Lời thủ thỉ của em bé tìm cha trên radio khiến mạng xã hội ‘dậy sóng’

Không chỉ khơi dậy sự đồng cảm, câu chuyện em bé tìm ba trên sóng radio cũng khơi mở vấn đề gây trăn trở với nhiều người, nhất là thời điểm Tết đang đến gần.

Lifebuoy,  Tet on anh 1

Trong chương trình Bạn Hữu Đường Xa phát sóng chiều 25/12, một cuộc gọi đặc biệt đã được kết nối. Ê-kíp bất ngờ gặp gỡ và trò chuyện với “hậu phương nhỏ” của một tài xế.

Gọi đến tổng đài, Lan Anh hy vọng ba có thể gác lại công việc bộn bề để về ăn bữa cơm cùng hai mẹ con. “Ba ơi hôm nay mẹ nấu canh cua, ba về ăn với con nha. Mẹ buồn hiu à, ba về chắc mẹ sẽ ổn liền á ba”, cô bé thổn thức.

Mong ước giản dị của bé khiến trái tim người nghe như thắt lại. Ẩn sau giọng nói non nớt ấy là niềm mong mỏi, thương nhớ của cô con gái bé bỏng dành cho người cha đang vất vả bôn ba.

“Điều người thân cần có giống điều chúng ta đang nỗ lực?”

Không lâu sau khi phát sóng, fanpage Bạn Hữu Đường Xa đăng tải lại đoạn clip em bé gọi đến tổng đài VOH, kèm chia sẻ đầy cảm xúc. Theo ê-kíp, cuộc gọi của em bé khiến mọi người ở phòng thu sững sờ và xúc động, đặc biệt là những nhân viên, phát thanh viên có con nhỏ và thường xuyên phải túc trực ở đài để phục vụ các buổi phát sóng đêm khuya.

Lifebuoy,  Tet on anh 2

Ê-kíp thực hiện Bạn Hữu Đường Xa bất ngờ trước chia sẻ của em bé.

“Trong guồng quay mưu sinh, ai cũng mong muốn cố thêm một chút, gắng thêm một chút để mang điều gì đó về nhà. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta quên rằng người thân không mong đợi mình mang quà về. Họ chỉ hy vọng chúng ta về nhà an toàn, cùng nhau ăn bữa cơm gia đình thật ấm cúng”, chia sẻ của ê-kíp khiến nhiều người suy ngẫm.

Cuối cùng, Bạn Hữu Đường Xa nhắn gửi đến bác tài cũng như những người đang vất vả lao động trong ngày cuối năm thông điệp: “Hy vọng mọi người có thể gác lại công việc để về nhà, nghỉ ngơi và ăn cơm cùng gia đình. Tết ổn chỉ khi được bình an và mạnh khỏe bên người thân. Như lời gửi gắm của bé gái nhỏ: Mọi việc, chỉ cần ba về là ổn thôi”.

Cũng giống ê-kíp thực hiện chương trình, khi lắng nghe lời thủ thỉ non nớt của cô bé, các thính giả cùng lúc trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Dưới phần bình luận, nhiều tài xế bày tỏ sự đồng cảm và gửi gắm lời khuyên chân thành.

“Chỉ cần câu nói của con đã làm tan biến tất cả mệt mỏi, muộn phiền của ba. Chắc chắn ba sẽ về kịp để ăn cơm cùng con và mẹ thôi”, tài khoản B.T nhắn nhủ.

Từ chia sẻ của người con trong câu chuyện, thính giả M.T nghĩ đến bản thân. Anh cho biết chấp nhận đánh đổi để có thêm thu nhập, đồng nghĩa gánh nặng chăm lo gia đình cũng đè nặng lên vợ. Cuối dòng chia sẻ, anh nhắn nhủ: “Mình xây kinh tế, vợ xây mái ấm nhưng không vì thế mà bỏ bê gia đình. Nói gì nói, gia đình là trên hết, tiền bao nhiêu cho đủ. Nhẹ chân ga, rà chân thắng, an toàn trên mỗi chặng đường để được về sum vầy cùng gia đình nhé anh em”.

Câu chuyện nhỏ lay động hàng triệu trái tim

Không chỉ “gây bão” sóng radio, câu chuyện trên VOH còn lan tỏa đến nhiều nền tảng mạng xã hội, trong đó có TikTok. Trong đó, TikToker Topu chia sẻ lại với nhiều sự đồng cảm.

Lifebuoy,  Tet on anh 5

TikToker chia sẻ về câu chuyện em bé tìm ba trên radio trong bài đăng mới nhất.

Anh kể có một khoảng thời gian phải xa gia đình, Tết năm nào cũng về nhà rất muộn. Từ suy nghĩ bản thân phải “gánh” trách nhiệm bảo vệ gia đình, anh cố gắng để người thân có một cái Tết sung túc, trọn vẹn. Giống như người ba trong cuộc điện thoại - cố gắng chạy thêm vài cuốc để có ít tiền, sắm thêm chiếc áo mới cho vợ, mua ít đồ chơi bé con, thay vài món đồ đã cũ trong nhà.

“Có lẽ trong mắt mình, ba của bé con và những người đang là trụ cột gia đình đều có chung suy nghĩ: Cố gắng hơn một chút là ổn. Nhưng có lẽ với con, với người thân, họ chỉ cần chúng ta trở về nhà sớm, vậy là ổn rồi”, anh nhắn nhủ trong vlog.

Lên sóng không lâu, vlog của Topu nhận được hàng trăm nghìn view, thu về gần 5.000 lượt thả tim cùng hàng trăm comment. Câu chuyện nhỏ “thổi bùng” cảm xúc đồng điệu, dấy lên luồng tranh luận của những người trẻ. Phần đông bày tỏ sự thấu cảm, đồng thời chia sẻ quan điểm cá nhân: “Thấy bản thân mình đâu đó ở trong hình ảnh người cha. Nhiều lúc không kịp ăn bữa cơm gia đình cũng bởi công việc tất bật”; “công ty cắt giảm nhân sự khiến mình thất nghiệp mà không dám nói, sợ ba mẹ lo nghĩ nhiều. Cố gắng nhận thêm job để có tiền gửi về đều đặn”; “mình cũng nhớ nhà, nhớ ba mẹ nhưng chưa kiếm được tiền lo cho gia đình nên không dám về”…

Lifebuoy,  Tet on anh 6

Chia sẻ của nhiều bạn trẻ dưới bài đăng của TikToker Topu. Ảnh cắt từ TikTok.

Bên cạnh Topu, nhiều fanpage như Tôi Là Người Sài Gòn, Chuyện Sài Gòn, Inside The Box cũng được truyền cảm hứng từ câu chuyện. Là những cộng đồng quy tụ đông đảo người trẻ, chia sẻ của các fanpage thu về hàng trăm lượt tương tác. Trong nhiều bình luận, có người từng trải qua biến cố mất người thân, có người “bán” sức khỏe để đổi lấy công việc ổn định… Dù vậy, họ “lờ đi” khó khăn, giấu nhẹm với người thân yêu vì nhiều nỗi sợ.

Như đoạn trích được đăng tải trên Chuyện Sài Gòn: “Sợ về nhà khi mình chưa ổn, sợ nghe được câu hỏi ‘Con ổn không?’ từ ba mẹ là vỡ oà khi không còn chiếc điện thoại làm bình phong. Mẹ ơi, con muốn cuộc sống nhà mình ổn hơn, nên từ từ con ổn rồi con sẽ về nhé mẹ. Nhưng chắc mẹ cũng như em bé trên đài, đang đợi mình về nhà ăn bữa cơm đoàn viên…”.

Cuộc trò chuyện vỏn vẹn 5 phút trên sóng radio khiến nhiều người có dịp lắng lòng giữa bộn bề lo toan, mà ở đó ai cũng có thể thấy hình ảnh của chính mình. Đó có thể là người cha bận rộn mưu sinh mà bỏ quên gia đình, là đứa con “thèm” bữa cơm nhà đông đủ mọi thành viên… Khi tự mình đảm nhận “vai chính”, quán xuyến mọi việc trong nhà, Tết không còn là khoảng thời gian đoàn viên đáng mong chờ như ý nghĩa nó vốn có, mà vô tình trở thành “gánh nặng” đè nặng lên đôi vai mỗi người.

Cố gắng để có một cái Tết đủ đầy không sai, nhưng quá sức cho vô vàn kỳ vọng mà mình tự đặt ra để rồi quên đi những giá trị khác, liệu có thực sự ổn? Câu chuyện của em bé trên radio như hồi chuông giúp chúng ta nhận ra điều bình dị nhưng dễ bị bỏ quên trong guồng quay cuộc sống, rằng chỉ cần gia đình bình an, khỏe mạnh bên nhau là Tết đã ổn rồi.