Một thứ ở Nga vừa lập kỷ lục, 27 nước hành động khẩn

Một hiện tượng đột biến đã xảy ra khiến các nước châu Âu khẩn trương hành động.

Khí đốt ở Nga lập kỷ lục tại EU

Hãng thông tấn TASS ngày 17/2 dẫn dữ liệu từ Eurostat cho hay, mức mua khí đốt từ Nga của các nước thành viên EU đã tăng vọt lên gần 2 tỷ euro trong tháng cuối cùng của năm 2024, trở thành mức cao nhất kể từ đầu năm 2023. Đợt tăng đột biến này xảy ra trước khi Kiev tạm dừng việc vận chuyển khí đốt qua đường ống dẫn qua Ukraine vào khối EU.

Kiev từ chối gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt kéo dài 5 năm với tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga vào cuối năm 2024, điều này đồng nghĩa với việc cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước EU bao gồm Romania, Ba Lan, Hungary, Slovakia, Áo và Italy, cũng như Moldova.

Vào tháng 12, các nước EU được cho là đã chi 927,4 triệu euro cho khí đốt được cung ứng qua đường ống của Nga. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga của khối này lên tới 917 triệu euro. Cả hai con số này đều ở mức cao nhất kể từ đầu năm 2023.

Hãng thông tấn lưu ý rằng nhập khẩu LNG từ Nga đã tăng 52% so với tháng trước đó và tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Pháp và Bỉ được cho là đã nhập khẩu lượng LNG từ Nga trị giá lần lượt là 402,9 triệu euro và 137,9 triệu euro, trở thành những nhà nhập khẩu lớn nhất loại nhiên liệu siêu lạnh này. Trong khi đó, Hà Lan nhập khẩu LNG từ Nga trị giá 98,5 triệu euro, giảm 15,5% so với tháng trước.

Một thứ ở Nga vừa lập kỷ lục, 27 nước hành động khẩn- Ảnh 1.

Theo TASS, trong năm 2024, EU đã chi 7,6 tỷ euro cho khí đốt đường ống từ Nga, so với 7,9 tỷ euro được ghi nhận trong năm trước đó. Hãng thông tấn cũng cho biết thêm rằng việc mua LNG từ Nga của khối này đạt 7,2 tỷ euro, giảm so với 8,1 tỷ euro vào năm 2023.

Pháp (3,1 tỷ euro), Tây Ban Nha (2 tỷ euro) và Bỉ (1,1 tỷ euro) nằm trong số những nước nhập khẩu LNG lớn nhất từ Nga trong khối EU. Hà Lan được cho là đã mua lượng LNG trị giá 749 triệu euro.

Các nước EU tiếp tục mua cả khí đốt đường ống và LNG bất chấp cam kết loại bỏ sự phụ thuộc năng lượng vào Moscow. Mặc dù nhập khẩu khí đốt đường ống từ Nga đã giảm đáng kể do xung đột ở Ukraine và vụ phá hoại đường ống Nord Stream vào tháng 9 năm 2022, các nước thành viên EU vẫn tiếp tục mua loại nhiên liệu này.

LNG chỉ bị ảnh hưởng một phần bởi các lệnh trừng phạt của EU. Vào tháng 6/2024, Brussels đã cấm các hoạt động bốc dỡ, chuyển tải từ tàu sang tàu và từ tàu sang bờ nhằm mục đích tái xuất khẩu sang các nước thứ ba thông qua khối này. Các hạn chế này có thời gian chuyển tiếp 9 tháng.

Các lô hàng khí đốt đường ống còn lại từ Nga hiện đang được vận chuyển đến khối EU thông qua đường ống TurkStream, chạy từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen và sau đó đến biên giới với Hy Lạp, một nước thành viên EU. Một nhánh của tuyến đường ống này cung cấp khí đốt cho thị trường nội địa Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi nhánh còn lại cung cấp cho các khách hàng ở Nam và Trung Âu.

Một thứ ở Nga vừa lập kỷ lục, 27 nước hành động khẩn- Ảnh 2.

EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 16 nhằm vào Nga. Ảnh: Jone Day

27 nước EU hành động khẩn

Trước tình hình đó, trong ngày 19/2, các đại sứ Liên minh Châu Âu đã thông qua gói trừng phạt mới nhất chống lại Nga.

Gói trừng phạt thứ 16 này dự kiến sẽ được các bộ trưởng EU chấp thuận trong cuộc họp thường kỳ vào 24/2 tới, đánh dấu 3 năm kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Ukraine.

Gói trừng phạt bao gồm điều khoản mới nhằm vào các tàu thuộc "hạm đội bóng tối" chở dầu và khí đốt của Nga, lệnh cấm xuất khẩu đối với hóa chất, crôm và các sản phẩm khác sử dụng trong máy móc chính xác. Bên cạnh đó là lệnh cấm dịch vụ lọc dầu và khí đốt Nga.

Mặc dù có những lo ngại vào phút chót từ phía Hy Lạp nhưng tất cả 27 quốc gia EU cuối cùng đã đồng ý ngừng nhập khẩu nhôm của Nga.

Các sản phẩm từ nhôm của Nga từng bị chặn trước đó, và Ủy ban Châu Âu đề xuất thêm trong gói này điều khoản cấm nhôm nguyên chất. Các nước EU vẫn được phép nhập khẩu thêm nhôm từ Nga ở một ngưỡng nhất định trong thời gian ngắn, trước khi lệnh cấm hoàn toàn có hiệu lực sau đó.

Đáng chú ý, lệnh cấm hoàn toàn đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga vẫn chưa được đưa vào gói trừng phạt. Trong khi đó, một nhóm các quốc gia thành viên đã thúc giục cơ quan điều hành EU cấm nguồn năng lượng này từ Nga, và bày tỏ lo ngại về mức mua gia tăng gần đây của EU.

Nguyễn Hải