Mướp đắng hay khổ qua là một loại dây leo nhiệt đới thuộc họ bầu bí và có họ hàng gần với bí xanh, bí đao, bí ngô và dưa chuột. Nó có bề mặt sần sùi, ăn có vị đắng. Mướp đắng chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất phong phú như vitamin C.
Theo Healthline, mướp đắng chứa nhiều triterpenoids, polyphenol và flavonoid. Ngoài ra, nó cũng chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ. Mướp đắng giúp cân bằng đường huyết, ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư, củng cố hệ tiêu hóa…
Nó cũng được sử dụng trong y học tự nhiên để giúp giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường. Mướp đắng rất giàu chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào do các gốc tự do gây ra và có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường.

Mướp đắng chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất, chất xơ (Ảnh: Bluezone).
Mặc dù chưa có công trình nghiên cứu nào được tiến hành đầy đủ về tác dụng chữa bệnh của mướp đắng nhưng cũng có một số nghiên cứu nhỏ chứng minh công dụng chữa bệnh của mướp đắng.
Điều trị bệnh tiểu đường
Theo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM), mướp đắng có tác dụng làm giảm ảnh hưởng của đường đối với cơ thể, vì vậy, từ lâu nó đã được sử dụng để điều trị tiểu đường trong một loạt các hệ thống y học cổ truyền.
Về bản chất, mướp đắng làm giảm lượng đường trong máu, vì vậy, khi tiêu thụ mướp đắng, bạn nên thận trọng nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc nào cũng ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, để tránh làm giảm tới mức nguy hiểm.
Ức chế ung thư
Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng mướp đắng làm chậm lại sự gia tăng của một số bệnh ung thư. Cụ thể, nó có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư bạch cầu trong ống nghiệm.
Một nghiên cứu về ung thư được công bố vào tháng 3 năm 2010 cho thấy mướp đắng tiêu diệt tế bào ung thư vú mà không ảnh hưởng đến tế bào bình thường.
Tuy nhiên, những nghiên cứu này chưa thực sự liên quan trực tiếp đến con người. Vì thế, cần phải tiến hành nghiên cứu thêm để xem những lợi ích của nó đối với con người.
Chống lại virus
Các nhà nghiên cứu cho rằng, mướp đắng có thể hoạt động kháng virus, ngăn chặn virus lây nhiễm cho các tế bào của con người, có thể giúp kiểm soát tiến trình của bệnh.
Công dụng khác
Về mặt truyền thống, mướp đắng còn có một loạt các tác dụng chữa bệnh khác như làm giảm cholesterol, bệnh tăng nhãn áp, bệnh về da như bệnh vảy nến, sốt, nhiễm trùng và các vấn đề kinh nguyệt.
Tuy nhiên, mướp đắng không khuyến khích sử dụng khi mang thai hoặc cho con bú. Hạt mướp đắng có thể gây độc đối với trẻ em. Vì vậy, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng mướp đắng.
Như vậy, khi tiêu thụ ở mức độ vừa phải, mướp đắng có thể là một thực phẩm bổ sung lành mạnh và bổ dưỡng cho chế độ ăn uống của bạn.
Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều mướp đắng hoặc dùng thực phẩm bổ sung mướp đắng có thể gây ra một số tác dụng phụ. Đặc biệt, mướp đắng có liên quan đến tiêu chảy và đau bụng.