Lịch sử những lần sáp nhập và tách tỉnh, TP ở Việt Nam: Có thời điểm cả nước chỉ có 38 tỉnh, thành phố

Trong quá khứ, Việt Nam từng trải qua một số lần sáp nhập và tách tỉnh, thành phố, có thời điểm có tổng cộng 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Lịch sử những lần sáp nhập và tách tỉnh, thành phố ở Việt Nam

Trong lịch sử phát triển và quản lý hành chính ở Việt Nam, việc sáp nhập và chia tách các tỉnh, thành phố đã diễn ra nhiều lần. Quá trình này phản ánh những nỗ lực của nhà nước nhằm điều chỉnh đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, quản lý dân cư và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Lịch sử những lần sáp nhập và tách tỉnh, TP ở Việt Nam: Có thời điểm cả nước chỉ có 38 tỉnh, thành phố- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: VTC News

Theo thông tin từ Bộ Nội vụ công bố vào năm 2017, sau khi đất nước thống nhất vào tháng 4 năm 1975, Việt Nam có tổng cộng 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh, bao gồm 25 đơn vị ở miền Bắc và 47 đơn vị ở miền Nam.

Đến tháng 12 năm 1975, Quốc hội khóa V đã thông qua nghị quyết về việc bãi bỏ cấp khu và tiến hành hợp nhất các đơn vị hành chính, thực hiện sáp nhập một loạt các tỉnh thuộc miền Bắc và Bắc Trung Bộ.

Năm 1976, quá trình sáp nhập tiếp tục được thực hiện ở diện rộng từ Bắc Trung Bộ đến các tỉnh Tây Nam Bộ và Tây Nguyên. Sau các cuộc sáp nhập này, cả nước chỉ còn 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Vào năm 1978, Quốc hội đã phê chuẩn việc mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội, đồng thời sáp nhập thêm 5 huyện vào thành phố. Tỉnh Cao Lạng được chia thành hai tỉnh riêng biệt là Cao Bằng và Lạng Sơn, nâng tổng số tỉnh và thành phố lên 39.

Sau đó, vào năm 1979, Việt Nam có thêm một đơn vị hành chính cấp tỉnh là Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, tổng số đơn vị hành chính lúc này là 40.

Năm 1989, số lượng đơn vị hành chính của cả nước đã tăng lên 44, gồm 40 tỉnh và 3 thành phố trực thuộc trung ương, cùng với Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.

Trong thời kỳ này, tỉnh Bình Trị Thiên được tách thành ba tỉnh riêng biệt là Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế; tỉnh Nghĩa Bình được chia thành hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định; và tỉnh Phú Khánh cũng được tách thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.

Đến năm 1991, cả nước có 53 đơn vị hành chính cấp tỉnh, khi đó một số tỉnh trước đây lại được chia lại như tỉnh Hà Sơn Bình được tách thành Hà Tây và Hòa Bình; tỉnh Hà Nam Ninh được chia thành Nam Hà và Ninh Bình; tỉnh Nghệ Tĩnh được chia thành Nghệ An và Hà Tĩnh; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập trên cơ sở ba huyện tách ra từ tỉnh Đồng Nai và đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.

Lịch sử những lần sáp nhập và tách tỉnh, TP ở Việt Nam: Có thời điểm cả nước chỉ có 38 tỉnh, thành phố- Ảnh 2.

Ảnh minh họa: VGP

Năm 1997, số tỉnh thành tăng lên 61 khi một số tỉnh tiếp tục chia tách. Cụ thể, Bắc Thái được chia thành Bắc Kạn và Thái Nguyên; Hà Bắc được chia thành Bắc Giang và Bắc Ninh; Nam Hà tách thành Hà Nam và Nam Định; Hải Hưng tách thành Hải Dương và Hưng Yên.

Cùng năm này, Quảng Nam - Đà Nẵng cũng chia thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, còn tỉnh Sông Bé tách thành Bình Dương và Bình Phước.

Đến năm 2004, Việt Nam lại tiếp tục tách ba tỉnh, nâng tổng số đơn vị hành chính cấp tỉnh lên 64. Các tỉnh Đắk Lắk, Cần Thơ và Lai Châu lần lượt được chia thành các đơn vị hành chính nhỏ hơn.

Năm 2008, Quốc hội thông qua nghị quyết sáp nhập tỉnh Hà Tây cùng với một số xã của Hòa Bình và huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) vào thành phố Hà Nội.

Tính từ năm 2008 cho đến nay, Việt Nam duy trì tổng số 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 57 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, và TP Huế - đổi từ tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2024).

Lịch sử những lần sáp nhập và tách tỉnh, TP ở Việt Nam: Có thời điểm cả nước chỉ có 38 tỉnh, thành phố- Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Công Luận

Các nước lớn trên thế giới phân cấp địa phương để quản lý thế nào?

Trên thế giới, các quốc gia lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nga có cách tổ chức và quản lý đơn vị hành chính khác nhau.

Ở Mỹ, hệ thống phân chia hành chính được tổ chức theo một mô hình phân cấp rõ ràng, bao gồm 50 bang, có quyền tự trị cao. Dưới đây là các cấp hành chính chủ yếu:

Liên bang (Federal Level); Tiểu bang (State Level); Hạt (County); Thành phố (City); Thị trấn và làng (Town and Village); Khu vực (Districts). Mỗi cấp có trách nhiệm và quyền hạn riêng biệt, tạo nên một hệ thống phân quyền chặt chẽ và đa dạng.

Trung Quốc có một hệ thống phân chia hành chính rất chặt chẽ, bao gồm các cấp từ tỉnh cho đến các đơn vị cấp huyện và thôn/xã.

Quốc gia này có 23 tỉnh; 5 khu tự trị; 4 thành phố trực thuộc trung ương; 2 khu hành chính đặc biệt. Dưới mỗi tỉnh sẽ có các đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố cấp huyện, quận, xã, thôn.

Lịch sử những lần sáp nhập và tách tỉnh, TP ở Việt Nam: Có thời điểm cả nước chỉ có 38 tỉnh, thành phố- Ảnh 4.

TP Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh minh họa: Saigontimestravel

Nước Nga có một hệ thống phân chia hành chính phức tạp, bao gồm nhiều cấp từ cấp trung ương đến các đơn vị hành chính thấp hơn, nhằm quản lý một lãnh thổ rộng lớn và đa dạng. Hệ thống hành chính của Nga bao gồm các cấp chính sau:

Cấp trung ương (Liên bang Nga); 85 liên bang; 22 Cộng hòa; 9 Vùng; 46 Tỉnh; 3 Thành phố liên bang; 1 Khu vực tự trị; 1 Vùng đặc biệt. Cấp cấp dưới liên bang gồm huyện, thành phố, thị trấn, xã, làng.

Liên quan đến việc tinh gọn bộ máy và sáp nhập các cơ quan Bộ, ban ngành, các tỉnh, thành phố, mới đây trong phiên thảo luận tổ về dự thảo luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước ngày diễn ra vào ngày 13/2, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dẫn ví dụ rằng Trung Quốc dù diện tích lớn, dân số đông như vậy nhưng chỉ có 23 tỉnh, cùng các thành phố trực thuộc T.Ư và khu tự trị. Ông nói: "Một tỉnh của người ta đông hơn cả nước mình, mình diện tích cũng thua, dân số cũng thua mà có đến sáu mấy tỉnh".

Trong số các địa phương của Việt Nam, Tổng Bí thư nhận định có những tỉnh tách ra thì rất phát triển, nhưng cũng có tỉnh nói rằng "hết đất, hết dư địa rồi, giờ chỉ suy nghĩ đến liên kết vùng thôi".

Đây chính là tiền đề của sự đòi hỏi phát triển lớn hơn nữa, cần tiếp tục nghiên cứu. Mục tiêu là để phát triển, để quản lý tốt, để phục vụ đời sống, nhu cầu của nhân dân, Tổng Bí thư nhận định.