Alix Earle (22 tuổi, đến từ Mỹ), người có ảnh hưởng ở mảng làm đẹp, cho biết cô và bạn bè đang mắc kẹt ở Positano (Italy) trong chuyến du lịch châu Âu vì không tìm thấy ngôi nhà mà họ đặt qua mạng.
Earle đã chia sẻ câu chuyện của mình trên kênh TikTok có 5,3 triệu follower để nhờ mọi người giúp đỡ.
“Cơ sở lưu trú này không tồn tại. Dịch vụ xe hơi cũng bị hủy, giờ đã nửa đêm và chúng tôi thực sự không biết phải đi đâu”, Earle bày tỏ.
Chiêu trò tinh vi
Theo lời kể của nhà sáng tạo nội dung, trước khi đến Positano, cô và hội bạn 11 người đã dừng chân ở Ibiza (một hòn đảo ở Địa Trung Hải). Khi hạ cánh xuống Napoli (Italy), Earle mới nhận ra mình là nạn nhân của chiêu trò lừa đảo phổ biến trong mùa du lịch hè.
“Chúng tôi bắt một chiếc taxi ngẫu nhiên rồi tìm phòng khách sạn mới để qua đêm. May mắn là quang cảnh rất đẹp”, Earle nói thêm.
Nữ beauty blogger cho biết thêm cả nhóm đã đặt chỗ ở qua trang web booking.com. Bên phía nền tảng này trả lời họ đang tiếp nhận vụ việc để xử lý.
Alix Earle nổi tiếng trên mạng xã hội với vẻ ngoài thu hút và phong thái trò chuyện của một “It girl” đang thống trị Gen Z hay thế hệ TikTok. Cô được biết đến nhiều nhất với các video “get ready with me” (tạm dịch: hãy sửa soạn với tôi), trong đó đưa ra hướng dẫn trang điểm và làm tóc, cũng như những lời độc thoại tự nhiên trước máy quay.
Earle thường chia sẻ khoảnh khắc đi du lịch, cuộc sống đời thường bên cạnh kiến thức về mảng làm đẹp. Ảnh: Alix Earle. |
Đến hiện tại, các đoạn video mô tả vụ việc của Earle đã thu hút hơn hơn 9 triệu lượt xem. Nhiều người đã kể lại những trải nghiệm tương tự với Earle trong các chuyến nghỉ dưỡng của họ.
Một số chia sẻ họ cũng bị lừa khi đặt căn hộ trên mạng ở Mexico, Paris (Pháp), Rome (Italy). Thậm chí, có người còn phải ngủ qua đêm bên ngoài Đấu trường La Mã trên mặt đất cho đến khi mặt trời mọc️ vì đặt trúng “khách sạn ma”.
Trong đó nổi bật nhất là trường hợp của Richard Blackburn (người Australia) có dự định đến Canada để dự đám cưới vào tháng 6/2023.
Anh là một trong 9 du khách có kế hoạch đặt cơ sở lưu trú qua nền tảng trực tuyến. Tuy nhiên, nơi ở của anh đã bị hủy đột ngột vào cuối tháng 4. Trước đó, Blackburn được yêu cầu thanh toán tiền cọc 50% vào ngày 10/3.
“Thật bất thường khi họ đề nghị trả trước một khoản lớn như vậy. Thông thường, bạn chỉ cần đặt chỗ mà không cần đặt cọc tiền. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ điều đó giúp tăng cường khả năng an ninh”, Blackburn kể.
Khi phòng bị hủy, người đàn ông đến từ Australia không nhận được bất kỳ lý do thỏa đáng nào ngoài trừ khách sạn không thể cung cấp chỗ ở nữa. Sau khi liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng, Blackburn được sắp xếp một nơi lưu trú thay thế, đắt hơn và cách chỗ ban đầu khoảng một giờ di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng.
Nơi ở của những người khác trong đoàn được bố trí tại phòng ký túc xá có 10 giường. “Nó không thực sự lý tưởng để chuẩn bị cho đám cưới”, anh nhận xét.
Lừa đảo nở rộ
Trong một tuyên bố được cung cấp cho News.com.au, đại diện Booking.com cho hay họ đã nhận được khiếu nại và tiến hành điều tra cơ sở lưu trú trên. Ngoài ra, họ cũng sẽ hoàn trả khoản tiền đặt cọc (2.600 USD) như “một cử chỉ thiện chí”.
“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là tạo điều kiện thuận lợi cho những trải nghiệm du lịch suôn sẻ và thú vị. Nếu khách hàng có thắc mắc hoặc cần bất kỳ hình thức hỗ trợ nào, bao gồm cả việc hoàn tiền, nhóm dịch vụ khách hàng luôn sẵn sàng 24/7 để hỗ trợ”, người đại diện viết.
Theo Independent, nhiều du khách có thói quen trả trước chỗ ở và đến nơi chỉ nhận phòng. Hành vi đó đã trở thành mục tiêu số 1 cho những kẻ lừa đảo.
“Mỗi năm, chúng nhắm đến những vị khách cả tin và chiếm đoạt của họ hàng triệu bảng Anh. Mọi người không chỉ mất một số tiền đáng kể mà kỳ nghỉ cũng bị hủy hoại”, Hiệp hội các Đại lý Lữ hành Anh (ABTA) nhận định.
Lừa đảo du lịch tăng lên từ sau đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Ngân hàng Lloyds gần đây đã đưa ra một cảnh báo khẩn cấp khi vấn nạn gian lận đặt chỗ trong ngày lễ tăng đột biến, với số vụ lừa đảo du lịch tăng 33% và các báo cáo về khách sạn tăng 18% kể từ năm ngoái.
Còn tại xứ sở chuột túi, người dân mất 2 tỷ USD/năm cho các vụ giả mạo. Đặc biệt là trong đại dịch Covid-19, số nạn nhân lan rộng trên khắp thế giới khi người tiêu dùng chi tiêu trực tuyến nhiều hơn.
“Trong kỳ nghỉ lễ năm 2022, chúng tôi chứng kiến sự gia tăng của những tên tội phạm gửi email giả đến từ các chủ khách sạn và công ty du lịch nhằm yêu cầu khách hàng truy cập trang web xác minh Covid-19. Khi 'con mồi' nhấp vào, chúng sẽ đánh cắp thông tin và làm hỏng máy tính của họ”, Pete Murray, giám đốc điều hành của công ty sao lưu dữ liệu và phục hồi ANZ Veritas Technologies, nói.
Con người bắt đầu uống cà phê từ khi nào
Có một số bằng chứng cho thấy rằng từ xa xưa ở Ethiopia người ta ăn quả của cây cà phê, cuốn với mỡ động vật như một món ăn vặt tăng sự hưng phấn. Có chứng cứ về việc người ta uống cà phê vào cuối thế kỷ 15, nhưng không đủ để khẳng định quán cà phê đầu tiên là Kiva Han, được mở năm 1475 ở Constantinople. Trước những năm 1600 thói quen uống cà phê chưa lan đến châu Âu và việc sử dụng cà phê chủ yếu là cho mục đích y tế chứ không phải để thưởng thức.