Khu Thương mại tự do & Trung tâm Tài chính khu vực, đột phá để Đà Nẵng vươn mình

Năm 2024 là năm thành phố Đà Nẵng tập trung xây dựng, đề xuất nhiều cơ chế đặc thù, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế. Trong đó, việc hình thành Khu Thương mại tự do và Trung tâm Tài chính khu vực được xem là "cú hích" tạo đột phá cho thành phố này vươn mình trong kỷ nguyên mới.


Trong bộn bề công việc của những ngày cuối năm, UBND thành phố Đà Nẵng đã kịp hoàn thiện Tờ trình "về việc phê duyệt đề án thành lập Khu thương mại tự do" gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo Đề án này, quy mô diện tích của Khu Thương mại tự do Đà Nẵng đến giai đoạn hoàn chỉnh hạ tầng và đồng bộ các khu chức năng đạt khoảng 2.317ha, bao gồm vị trí lấn biển khoảng hơn 300ha; bố trí tại 10 vị trí không liền kề, gắn kết với cảng biển Liên Chiểu và sân bay Đà Nẵng. Trong đó có khu chức năng logistics; khu chức năng logistics và sản xuất; khu chức năng sản xuất; khu chức năng thương mại dịch vụ và kinh tế số - công nghệ thông tin – đổi mới sáng tạo.

Khu Thương mại tự do & Trung tâm Tài chính khu vực, đột phá để Đà Nẵng vươn mình- Ảnh 1.

Khu Công viên phần mềm số 2 thành phố Đà Nẵng

Đối với vị trí lấn biển và cảng biển Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng đang triển khai nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện để đưa ra định hướng và lộ trình đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển phù hợp, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện trước khi đưa vào hoạt động.

Các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển trong Khu Thương mại tự do là sản xuất hàng xuất khẩu có giá trị cao, logistics, thương mại dịch vụ bao gồm cả bán hàng miễn thuế và casino, trung tâm đổi mới sáng tạo; gắn kết Khu Thương mại tự do với Trung tâm Tài chính khu vực.

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết, Chính phủ là cấp thẩm quyền ban hành quyết định thành lập Khu Thương mại tự do. Để Chính phủ ra quyết định thành lập thì thành phố sẽ xây dựng Đề án tham mưu trình Chính phủ. Trong đề án này, thành phố đề xuất cụ thể quy mô, ranh giới vị trí của các vị trí có liên quan phù hợp nhất để hình thành Khu Thương mại tư do.

“Chúng tôi cũng sẽ xem xét các nội dung về quy hoạch, các nội dung liên quan đến đất đai, về khoanh vùng đất đai, đánh giá về giải phóng mặt bằng, giải tỏa đền bù; đánh giá về các lĩnh vực liên quan đến lao động, liên quan đến an sinh xã hội, an ninh quốc phòng. Tất cả những vấn đề đó chúng tôi đều xem xét đánh giá trong quá trình xây dựng Đề án. Đặc biệt là vấn đề kết nối giao thông để xác định ra khoản ngân sách thành phố cần phải chuẩn bị để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng đảm bảo thuận lợi cho việc hình thành và phát triển khu thương mại tự do thành phố”, bà Lê Thị Kim Phương cho biết thêm.

Khu Thương mại tự do & Trung tâm Tài chính khu vực, đột phá để Đà Nẵng vươn mình- Ảnh 2.

Đê chắn sóng cảng Liên Chiểu

Kiến trúc sư Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp Đà Nẵng cho rằng, Khu Thương mại tự do là một vùng lãnh thổ được thiết lập để khuyến khích hoạt động kinh doanh quốc tế thông qua việc giảm thuế, thuế quan và các quy định pháp lý. Một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo khu thương mại hoạt động hiệu quả là hạ tầng kết nối các phân khu chức năng trong khu vực cũng như kết nối với các khu chức năng khác trong đô thị như cảng biển, sân bay, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu công nghiệp số.

Theo ông Vũ Quang Hùng, hạ tầng kết nối nội bộ trong Khu Thương mại tự do bao gồm các tuyến giao thông, đường sắt, đường bộ và hệ thống logistics. Điều này đảm bảo việc di chuyển hàng hóa, nguyên liệu và thành phẩm giữa các phân khu chức năng như khu sản xuất, kho bãi, khu vực chế biến và khu vực dịch vụ được thực hiện một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Kiến trúc sư Vũ Quang Hùng nhấn mạnh, Khu Thương mại tự do thường gắn liền với cảng biển, sân bay, khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao và Khu Công nghiệp số: “Gắn với cảng Liên Chiểu là yếu tố thuận lợi hàng đầu cho một Khu Thương mại tự do. Hơn thế nữa, khu vực này hiện nay còn có các khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao nên việc quy hoạch 1 khu thương mại tự do trong tương lai rất dễ dàng. Khu Thương mại tự do Đà Nẵng cùng với các khu chức năng ở khu vực tây bắc của thành phố có thể kết hợp thành một đặc khu kinh tế thứ tư của Việt Nam trong tương lai”.

Khu Thương mại tự do & Trung tâm Tài chính khu vực, đột phá để Đà Nẵng vươn mình- Ảnh 3.

Thi công dự án đường nối cảng Liên Chiểu

Theo dự báo, Khu Thương mại tự do Đà Nẵng có thể đóng góp 8% – 9% GRDP của thành phố vào năm 2030 và tăng lên tới 25% vào năm 2050; Đồng thời thu hút lượng lớn lao động và chuyên gia trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao. Năm 2030 sẽ có khoảng 41.000 lao động, năm 2050 có khoảng 137.000 lao động làm việc trong Khu Thương mại tự do này.

Lộ trình đầu tư xây dựng Khu Thương mại tự do Đà Nẵng được đề xuất gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2029), xây dựng mới Khu bến Liên Chiểu và các khu hậu cần cảng, đảm bảo tiếp nhận tàu 100.000 tấn hoặc lớn hơn. Giai đoạn 2 (sau năm 2029), định hướng mở rộng Khu Thương mại tự do tại các khu vực cảng Tiên Sa (sau khi chuyển đổi công năng), khu vực tái thiết đô thị tại nhà ga đường sắt trong trung tâm thành phố.

Về phương thức huy động vốn, Nhà nước cân đối phân bổ ngân sách cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng đến ranh giới Khu Thương mại tự do, chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng hoặc khấu trừ tiền thuê đất trong trường hợp nhà đầu tư chiến lược thực hiện giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng. Nhà đầu tư chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng bên trong Khu Thương mại tự do như xây dựng đường sá, hệ thống cấp thoát nước, điện, các cơ sở hạ tầng dùng chung khác.

Khu Thương mại tự do & Trung tâm Tài chính khu vực, đột phá để Đà Nẵng vươn mình- Ảnh 4.

Khẩn trương thi công hạ tầng khu vực cảng biển Liên Chiểu

Thành phố Đà Nẵng sẽ khai thác triệt để các chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư chiến lược theo Nghị quyết 136/2024 của Quốc hội về một số cơ chế đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định, thành phố sẽ nghiên cứu đề xuất những chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, hỗ trợ chi phí, chia sẻ rủi ro… để thu hút tối đa nguồn lực tư nhân.

“Chúng tôi sẽ làm rất quyết liệt nhưng mà rất thận trọng. Trong quá trình triển khai thì chúng tôi sẽ trao đổi thêm với một số bộ, ngành liên quan để có sự hỗ trợ, định hướng lựa chọn những cái địa điểm phù hợp nhất. Chúng tôi xác định ban đầu Khu Thương mại phải gắn với cảng biển. Chính vì thế mà lựa chọn địa điểm thì nó cũng sẽ khoảng cách phù hợp để tạo ra một cái khu vực nó gắn liền với cảng biển”.

Với việc hình thành Khu Thương mại tự do, Đà Nẵng đặt mục tiêu thực hiện thành công mô hình chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam, trở thành mô hình tiên phong với thể chế ưu việt theo chuẩn quốc tế. Việc thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng là cơ sở để thí điểm các chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về Khu Thương mại tự do cho cả nước. Đây cũng là cơ hội thuận lợi đưa ngành dịch vụ logistics Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.

Khu Thương mại tự do & Trung tâm Tài chính khu vực, đột phá để Đà Nẵng vươn mình- Ảnh 5.

Trụ sở Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Đà Nẵng (Ảnh: Nguyễn Trình)

Ông Nguyễn Tiến Chung, chủ một doanh nghiệp ở quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng kỳ vọng: “Tôi cũng tin tưởng rằng,Khu thương mại tự do Đà Nẵng sau khi đi vào hoạt động sẽ tạo động lực giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế xã hội của thành phố vốn được xem là hạt nhân của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đà Nẵng sẽ tiếp tục thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và đặc biệt là dịch vụ chất lượng cao, qua đó sẽ tạo thêm công ăn việc làm và cải thiện được đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp lao động trên địa bàn thành phố”.

Cùng với Khu Thương mại Tự do, ngày 15 tháng 11 vừa qua, Đà Nẵng đón thêm tin vui khi Đề án về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam do Ban cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Bộ Chính trị và nhận được sự đồng ý về chủ trương thực hiện.

Trong đề án này, Đà Nẵng đã đề xuất thực hiện một hệ sinh thái nhiều thành phần tại khu lõi gồm các lô đất A12, A13, A14, A15 trên đường Võ Văn Kiệt và lô đất A* giáp đường Võ Nguyên Giáp và Võ Văn Kiệt với diện tích hơn 6ha. Ngoài ra, có thể mở rộng thành khu phố tài chính là vùng diện tích địa lý nằm tại Khu Công nghiệp Đà Nẵng với diện tích khoảng 62ha. Đồng thời phát triển Trung tâm Công nghệ tài chính ở khu đất phía Tây Bắc đường dẫn lên cầu Thuận Phước với diện tích 9,7ha. Các khu vực vừa nêu được xác định là không gian lõi, tập trung nguồn lực phát triển Trung tâm Tài chính, có thể được điều chỉnh mở rộng theo từng giai đoạn.

Theo Đề án, Trung tâm Tài chính tại Đà Nẵng dự kiến sẽ hoạt động theo mô hình trung tâm tài chính hải ngoại. Theo mô hình này có thể áp dụng ngay để tận dụng các lợi thế hiện tại của Việt Nam. Đây là một khu vực tài chính riêng biệt với các quy định về thuế, điều tiết giám sát mang tính mở và cạnh tranh cao. Các nhà đầu tư đều được xem là doanh nghiệp nước ngoài. Mô hình này nhằm thiết lập một khu vực tài chính riêng biệt với các quy định về thuế, điều tiết giám sát mang tính mở và cạnh tranh, có tính gắn kết yếu với các thị trường tài chính trong nước còn đang trong lộ trình tự do hóa tài khoản vốn.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành tập trung nghien cứu, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của thành phố; tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương để triển khai, đảm bảo yêu cầu mà Ban Chỉ đạo Trung ương đã đặt ra.

“Một thách thức lớn nhất của chúng ta đó là cái việc hoàn thiện được cái đề án về Khu Thương mại tự do để báo cáo Ban chỉ đạo trước khi trình Thủ tướng vào tháng 1 năm 2025 thì hiện nay vấn đề này thì các sở, ngành cùng với Ủy ban Nhân dân thành phố đang rất tích cực triển khai. Đối với Kết luận số 47 của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực tại thành phố Đà Nẵng thì cần chủ động, quyết liệt trong việc tham mưu các nội dung và thực hiện theo sự phân công của Chính phủ”, ông Nguyễn Văn Quảng nói.

Khu Thương mại tự do & Trung tâm Tài chính khu vực, đột phá để Đà Nẵng vươn mình- Ảnh 6.

Đà Nẵng khẩn trương chuẩn bị xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực (Ảnh Nguyễn Trình)

Có thể nói năm 2024 là năm cả thành phố Đà Nẵng tập trung nghiên cứu và đề xuất nhiều chính sách mang tính đặc thù, vượt trội về thể chế. Hiện thành phố đã và đang có sự chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng cho việc thành lập Khu Thương mại tự do và Trung tâm Tâm tài chính khu vực. Thành phố này đã có sự chuẩn bị chu đáo, tập trung nghiên cứu về cơ chế chính sách; xác định các nhiệm vụ đầu tư về hạ tầng; xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực; tổ chức các nhóm cán bộ, chuyên viên đi học tập kinh nghiệm quốc tế về các hoạt động vừa nêu.

Với sự chuẩn bị tích cực trong nhiều năm qua, ngay từ đầu năm 2025, Đà Nẵng đã có thể bắt tay xây dựng 2 mô hình rất mới mẻ ở nước ta; đó là Khu Thương mại tự do và Trung tâm Tài chính khu vực. Đây thực sự là "cú hích" cho Đà Nẵng bứt phá cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.

- Ngày 26/6/2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; trong đó, xác định việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng là cơ sở để thí điểm các chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.

- Ngày 15/11/2024, Văn phòng Trung ương Đảng có Thông báo số 47-TB/TW Kết luận của Bộ Chính trị về việc xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam

- Ngày 17/12/2024, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng về kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.