Nhà sáng lập quỹ Bridgewater Ray Dalio ngày 13/4 bày tỏ lo ngại rằng tình trạng bất ổn bắt nguồn từ chính sách thuế quan và kinh tế của Tổng thống Donald Trump có thể tác động đến nền kinh tế toàn cầu.
Ông nói trong chương trình “Meet the Press” của đài NBC News: “Hiện tại, chúng ta đang ở thời điểm quyết định bước ngoặt và rất gần với suy thoái. Tôi lo sợ về một điều tệ hơn cả suy thoái nếu tình hình này không được xử lý đúng cách”.
Vị tỷ phú điều hành quỹ đầu cơ cho biết mối quan ngại lớn nhất của ông không chỉ nằm ở rủi ro suy thoái mà còn ở sự gián đoạn thương mại, khối nợ ngày càng phình to của Mỹ và sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới. Những điều này có thể làm sụp đổ trật tự kinh tế – địa chính trị đã được duy trì từ sau Thế chiến II.
Ông Dalio cho biết có năm lực lượng chính chi phối dòng chảy lịch sử: kinh tế, xung đột chính trị nội bộ, trật tự quốc tế, công nghệ và các yếu tố tự nhiên như lũ lụt hay đại dịch. Ông cho rằng mặc dù các mức thuế của ông Trump được xây dựng với mục tiêu dễ hiểu, nhưng cách triển khai có thể gây “rối” và tạo ra xung đột trên toàn cầu.
Chính sách thuế quan thay đổi liên tục của Tổng thống Trump đã khiến thương mại quốc tế đảo lộn. Tuần trước, ông Trump thông báo hoãn 90 ngày với mức thuế đối ứng, nhưng vẫn giữ nguyên mức thuế cơ bản 10% và mức thuế 145% đối với Trung Quốc.
Sau đó, vào tối thứ Sáu, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) thông báo miễn trừ mức thuế đối ứng cho các sản phẩm điện tử tiêu dùng sản xuất tại Trung Quốc bao gồm điện thoại thông minh, máy tính và chất bán dẫn. Tuy nhiên, các mặt hàng này vẫn phải chịu mức thuế 20% được áp dụng từ đầu năm. Đến Chủ nhật, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick đã lên tiếng đính chính rằng việc miễn trừ này không phải là vĩnh viễn.
Trong một bài đăng trên X thứ Tư tuần trước, tỷ phú Dalio kêu gọi Mỹ đàm phán với Trung Quốc về một thỏa thuận thương mại “đôi bên cùng có lợi”. Ông cũng kêu gọi cả hai nước cần giải quyết vấn đề nợ công đang gia tăng.
Trong chương trình “Meet the Press”, ông Dalio tiếp tục nhấn mạnh rằng Quốc hội nên cắt giảm thâm hụt ngân sách liên bang xuống còn 3% GDP.
Ông cảnh báo: “Nếu họ không làm vậy, chúng ta sẽ đối mặt với bài toán cung – cầu trái phiếu đúng vào thời điểm các vấn đề khác đang diễn ra và hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn một cuộc suy thoái thông thường”.
Ông Dalio cũng lưu ý rằng giá trị của đồng tiền đang bị đe dọa. Nếu thị trường trái phiếu bị phá vỡ, cộng với các sự kiện như xung đột nội bộ và quốc tế, hệ thống tiền tệ có thể phải hứng chịu cú sốc còn nghiêm trọng hơn cả việc Tổng thống Richard Nixon hủy bỏ chế độ bản vị vàng năm 1971 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tuy nhiên, tỷ phú Dalio cho rằng kịch bản đó vẫn có thể tránh được nếu các nhà lập pháp cùng hợp tác để giảm thâm hụt ngân sách, đồng thời nước Mỹ cần tránh các chính sách đối ngoại gây xung đột và kém hiệu quả.
Theo CNBC