Về dự án hạ tầng, hiện Hà Nam đang tích cực đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ QL1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn đi qua huyện Bình Lục giao với QL21A, QL21B, đường nối 2 cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Hà Nội – Ninh Bình, kết nối 2 di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (tỉnh Hà Nam) và Khu di tích lịch sử – văn hóa đền Trần (tỉnh Nam Định). Tổng dự án đầu tư 3.600 tỷ đồng do ngân sách Trung ương hỗ trợ kết hợp với vốn địa phương, được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2022 – 2025.
Cùng với đó, Hà Nam thúc đẩy tiến độ nút giao Phú Thứ. Đây là một công trình trọng điểm. Khi hoàn thành sẽ tạo thêm nhánh kết nối, thông trục giao thông Đông - Tây, tạo cân bằng giữa các vùng kinh tế của tỉnh. Đáng chú ý, nút giao này sẽ đón các dòng phương tiện từ cao tốc Bắc - Nam và Vành đai 5 đi vào khu trung tâm hành chính mới phía Bắc Phủ Lý.
Ngoài ra, quy hoạch mạng lưới Đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hà Nam sẽ có 4 tuyến cao tốc gồm: cao tốc Bắc - Nam phía Đông (tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình), cao tốc Phủ Lý - Nam Định, cao tốc Hưng Yên - Thái Bình và đường Vành đai 5 vùng Thủ đô. Đặc biệt, tuyến Vành đai 5 có chiều dài 273km, quy mô 4 - 6 làn xe, tối thiểu 23m nền đường và đi qua 8 địa phương, dự kiến được xây dựng trước năm 2027 sẽ thúc đẩy giao thương cho toàn vùng nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng.
Cùng với các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, hiện nay cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Hữu nghị Việt Đức ở Hà Nam đang được nghiên cứu phương án giải quyết vướng mắc để hai bệnh viện hạng đặc biệt tại Hà Nam sớm đi vào hoạt động phục vụ người dân.
Được biết, hai dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được khởi công tháng 5/2015, dự kiến hoàn thành vào 31/12/2020. Trong đó, dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai có quy mô 1.000 giường, xây dựng trên 118.941m2 sàn với tổng mức đầu tư 4.990 tỷ đồng. Cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng có quy mô 1.000 giường, tổng 117.714m2 sàn, mức đầu tư 4.968 tỷ đồng.
Năm 2018, một số hạng mục của hai dự án đã hoàn thành, trong đó có khu khám bệnh. Ngày 21/10/2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này được khánh thành. Tuy nhiên, sau đó chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai được đưa vào sử dụng từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020 rồi thông báo tạm thời dừng hoạt động. Trong khi đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 cũng chỉ dừng lại ở cắt băng khánh thành và chưa từng tiếp nhận bệnh nhân.
Hàng ngàn tỷ đồng của nhà nước đã bỏ ra nhưng sau 10 năm, hai bệnh viện vẫn trong cảnh “đắp chiếu”, cây cối mọc um tùm. Tháng 10 năm nay, Bộ Y tế đã khẳng định ý chí quyết tâm rất lớn trong lộ trình sớm đưa hai bệnh viện vào hoạt động. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã rà soát, đánh giá toàn diện các vấn đề pháp lý và kỹ thuật liên quan đến dự án, những khó khăn vướng mắc, tồn tại của việc triển khai thực hiện dự án, làm việc với các nhà thầu và đưa ra phương án xử lý, báo cáo Lãnh đạo Chính phủ để có hướng giải quyết những vướng mắc và tiếp tục triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ.
Hai “bệnh viện treo” gây lãng phí nguồn lực đất đai cũng là vấn đề được đề cập tại phiên thảo luận KT-XH Quốc hội chiều 26/10 vừa qua. Theo đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã “điểm tên” dự án 2 bệnh viện cơ sở 2 tại Hà Nam như một dẫn chứng về điển hình của lãng phí, yêu cầu sớm giải quyết khắc phục tình trạng này để đưa vào hoạt động.
Trong tương lai, khi hai bệnh viện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai đi vào vận hành, Hà Nam sẽ có hệ thống y tế hiện đại, quy mô hàng đầu phía Bắc. Cùng với đó, mới đây UBND tỉnh Hà Nam cho biết cũng đang tích cực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao quỹ đất Dự án Bệnh viện Lão khoa Trung ương cơ sở 2 tại xã Thanh Tâm (huyện Thanh Liêm) với diện tích quy hoạch khoảng 10 ha. Hay phòng khám chăm sóc sức khỏe gia đình Sun Family Clinic của Tập đoàn Sun Group cũng có kế hoạch mở rộng hoạt động tại các khu đô thị.