khẩu.

Tình hình tại xã Đồng Hóa còn nghiêm trọng hơn khi nhiều cầu bị ngập sâu, như cầu Tang Bồng (2m), cầu Ô (1,5m), cầu Sũng Mè (1,5m), cầu Đông Hà (2m), cầu Lá Máng (2,5m) và cầu Hơi Hơi (3m).

Ngoài ra, tại các địa phương khác, như: xã Sơn Hóa, Lê Hóa, Hương Hóa, Thuận Hóa và thị trấn Đồng Lê, nhiều cầu và ngầm cũng bị ngập sâu, gây khó khăn cho việc di chuyển của người dân.

Trước nguy cơ sạt lở từ mưa lớn, UBND huyện Tuyên Hóa đã chỉ đạo xã Đức Hóa và Thuận Hóa di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân với hàng trăm nhân khẩu đến khu vực an toàn.

Đến 12 giờ trưa ngày 5-11, tình hình mưa lũ tại huyện vẫn diễn biến phức tạp, nước lũ sông Gianh tiếp tục dâng cao.