Kiến nghị bỏ mức trần thu nhập để thu hút nhân tài về nước

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng kiến nghị bỏ quy định mức trần thu nhập, hoàn thiện khung pháp lý về quốc tịch, xây dựng môi trường cạnh tranh để thu hút nhân tài về nước.

nhân tài - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng kiến nghị bỏ mức trần thu nhập để thu hút nhân tài - Ảnh: ĐĂNG HẢI

Tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI khai mạc sáng nay 19-7 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã thẳng thắn đề xuất cần xóa bỏ quy định “trần lương” trong các đơn vị công lập, đặc biệt là trường đại học, viện nghiên cứu để thu hút và giữ chân trí thức Việt Nam ở nước ngoài quay về đóng góp cho đất nước.

Bỏ trần thu nhập để thu hút nhân tài

“Cần có cơ chế tự chủ tài chính và đãi ngộ linh hoạt, không giới hạn ‘trần lương’ để thu hút nhân tài”, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nêu ý kiến.

Theo Thứ trưởng Hằng, muốn đột phá trong khoa học, giáo dục và chuyển đổi số, Việt Nam cần có cơ chế tuyển dụng và đãi ngộ mới - không gò bó theo ngạch, bậc, hệ số mà phải linh hoạt, cạnh tranh.

Bà Hằng cho rằng các đơn vị công lập, đặc biệt là trường đại học, viện nghiên cứu cần có môi trường làm việc lành mạnh, cạnh tranh công bằng dựa trên năng lực và đóng góp. 

Bà cũng kiến nghị khuyến khích không phân biệt giữa khu vực công và tư, bởi cả hai đều đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

"Nhiều trí thức Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt là các nhà khoa học, mong muốn đóng góp cho đất nước nhưng gặp khó khăn do thiếu cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm hiện đại" - Thứ trưởng Hằng nói.

Kiến nghị bỏ mức trần thu nhập để thu hút nhân tài về nước - Ảnh 2.

Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI tập trung vào các chủ đề trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số để phát triển đất nước - Ảnh: ĐĂNG HẢI

Không phân biệt công - tư

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý, trong đó là các quy định liên quan đến quốc tịch.

Theo bà, Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi đã mang lại những thay đổi tích cực, cho phép người Việt Nam ở nước ngoài giữ hoặc phục hồi quốc tịch Việt Nam mà không vi phạm pháp luật của nước sở tại. 

Mặt khác, quy trình đăng ký quốc tịch hiện nay đã được đơn giản hóa, chỉ cần nộp hồ sơ tại đại sứ quán, sau đó chuyển trực tiếp đến Bộ Tư pháp với thời hạn xử lý rõ ràng.

Đặc biệt, các thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra ở nước ngoài cũng được quyền lựa chọn quốc tịch Việt Nam. Với quốc tịch Việt Nam, trí thức Việt kiều sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi như công dân trong nước, bao gồm quyền sở hữu nhà đất và kinh doanh bất động sản, xóa bỏ những rào cản trước đây như phải nhờ người khác đứng tên.

Kiến nghị bỏ mức trần thu nhập để thu hút nhân tài về nước - Ảnh 4.Nhân tài công nghệ số làm việc ở Việt Nam sẽ có lương cao theo mức thế giới

Ông Nguyễn Khắc Lịch - cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin, khẳng định trong Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ có chính sách thu hút nhân tài, với mức lương cạnh tranh sòng phẳng với các nước trên thế giới.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề