Giới hạn nào cho những trò đùa tình dục tục tĩu

Vấn đề của "sex joke" thường là củng cố các định kiến và né tránh cuộc thảo luận nghiêm túc. Đối diện thứ mang danh là "trò đùa", mọi người cũng bối rối trong cách phản ứng.

nhom nghe si anh 1

Hàng loạt nghệ sĩ phải lên tiếng xin lỗi khi từng là thành viên trong một nhóm riêng tư thường xuyên đùa tục về vấn đề tình dục, giới tính. Một số bài đăng, bình luận còn có lời lẽ quấy rối người nổi tiếng khác.

"Không biết", "chỉ nghĩ là đùa cợt", "tương tác nhằm mục đích cho vui", "nghĩ đó là nhóm bình thường"... là cách các nghệ sĩ giải thích về những bài đăng, bình luận của mình trong nhóm gồm 3.000 thành viên này.

Tuy nhiên, các nghiên cứu và chuyên gia chỉ ra rằng những câu đùa tục tĩu không đơn giản chỉ là câu chuyện cười hàng ngày với mục đích giải trí, thư giãn như một số người vẫn nghĩ. Tại sao người ta thích đùa về chuyện tình dục? Điều gì thúc đẩy mọi người tương tác với một bức ảnh hay bài đăng ẩn ý chuyện tình dục? Những câu chuyện đùa tục tĩu nói điều gì về người kể và người hưởng ứng? Nếu đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi này, chúng ta sẽ nhận thấy một số vấn đề đáng bàn ẩn sau những câu đùa tục.

Vì sao nhiều người đùa về tình dục?

Theo cuốn sách Tình dục - chuyện dễ đùa khó nói (năm 2009) của nhóm tác giả Khuất Thu Hồng, Lê Bạch Dương và Nguyễn Ngọc Hường, đối với người Việt tình dục trở nên dễ đùa khó nói. "Đùa để biến một chủ đề cấm kỵ và nguy hiểm trở thành vô hại... Không thể nói cởi mở về tình dục một cách chính thức, người ta phải đùa cợt, ám chỉ về nó. Không thể chia sẻ những băn khoăn, lo ngại cũng như những trải nghiệm hạnh phúc của mình về tình dục, người ta phải mượn đến những câu chuyện tiếu lâm và những cách nói ví von ẩn dụ, đố tục giảng thanh".

Cuốn sách dựa trên nghiên cứu năm 2003-2007 của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) kết luận: "Không thể nói tình dục là không quan trọng đối với người Việt Nam. Người Việt đùa về tình dục nhiều đến như vậy có nghĩa là họ rất quan tâm đến nó".

Theo Phạm Thị Thu Phương - đại diện Nhà Nhiều Cột (chiến dịch truyền thông xã hội hướng tới mục tiêu phá bỏ định kiến giới, được thực hiện bởi TUVA Communication trong khuôn khổ sáng kiến Investing in Women của chính phủ Australia), kết luận của nghiên cứu trên vẫn còn giá trị cho đến ngày nay. Tình dục luôn là chủ đề hấp dẫn nhưng nhạy cảm. Chính vì nhạy cảm và thường bị tránh nhắc đến trong cuộc sống thường ngày, chủ đề này rất dễ trở thành tâm điểm chú ý mỗi khi xuất hiện.

nhom nghe si anh 2

Tình dục được xem là chủ đề nhạy cảm trong các cuộc trò chuyện. Ảnh: Sex Education/Netflix.

Thu Phương cho biết công thức viral "sex, sốc, sến" đã được "truyền tai" nhau như một cách hiệu quả để nhanh chóng thu hút người đọc từ rất lâu trước đây. "Thậm chí cuộc thảo luận về nhóm Facebook liên quan đến các nghệ sĩ Việt thời gian gần đây trở nên náo nhiệt như vậy cũng một phần bởi vì nó có liên quan đến chủ đề tình dục".

Thu Phương trích dẫn định nghĩa của nhà hát kịch UCB (Mỹ) rằng công thức của một trò đùa vui là "tìm ra và 'click' vào đúng mâu thuẫn giữa hai vùng trong hiểu biết của cá nhân: safety (điều an toàn) - hoạt động diễn ra vô vị hàng ngày, không có gì buồn cười - và violation (điều kỳ lạ) - những thứ khiến đời sống của ta thú vị hơn". Miếng hài sẽ xuất hiện ở nơi giao thoa giữa hai vùng đó.

"Sex joke (tạm dịch: trò đùa tình dục) thường mang tới cảm giác thú vị bởi nhắc đến tình dục vẫn luôn là một điều xa lạ thu hút chúng ta, nhất là đối với nền văn hóa châu Á còn nhiều dè dặt, e ngại khi nói tới vấn đề này", Thu Phương nói.

Còn chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyết - Giám đốc chương trình Trí tuệ cảm xúc Capokids - chỉ ra rằng những người lớn lên trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với những trò đùa tình dục thì có xu hướng lặp lại nó và coi đó là điều bình thường. Cứ đùa tục mãi khiến người ta quen với cách nghĩ và cách nói dễ dãi về tình dục.

Điều này cũng từng được đề cập trong nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS): "Trẻ em lớn lên trong một bầu không khí ngập tràn những câu đùa thô thiển và những câu chuyện tiếu lâm ám chỉ trực tiếp về tình dục nhưng lại thiếu những hướng dẫn chân thành và nghiêm túc. Toàn xã hội nói đùa về tình dục nhưng hầu hết đều lặng thinh khi cần phải thảo luận một cách chính thức về nó".

Từ không gian mạng đến đời sống

Không chỉ có trên không gian mạng, các "sex joke" cũng xuất hiện trong cuộc sống thường ngày. Theo Thu Phương, những trò đùa dạng này trong môi trường công sở là vấn đề nhức nhối đối với nhiều người từ rất lâu.

"Cần làm rõ rằng 'sex joke' không chỉ bao gồm những trò đùa sử dụng chất liệu là tình dục - điều mà những người đủ 18 tuổi đều có hoặc có khả năng nhận thức và/hoặc liên hệ, nó còn bao gồm những trò đùa khác, dựa trên giới tính, nhấn mạnh vào sự khác biệt sinh lý và hàm chứa hành vi phân biệt giới tính".

Ranh giới cho những trò đùa vui và khiếm nhã có lẽ nằm ở chính ranh giới của những người tham gia vào trò đùa đó - người nói, người nghe, và người bị đem ra làm trò cười.

"Đùa thì phải vui. Nếu người nghe không thoải mái với trò đùa của bạn, bạn cần xin lỗi và không lặp lại, thậm chí cần phải xem xét tại sao những trò đùa của mình lại mang lại những cảm xúc tiêu cực đến vậy ở người nghe. Vấn đề là câu đùa đó đã được nói ra một cách thiếu suy nghĩ, không nằm ở người nghe khi họ phản ứng gay gắt, bài xích, thấy ghê sợ với trò đùa của bạn", Thu Phương nói.

nhom nghe si anh 3

Mọi người có xu hướng thích nói đùa nhưng ngại thảo luận nghiêm túc về chủ đề tình dục. Ảnh: The New York Times.

Những trò đùa quá trớn về tình dục trên không gian mạng thường khó chắc chắn về bối cảnh đùa. Người nói cũng khó có hiểu biết đầy đủ về ranh giới của người nghe, đặc biệt là người bị đem ra làm trò đùa. Tuy nhiên, đó không phải lý do để bao biện cho các câu chuyện rõ ràng thúc đẩy những thứ có hại như "rape culture" (tạm dịch: văn hóa hiếp dâm), định kiến giới dưới vỏ bọc "trò đùa".

Bev Shah, người sáng lập City Hive - mạng xã hội dành cho những người làm trong ngành tài chính - nói với BBC rằng ngày nay, mọi người không còn có thể nói đùa một cách công khai như vậy.

"Những trò đùa kiểu này không còn được chấp nhận ở bất kỳ diễn đàn công cộng nào nữa, cũng giống như trò đùa về chủng tộc vậy. Ngày trước, những trò đùa về chủng tộc từng xuất hiện trên kênh BBC chính thống vào giờ vàng với những nhân vật như Alf Garnett trong Til 'Death Do Us Part khiến chúng trở nên được chấp nhận", bà Shah cho biết.

Bà nói rằng trong thời đại hậu #MeToo, bất kỳ "trò đùa" có vấn đề nào cũng bị xem xét kỹ lưỡng và không nên được dung thứ.

Chuyên gia tâm lý Tình Tuyết cũng đồng ý rằng công chúng ngày càng có nhận thức tốt hơn về những vấn đề này. "Phong trào lên tiếng bảo vệ người yếu thế, nhận thức tốt hơn và tiếng nói lan truyền trên mạng xã hội trong nhiều trường hợp đã giúp đỡ các nạn nhân của những trò đùa quấy rối, lệch lạc".

Phải phản ứng thế nào?

Trong cuốn sách Tình dục - chuyện dễ đùa khó nói, các nhà nghiên cứu chỉ ra vấn đề của những trò đùa tình dục là củng cố các định kiến và né tránh những cuộc thảo luận, nghiên cứu nghiêm túc.

"Chúng ta chỉ quen đùa mà không để tâm tìm hiểu nghiêm túc về tình dục. Đến khi phải lý giải và đối phó với những vấn đề tiêu cực do thiếu hiểu biết về tình dục gây ra thì mọi người đều lúng túng, tìm cách viện dẫn đến truyền thống và đạo đức để lảng tránh".

Ngoài ra, đối với những người khăng khăng rằng sex joke chỉ là trò đùa, tác động của những bình luận tục tĩu lên văn hóa nơi làm việc thường không được xem xét. Trên một chương trình của NPR, nhà văn nữ quyền Rebecca Traister chỉ ra rằng bất kỳ phản ứng nào của phụ nữ đối với những trò đùa phân biệt giới tính - dù tích cực hay tiêu cực - đều có nguy cơ làm tổn hại đến danh tiếng của họ trong mắt đồng nghiệp, đặc biệt là những người đàn ông có khả năng kiểm soát tiền lương và sự thăng tiến của họ.

"Điều mà tôi vẫn muốn nhấn mạnh là nếu một anh chàng kể câu chuyện cười tục tĩu hoặc xúc phạm tại một cuộc họp nhân viên, thì tác hại gây ra cho một người phụ nữ trong cuộc họp nhân viên đó, chẳng hạn, không phải là ở bản thân câu chuyện cười đó. Đó là phản ứng của cô ấy đối với câu chuyện cười, phản ứng của cô ấy đối với nó sau đó có thể góp phần vào tương lai nghề nghiệp của cô ấy. Liệu cô ấy có trở nên kém cỏi hơn trước các đồng nghiệp và sếp của mình không? Liệu cô ấy có bị coi là mối đe dọa vì cô ấy không hùa theo hay không? Tác hại không nằm ở hành vi xúc phạm ban đầu, tác hại nằm ở năng lượng tích lũy mà phụ nữ phải dành ra để điều hướng những thứ này qua rất nhiều giai đoạn trong sự nghiệp của họ", Traister nói.

Theo Thu Phương, nếu môi trường đủ an toàn, hãy lên tiếng ngay lúc đó, hãy bày tỏ việc bạn không thấy vui và không thoải mái với trò đùa này. Hãy yêu cầu một lời xin lỗi nếu trò đùa đó khiến bạn cảm thấy bị xúc phạm.

Nếu tình huống lúc đó không cho phép bạn phản kháng ngay lập tức, hãy báo cáo với cấp trên, hãy tìm sự trợ giúp để ngăn những điều tương tự tái diễn với bạn và những người xung quanh.

"Sex joke không nên là chuyện được bình thường hoá đến mức nếu bạn không vui vì trò đùa tức là lỗi nằm ở bạn", Thu Phương nói.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.