Jeff Bezos có bắt kịp Elon Musk trên đường đua vũ trụ?

Sau 25 năm, Blue Origin của Jeff Bezos cũng phóng tên lửa đầu tiên vào quỹ đạo, hy vọng bắt kịp SpaceX của Elon Musk trên đường đua vũ trụ.

Quốc tế

Jeff Bezos có bắt kịp Elon Musk trên đường đua vũ trụ?

Khởi Vũ • 07/01/2025 06:00

Sau 25 năm, Blue Origin của Jeff Bezos cũng phóng tên lửa đầu tiên vào quỹ đạo, hy vọng bắt kịp SpaceX của Elon Musk trên đường đua vũ trụ.

Nếu không có trục trặc gì vào phút chót, Blue Origin sẽ phóng tên lửa New Glenn của mình vào rạng sáng 8/1/2025 từ Trạm Không gian Cape Canaveral ở bang Florida, Mỹ. Đây là lần đầu tiên sau gần một phần tư thế kỷ thành lập công ty do tỷ phú Jeff Bezos điều hành đưa tên lửa bay vào quỹ đạo.

jeff-bezos-co-bat-kip-elon-musk-tren-duong-dua-vu-tru.pngTên lửa của Blue Origin trên bệ phóng.

Đưa được tên lửa hoàn toàn mới lên quỹ đạo vừa là kỳ tích, vừa là thành tựu cần thiết nếu Blue Origin muốn làm lung lay sự thống trị của SpaceX trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ. Hơn nữa, công ty hy vọng có thể cho tầng đầu tiên của New Glenn hạ cánh an toàn trên một sà lan không người lái ở Đại Tây Dương sau khi phóng vài phút. Mục đích của việc này là thu hồi, tân trang và tái sử dụng tên lửa đẩy ở tầng đầu tiên để giảm chi phí.

Trên thực tế, SpaceX trước đó đã cho thấy khả năng tái sử dụng một phần như vậy trong lần hạ cánh thành công vào năm 2016 sau nhiều lần thử nghiệm. Do đó, việc Blue Origin làm được điều này ngay trong lần bay đầu tiên sẽ là cú huých quan trọng với những mục tiêu tham vọng nhất của Bezos: Trong tương lai, tên lửa này sẽ đưa các vệ tinh Internet Amazon vào không gian, thậm chí góp phần xây trạm vũ trụ mà Blue Origin đang phát triển cùng một số đối tác thương mại.

Cuộc đua giữa rùa và thỏ

Giữa tất cả sự phấn khích, nhiều nhà quan sát tự hỏi điều gì đã khiến Blue Origin mất nhiều thời gian đến vậy chỉ để đưa được một tên lửa vào quỹ đạo. Cần biết rằng, phương châm của công ty là "làm từng bước, làm quyết liệt".

Trái với phong cách quản lý cứng rắn của Bezos tại Amazon, sự "làm từng bước" có thể dễ dàng được trông thấy hơn nhiều sự "làm quyết liệt" ở Blue Origin. Dù xuất hiện trễ hơn Blue Origin (thành lập năm 2000), các công ty cùng thời như SpaceX (2002) hay Rocket Lab (2006) đã đưa tên lửa lên quỹ đạo trong nhiều năm. Trong trường hợp của SpaceX - nơi đã khẳng định mình là tổ chức vũ trụ có năng lực nhất hành tinh, con số này là hơn 400 lần.

Vấn đề không nằm ở sự thiếu tham vọng của chủ sở hữu. Năm 2019, hai năm trước khi từ chức CEO Amazon, Bezos đã có bài thuyết trình ủng hộ xây dựng các thành phố khổng lồ trong không gian, giống loại mà nhà vật lý người Mỹ Gerard O'Neill đã đề xuất vào những năm 1970. (Bezos đã theo học tại Đại học Princeton, nơi O'Neill từng giảng dạy).

Theo vị tỷ phú, việc đưa con người và các ngành công nghiệp khỏi Trái đất sẽ cho phép dân số tăng lên đến 1.000 tỷ người. Điều đó đồng nghĩa với việc có thêm "1.000 Mozart cùng 1.000 Einstein" và cho phép Trái đất được vận hành chủ yếu như một khu bảo tồn thiên nhiên, Bezos nói vào năm 2023. Để biến tầm nhìn này thành hiện thực, Blue Origin được ra đời nhằm mang đến một phương tiện giá rẻ vào không gian.

Một lý do cho sự chậm chạp của công ty là bản thân sự Bezos quá bận rộn với công việc hằng ngày ở Amazon để có thể lo cho đứa con mới của mình. Hơn nữa, nhiều nhà quản lý mà ông thuê điều hành Blue Origin đến từ NASA.

Về điều này, Simon Potter tại Công ty phân tích BryceTech nhận xét: "Cách tiếp cận của Blue Origin là chúng tôi sẽ thuê những người giỏi nhất trong ngành. Trong khi đó, SpaceX lại bắt đầu từ giả định rằng toàn bộ ngành (hàng không vũ trụ) đã bị phá vỡ, nên đã làm mọi thứ theo cách riêng của mình”.

jeff-bezos-co-bat-kip-elon-musk-tren-duong-dua-vu-tru-1.jpgCả Elon Musk lẫn Jeff Bezos đều đang dốc nhiều nỗ lực trong cuộc đua đưa người vào không gian.

Caleb Henry của Quilty Space - một công ty phân tích khác, cho rằng Blue Origin có thể đã được tài trợ quá mức. Cụ thể, Bezos đã là tỷ phú khi thành lập công ty và thường xuyên đóng góp trong nhiều năm. Ngược lại, Musk phải điều hành SpaceX với số tiền ít ỏi, chí ít là lúc đầu, khi công ty gần như phá sản vào năm 2008.

Theo Henry, ngay cả bây giờ, SpaceX vẫn duy trì văn hóa khởi nghiệp khó khăn và áp lực cao. "Tôi nghĩ sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tại Blue Origin hấp dẫn nhiều người, nhưng có lẽ điều đó nghĩa là có ít tiến triển hơn mong muốn của chủ sở hữu", ông nói.

Chính Bezos cũng thừa nhận rằng Blue Origin đã quá chậm chạp và nói ông từ chức CEO Amazon một phần là để đẩy nhanh tiến độ. Năm 2023, Bob Smith - CEO của Blue Origin, đã được thay thế bởi Dave Limp - một giám đốc của Amazon, người đã cố gắng truyền thêm sức sống và sự cấp bách cho công ty.

Kết quả, một hợp đồng bị trì hoãn trong thời gian dài của Blue Origin nhằm cung cấp động cơ cho tên lửa Vulcan-Centaur vận hành bởi United Launch Alliance (ULA) - liên doanh giữa Boeing và Lockheed Martin, cuối cùng cũng có vẻ đang diễn ra suôn sẻ. Và, ít nhất là trên lý thuyết, các kế hoạch của công ty cho New Glenn hiện đang thực sự rất quyết liệt.

"Họ đang nói về khoảng 10 lần phóng [vào năm 2025] và 24 lần vào năm sau", ông Henry nói, nhận xét rằng kiểu tăng tốc như vậy đối với một tên lửa mới là "chưa từng có".

Bắt kịp cuộc đua trên cao

Nếu New Glenn thành công bay vào không gian, câu hỏi là liệu nó có thể giành được một số thị phần từ Falcon 9 - loại tên lửa giá rẻ và đáng tin cậy của SpaceX, hay không. Với tải trọng chở 22,8 tấn hàng vào không gian, Falcon 9 đang thống trị ngành kinh doanh tên lửa thương mại.

Dù Blue Origin chưa tiết lộ giá, một nhà quan sát ngành nói đã thấy một hợp đồng đặt giá phóng là 68 triệu USD. Con số này gần bằng Falcon 9, nhưng New Glenn cung cấp gấp đôi tải trọng.

Hiện, Blue Origin đã có ít nhất một khách hàng. Vào năm 2022, cùng với ULA và công ty châu Âu Arianespace, công ty của Bezos đã giành được một phần trong bản hợp đồng phóng tên lửa lớn nhất lịch sử. Hợp đồng này được Amazon đấu thầu nhằm phóng hơn 3.000 vệ tinh cần thiết cho đề án Kuiper - kế hoạch hướng đến việc cung cấp quyền truy cập internet tốc độ cao ở bất kỳ đâu trên Trái Đất.

Ngoài ra, Blue Origin cũng có những sản phẩm khác đang phát triển. Chuyến bay thử nghiệm của New Glenn được cho là sẽ mang theo một cặp tàu thăm dò lên sao Hỏa, nhưng sự chậm trễ của tên lửa đã khiến kế hoạch bị thay đổi, dời đến mùa xuân 2025. Do đó, trong chuyến bay sắp tới, Blue Origin quyết định phóng thiết bị thử nghiệm để kiểm tra công nghệ cần thiết cho tàu vũ trụ Blue Ring của công ty.

Đây là một tàu kéo không gian được thiết kế để vận chuyển vệ tinh đến quỹ đạo mong muốn, tiếp nhiên liệu cho chúng và thậm chí hoạt động như một loại nền tảng điện toán quỹ đạo - các dịch vụ Blue Origin hy vọng một ngày nào đó sẽ có thị trường lớn. Công ty cũng có kế hoạch xây dựng một trạm vũ trụ tư nhân có tên Orbital Reef và đã được NASA yêu cầu xây dựng một tàu đổ bộ có người lái cho các sứ mệnh Artemis Moon của cơ quan này.

Trong cùng thời gian, cuộc cạnh tranh không đứng yên. Tên lửa Electron nhỏ bé của Rocket Lab dự kiến ​​sẽ tham gia cùng với Neutron cỡ trung vào một thời điểm nào đó trong năm 2025. Starship khổng lồ của SpaceX, hiện đang thử nghiệm, được thiết kế để hạ gục mọi thứ khác trên thị trường. Tuy nhiên, nếu công ty của Bezos cuối cùng có thể mang lại một chút quyết liệt, thì ngành công nghiệp vũ trụ có thể có một đối thủ cạnh tranh mới và lớn.