Luồng khí màu cam nguy hiểm bao trùm khắp hành tinh, UNEP phát báo cáo khẩn: Cần hành động ngay!

Loại khí này là gì và nó gây hại cho con người cũng như Trái đất như thế nào?

Hãy nhìn vào bức hình này của NASA. Hẳn chúng ta dễ nhận ra việc cả hành tinh đang bị bao phủ bởi một lớp màu vàng cam. Đó chính là mê-tan. 

Luồng khí màu cam nguy hiểm bao trùm khắp hành tinh, UNEP phát báo cáo khẩn: Cần hành động ngay!- Ảnh 1.

Nguồn: NASA

Biết rằng, ở nhiệt độ phòng và áp suất tiêu chuẩn, me-tan không màu, không mùi. Nhưng dưới vệ tinh và dữ liệu quan sát liên tục của NASA, mê-tan đang bao trùm khắp nơi, màu cam minh hoạ cho điều báo động đó.

Để nói về tác động đáng lo ngại của loại khí này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thông tin ngắn gọn: Mê-tan là khí nhà kính chính gây biến đổi khí hậu (khiến bão lũ, thời tiết cực đoan gia tăng), gây ô nhiễm không khí, tác động xấu đến sức khỏe con người và gây ra những vụ nổ nghiêm trọng. 

Dù vô hình nhưng tác động của mê-tan là hữu hình. Vậy, các chính phủ có kịp hành động để cứu hành tinh khỏi mê-tan?

Hội nghị các bên lần thứ 29 (COP29) của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu tại thủ đô Baku, Azerbaijan, bắt đầu vào ngày 11/11/2024, đang bàn về vấn đề này.

Mới đây nhất, trong khuôn khổ COP29, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) vừa đưa ra báo cáo "An Eye on Methane" (tạm dịch: Hãy chú trọng vào mê-tan), nêu bật việc các chính phủ hành động chưa đủ để kiểm soát lượng khí thải mê-tan mặc dù đã đưa ra cam kết.

"An Eye on Methane" chỉ ra rằng chỉ có hơn 1% các chính phủ và công ty hành động để ngăn chặn tình trạng rò rỉ khí mê-tan từ khắp nơi trên thế giới.

Luồng khí màu cam nguy hiểm bao trùm khắp hành tinh, UNEP phát báo cáo khẩn: Cần hành động ngay!- Ảnh 2.

Báo cáo "An Eye on Methane" của UNEP kêu gọi các chính phủ hãy hành động ngay lập tức để cắt giảm khí thải mê-tan. Ảnh: UNEP

Trong 2 năm qua, Hệ thống cảnh báo và ứng phó với khí mê-tan (MARS) đã phát hiện hơn 1.200 thông báo về các luồng khí mê-tan lớn trên toàn cầu. Hệ thống này được UNEP đưa ra tại COP27 (năm 2022) ở Ai Cập để cung cấp các thông báo từ vệ tinh về lượng khí thải mê-tan rất lớn. 

Trong đó, hơn 150 quốc gia, chiếm hơn 50% lượng khí thải mê-tan do con người gây ra trên toàn cầu, đã ký vào Cam kết toàn cầu về khí mê-tan, được đưa ra tại COP26 vào tháng 11/2021 để thúc đẩy hành động giảm 30% lượng khí thải mê-tan vào năm 2030. Mục tiêu này có khả năng làm giảm sự nóng lên ít nhất 0,2°C vào năm 2050.

Luồng khí màu cam nguy hiểm bao trùm khắp hành tinh, UNEP phát báo cáo khẩn: Cần hành động ngay!- Ảnh 3.

Nguồn: Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA)

"Khí quyển có lượng mê-tan gấp khoảng 2,5 lần so với thời kỳ tiền công nghiệp và lượng khí thải đã tăng lên trong những năm gần đây. Lượng khí mê-tan thải ra từ các hoạt động của con người chịu trách nhiệm cho khoảng 30% sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu kể từ thời kỳ tiền công nghiệp" - Inger Andersen, Giám đốc điều hành của UNEP, cho biết tại một cuộc họp báo trong khuôn khổ COP29.

Vì sao UNEP nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các chính phủ cần chú trọng hơn nữa vào việc giảm phát thải khí mê-tan? Đó là vì tác động của mê-tan dai dẳng và mạnh mẽ hơn rất nhiều so với CO2.

Tác động báo động của khí mê-tan: Ngắn ngủi nhưng mạnh mẽ 

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) báo cáo rằng Ngân sách Methane Toàn cầu (GMB) mới nhất ước tính lượng khí thải mê-tan toàn cầu hàng năm vào khoảng 580 triệu tấn. Trong số này, khoảng 40% đến từ các nguồn tự nhiên (như đất ngập nước), số còn lại là do hoạt động của con người. 

Ngành năng lượng — bao gồm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, than đá và năng lượng sinh học — chiếm hơn một phần ba lượng khí thải mê-tan từ hoạt động của con người. Năng lượng sinh học — chủ yếu từ việc sử dụng sinh khối — đã đóng góp thêm 10 triệu tấn khí thải. IEA lưu ý rằng mức này vẫn không đổi kể từ năm 2019.

Vào năm 2023, ngành năng lượng thải ra gần 130 triệu tấn khí mê-tan - trở thành ngành phát thải lớn thứ 2 sau nông nghiệp.

Trong số gần 130 triệu khí mê-tan thoát ra khí quyển từ việc sử dụng nhiên liệu, có khoảng 80 triệu tấn đến từ 10 quốc gia phát thải nhiều nhất. Mỹ, quốc gia phát thải khí mê-tan lớn nhất từ các hoạt động dầu khí, đứng đầu danh sách. Tiếp theo là Nga, theo số liệu của IEA.

Luồng khí màu cam nguy hiểm bao trùm khắp hành tinh, UNEP phát báo cáo khẩn: Cần hành động ngay!- Ảnh 4.

Mê-tan là khí nhà kính mạnh và là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Ảnh: iStock

Dữ liệu vệ tinh cho thấy lượng khí thải mê-tan lớn đã tăng hơn 50% vào năm 2023 so với năm 2022. Hơn 5 triệu tấn được phát hiện là do rò rỉ nhiên liệu hóa thạch lớn trên toàn thế giới. Điều này bao gồm một vụ nổ giếng lớn ở Kazakhstan, bắt đầu vào ngày 9/6/2023 và kéo dài trong hơn 200 ngày. 

Mê-tan tồn tại trong khí quyển trong khoảng 12 năm, ngắn hơn tuổi thọ hàng thế kỷ của carbon dioxide (CO2). Tuy nhiên, nó hấp thụ nhiều năng lượng hơn trong thời gian đó (một phân tử mê-tan giữ lại nhiều nhiệt hơn một phân tử CO2), khiến nó trở thành khí nhà kính mạnh và là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Đây là lý do tại sao việc giảm nhanh chóng và bền vững lượng khí thải mê-tan từ ngành năng lượng là rất quan trọng để giữ cho sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C.

Ngoài ra, mê-tan góp phần gây ô nhiễm không khí bằng cách hình thành ô-zôn ở tầng mặt đất, gây hại cho sức khỏe. Rò rỉ cũng gây ra nguy cơ nổ và các mối lo ngại khác về an toàn. 

Chúng ta có thể thấy rằng tác động của khí thải mê-tan được cảm nhận trực tiếp đến chất lượng không khí, khí hậu và sức khỏe. Do đó, việc cắt giảm các khí thải có hại này là điều cần thiết để cải thiện cả sức khỏe môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Như Giám đốc điều hành của UNEP đã nói, lượng khí thải mê-tan do con người gây ra chịu trách nhiệm cho khoảng 30% sự nóng lên hiện tại của hành tinh. Giới khoa học đã chứng minh rõ ràng: Giảm lượng khí thải này là cách nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu trong tương lai gần – và là điều cần thiết để ngăn chặn thiệt hại ngày càng trầm trọng hơn về khí hậu.

"An Eye on Methane" xuất hiện tại COP29 được xem là "đúng thời điểm" khi những nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề khí thải mê-tan phải chuyển từ mong muốn sang hành động.

Mặc dù trước đây người ta rất khó phát hiện và khó đo lường mê-tan, nhưng các công nghệ và hệ thống để quản lý khí thải mê-tan đã xuất hiện (đơn cử MARS của UNEP sử dụng công nghệ vệ tinh tiên tiến và trí tuệ nhân tạo AI). Mê-tan có thể vô hình, nhưng không phải là không nhìn thấy được—và không còn lý do gì để không hành động nữa.

Tác động có hại của mê-tan đối với sự nóng lên toàn cầu và sức khỏe con người đã khiến nó trở thành ưu tiên hàng đầu tại hội nghị thượng đỉnh COP29 năm nay. Và như các nhà lãnh đạo đã nói, thời điểm hành động là NGAY BÂY GIỜ!

Cần cắt giảm 75% lượng khí thải mê-tan

Thế giới cần phải cắt giảm 75% lượng khí thải mê-tan từ nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030 thì mới có thể đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris về Khí hậu là hạn chế mức nóng lên ở mức 1,5°C.

IEA ước tính mục tiêu này sẽ cần khoảng 170 tỷ đô la Mỹ chi tiêu. Con số này ít hơn 5% thu nhập mà ngành nhiên liệu hóa thạch tạo ra vào năm 2023.

Ngoài ra, cơ quan này còn quan sát thấy lượng khí thải mê-tan từ nhiên liệu hóa thạch có thể giảm khoảng 50% vào năm 2030 nếu các công ty và quốc gia thực hiện tất cả các chính sách và cam kết về mê-tan kịp thời.

"Nhiệt độ đang tăng nhanh và phá vỡ kỷ lục trên toàn thế giới. Việc hợp tác vì một hành tinh đáng sống ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Giảm phát thải khí mê-tan vẫn là một trong những cách nhanh nhất và hiệu quả nhất về mặt chi phí để thực hiện điều này" - Catherine Stewart, Đại sứ Canada về Biến đổi Khí hậu.

Một tín hiệu đáng mừng là, Cam kết toàn cầu về khí mê-tan (GMP) - được Liên minh châu Âu và Mỹ đưa ra tại COP26 - đã kêu gọi được thêm 156 quốc gia vào tháng 9/2024 nhằm chung tay thực hiện các hành động tự nguyện để giảm lượng khí thải mê-tan toàn cầu ít nhất 30% so với mức năm 2020 vào năm 2030. 

Việc đạt được mục tiêu GMP sẽ giảm lượng khí thải mê-tan xuống mức phù hợp với lộ trình 1,5°C đồng thời mang lại những lợi ích đáng kể cho sức khỏe con người và hệ sinh thái, an ninh lương thực và nền kinh tế trên thế giới.

Tham khảo: Carbon credit, UNEP, Downtoearth, Globalmethanepledge