Loạt doanh nghiệp phương Tây rời đi nhưng Nga chỉ ‘nuối tiếc’ duy nhất một công ty Mỹ, quan chức Nga nói sẵn sàng chào đón quay trở lại

Việc Boeing có quay trở lại Nga khi quan hệ Nga-Mỹ cải thiện hơn vẫn là một câu hỏi lớn.

Loạt doanh nghiệp phương Tây rời đi nhưng Nga chỉ ‘nuối tiếc’ duy nhất một công ty Mỹ, quan chức Nga nói sẵn sàng chào đón quay trở lại- Ảnh 1.

Kinh tế Nga vẫn phát triển mạnh mẽ bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây, trở nên tự chủ hơn và định hướng các thị trường mới. Nhưng có một doanh nghiệp mà các quan chức Nga có vẻ tiếc nuối trước sự biến mất khỏi thị trường nước này: Boeing.

Máy bay của Boeing từng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nga, kết nối các thành phố xa xôi của nước này. Trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra năm 2022, Boeing đã bán, bảo dưỡng máy bay tại Nga và vận hành một trung tâm thiết kế lớn tại đây. Boeing cũng mua phần lớn titan – vật liệu chính cho máy bay phản lực hiện đại – từ Nga.

Trong khi Tổng thống Trump nỗ lực cải thiện quan hệ với Moscow, Boeing nổi lên như một phép thử xem liệu các doanh nghiệp Mỹ đã rời khỏi Nga có quay trở lại hay không. Ông Trump cho đến nay vẫn duy trì lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành hàng không Nga.

Boeing không bình luận về việc liệu họ có cân nhắc quay lại hay không, nhưng vẫn còn trở ngại đáng kể.

Richard Aboulafia, một cố vấn hàng không vũ trụ, cho biết: “Nếu được lựa chọn giữa việc quay trở lại Nga và uống thuốc tẩy, tôi đảm bảo rằng cốc thuốc tẩy đó trông rất ngon”.

Kinh tế Nga chứng minh khả năng chịu đựng các lệnh trừng phạt và “thoát ly” khỏi phương Tây. Xe ô tô Trung Quốc đã thay thế xe phương Tây. Các nhà máy xe lửa của Nga từng hợp tác với Siemens (Đức) vẫn tiếp tục sản xuất độc lập. Một hệ thống thanh toán của Nga đã lấp đầy khoảng trống mà Visa và Mastercard để lại.

Nga cũng tìm cách phát triển ngành hàng không, với mục tiêu sản xuất máy bay dân dụng của riêng đất nước. Nga đã đổ hàng tỷ USD cải tổ ngành hàng không, nhưng các chuyên gia cho rằng việc sản xuất hàng loạt máy bay chở khách do Nga sản xuất hoàn toàn khó bắt đầu trước 2030.

Loạt doanh nghiệp phương Tây rời đi nhưng Nga chỉ ‘nuối tiếc’ duy nhất một công ty Mỹ, quan chức Nga nói sẵn sàng chào đón quay trở lại- Ảnh 2.

Đội bay thương mại của Nga vẫn dựa vào hơn 450 máy bay do Boeing và Airbus (châu Âu) sản xuất. Những máy bay này chiếm hơn nửa số máy bay chở khách đang được sử dụng ở Nga, công ty dữ liệu hàng không Cirium cho biết.

Nhằm vượt qua khó khăn, các hãng hàng không Nga đã phải lấy phụ tùng từ một số máy bay để thay cho những chiếc máy bay được thiết kế từ thời Liên Xô nhưng bị bỏ không. Hãng hàng không tư nhân hàng đầu của Nga, S7, đã buộc phải cho những chiếc Airbus nằm không vì không thể bảo dưỡng động cơ. Công việc bảo dưỡng vốn do Pratt & Whitney (Mỹ) thực hiện. Aeroflot (Nga) cũng tìm tới Iran để bảo dưỡng máy bay thân rộng.

Sau hơn 3 năm bị trừng phạt, tình hình có vẻ ngày càng bấp bênh. Andrei V. Kramarenko, chuyên gia hàng không Nga tại Trường Kinh tế Cao cấp ở Moscow, cho biết các hãng hàng không phải đối mặt với thách thức trong việc phục vụ máy bay phản lực đường dài. Các chuyến bay xuyên quốc gia không ngừng nghỉ, kéo dài 8 giờ của Nga có thể trở thành dĩ vãng.

Ông Kramarenko cho biết: “Mọi người đều quan tâm đến việc các nhà cung cấp nước ngoài sẽ quay trở lại Nga trong vòng 2-3 năm nữa”.

Trong khi thông điệp chung của Điện Kremlin là Nga vẫn hoạt động tốt mà không cần các công ty phương Tây, các quan chức thừa nhận rằng ngành hàng không Nga không như vậy.

Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho biết nước này đã yêu cầu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Aeroflot như một phần của tiến trình “bình thường hóa” quan hệ Nga-Mỹ.

Tháng này, Bộ trưởng Thương mại Nga Anton Alikhanov nói rằng “sẽ rất quan trọng” nếu Mỹ giải phóng 500 triệu USD phụ tùng máy bay mà Nga đã mua trước khi lệnh trừng phạt được áp dụng. Tháng 2, Phó thủ tướng thứ nhất Denis Manturov cho biết nếu Boeing “sẵn sàng quay trở lại, chúng tôi sẵn sàng xem xét”.

Trong một cuộc phỏng vấn bên lề một hội nghị ở New Delhi vào tháng trước, một nhà lập pháp cấp cao của Nga, Vyacheslav Nikonov, nói rằng ông muốn Boeing quay trở lại Nga vì quốc gia này cần phụ tùng thay thế và đổi mới đội bay.

Các công ty lớn của Mỹ như Honeywell và GE cũng bán phụ tùng máy bay quan trọng. Không công ty nào cho biết họ đang cân nhắc quay trở lại Nga.

Các nhà phân tích cho biết, ngay cả khi Boeing quay trở lại, mối quan hệ này chắc chắn sẽ không sâu sắc như trước xung đột.

Boeing có nhiều hoạt động kinh doanh mà không cần Nga, nơi chiếm một phần nhỏ trong thị trường toàn cầu về phụ tùng và máy bay. Công ty có hơn 5.500 đơn đặt hàng máy bay phản lực thương mại đang chờ xử lý và đang nỗ lực tăng sản lượng lên hơn vài chục máy bay mỗi tháng. Ngoài ra, Boeing cũng đã đa dạng hóa nguồn cung titan, vì thế không có nhu cầu cấp thiết về titan của Nga.

Tham khảo: NYT