Mức phạt bao nhiêu tiền thì cảnh sát giao thông cần lập biên bản?

Đối với những người tham gia giao thông, việc hiểu rõ các quy định về việc lập biên bản xử phạt là rất cần thiết.

Ngày 15/11/2024, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 73/2024/TT-BCA quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của CSGT.

Theo Điều 16 Thông tư kể trên, khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản, cán bộ CSGT thực hiện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ theo thẩm quyền.

Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm (sau đây gọi chung là người vi phạm) chưa thi hành ngay quyết định xử phạt thì tạm giữ giấy tờ có liên quan theo quy định tại điểm d, điểm g khoản 2 Điều 17 Thông tư 73/2024/TT-BCA và quy định khác của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có liên quan để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Mức phạt bao nhiêu tiền thì cảnh sát giao thông cần lập biên bản?- Ảnh 1.

Việc lập biên bản là quy trình không thể thiếu trong công tác quản lý giao thông, đảm bảo việc xử lý vi phạm khách quan và đúng pháp luật. (Ảnh minh hoạ)

Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, cán bộ CSGT thông thực hiện lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định. Biên bản vi phạm hành chính được lập bằng mẫu in sẵn hoặc lập trên cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính;

Khi lập xong biên bản vi phạm hành chính, cán bộ lập biên bản đọc lại cho những người có tên trong biên bản cùng nghe; hướng dẫn quyền, thời hạn giải trình về vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức có quyền giải trình theo quy định tại Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020);

Đề nghị người vi phạm cung cấp số điện thoại liên hệ (nếu có) để nhận thông tin xử phạt thông qua cổng dịch vụ công Quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an (sau đây viết gọn là cổng dịch vụ công); ký vào biên bản (trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ), trừ trường hợp biên bản được lập theo quy định tại khoản 7 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Trường hợp có người chứng kiến, người phiên dịch, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì những người này cùng phải ký vào biên bản; biên bản vi phạm hành chính gồm nhiều trang, thì phải ký vào từng trang biên bản;

Trường hợp người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm thì Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông mời đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc ít nhất 01 người chứng kiến ký vào biên bản xác nhận việc người vi phạm không ký, điểm chỉ vào biên bản;

Trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì cán bộ Cảnh sát giao thông phải ghi rõ lý do vào biên bản. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận vụ việc và phải báo cáo thủ trưởng đơn vị bằng văn bản để làm cơ sở cho người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử phạt;

Việc giao biên bản vi phạm hành chính cho người vi phạm thực hiện theo quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP.

Theo quy định hiện hành, nếu bị xử lý vi phạm tại chỗ với hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức thì không không lập biên bản vi phạm giao thông. Trường hợp cá nhân, tổ chức có mức phạt cao hơn mức phạt vừa nêu thì CSGT phải lập biên bản.