Hàn Quốc muốn người dân mặc quần đùi để tiết kiệm điện

Mùa hè oi ả, mức tiêu thụ điện tăng cao do nhu cầu sử dụng điều hòa đã khiến chính quyền Seoul (Hàn Quốc) triển khai chiến dịch kêu gọi người dân và doanh nghiệp tiết kiệm.

Hình ảnh quạt thông gió của máy điều hòa bao phủ một tòa nhà ở Seoul. Ảnh: Korea Times.

Kể từ năm 2020, tổng mức sử dụng điện của thành phố Seoul đã tăng 3%/năm, dự kiến mức tiêu thụ điện có thể tăng mạnh vào mùa hè này, Korea Times đưa tin.

Một trong những mục tiêu của thành phố là mỗi hộ gia đình tiết kiệm được 1 kWh (1 số điện) một ngày, theo Bộ phận Năng lượng Xanh thuộc Trụ sở Môi trường và Khí hậu của chính quyền Seoul.

Theo đó, người dân được khuyến khích giữ nhiệt độ phòng ở 26 độ C, tắt đèn và rút phích cắm các thiết bị điện tử khi không sử dụng. Những hành động như vậy có thể tiết kiệm tới 10% năng lượng mỗi tháng và 100.000 won (76 USD) hóa đơn tiền điện mỗi năm.

Để nâng cao nhận thức về thói quen tiết kiệm điện, nhất là tại các cơ sở kinh doanh và địa điểm thương mại khác - nơi nhu cầu điện tương đối cao hơn do lượng khách hàng ghé thăm nhiều - chính quyền thành phố thành lập một nhóm tuyên truyền đặc biệt.

Trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8, khoảng 150 nhân viên chính quyền thành phố sẽ đến thăm các khu vực đông đúc nhất của Seoul, bao gồm Myeongdong, Hongdae và Gangnam, đồng thời quảng bá chiến dịch tiết kiệm năng lượng: nhắc nhở các cửa hàng đóng kín cửa khi bật điều hòa, đóng cửa tủ lạnh trong siêu thị.

Chiến dịch của thành phố cũng khuyến khích mọi người tháo cà vạt, mặc quần đùi và truyền bá thông điệp tiết kiệm qua các nền tảng mạng xã hội.

tiet kiem dien anh 1

Chiến dịch kêu gọi các cửa hàng đóng kín cửa khi mở điều hòa, đóng cửa tủ lạnh trong siêu thị. Ảnh: Yonhap.

Các quan chức thành phố đang tiếp cận khoảng một triệu sinh viên ở Seoul để quảng bá chiến dịch. Chính quyền kết hợp với Văn phòng Giáo dục Thành phố Seoul để tổ chức những buổi giáo dục tại nhiều địa điểm và không gian công cộng.

Chính quyền thành phố đồng thời tiếp cận với Tập đoàn Điện lực và Cơ quan Năng lượng, hướng tới việc tung ra các quảng cáo hàng tháng trên toàn thành phố như biển quảng cáo ngoài trời, trên tàu điện ngầm, xe buýt và màn hình tại thang máy chung cư.

Các mẹo tiết kiệm điện được chia sẻ qua đài phát thanh, đài truyền hình và các phương tiện truyền thông đại chúng.

Ngoài chiến dịch quảng cáo của thành phố, 25 văn phòng quận của Seoul cũng phát động một chiến dịch quảng cáo đặc biệt trong suốt mùa hè để góp phần thực hiện sứ mệnh tiết kiệm năng lượng.

Những nỗ lực bao gồm giám sát các tòa nhà công cộng tiêu thụ lượng điện năng lớn và giúp tiết kiệm điện hơn. Một chiến dịch khác liên quan đến khoảng 1.000 quán cà phê và nhà hàng ở Seoul.

Đối với 450 tòa nhà đã đăng ký trong thành phố sử dụng lượng điện tương đối lớn hơn - tiêu thụ lượng điện tương đương 2.000 tấn hoặc cao hơn mỗi năm - cũng như các công ty thân thiện với môi trường, chính quyền thành phố sẽ tổ chức cuộc thi đua xây dựng mô hình tiết kiệm điện năng.

Theo đó, những tòa nhà cắt giảm lượng điện năng nhiều nhất so với cùng kỳ năm trước sẽ giành chiến thắng. Các đơn vị chiến thắng sẽ nhận được một tấm bằng khen của Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon.

Chính phủ cũng tăng giá điện thêm 5,3% vào ngày 16/5, tạo thêm gánh nặng tài chính đáng kể cho người dân và doanh nghiệp.

Lee In-keun, người đứng đầu Trụ sở Khí hậu và Môi trường, cho biết: "Việc tăng giá điện gần đây dự kiến ảnh hưởng đến người dân, công ty tư nhân và chủ doanh nghiệp nhỏ. Nhưng với hành động nhỏ như duy trì nhiệt độ trong phòng, rút ​​phích cắm các thiết bị điện và tắt đèn, hóa đơn tiền điện có thể giảm 10%. Tôi kêu gọi người dân thành phố tham gia phong trào".

Bên cạnh kêu gọi tiết kiệm, chính quyền có sự hỗ trợ đối với các gia đình thu nhập thấp trong bối cảnh giá điện tăng. Theo đó, chính quyền thành phố sẽ phát miễn phí quạt điện và chăn mùa hè, cũng như trợ cấp giúp họ trả hóa đơn tiền điện.

Niềm vui và nỗi buồn của công việc

Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.