Giá khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG) trong nước của Nga đã giảm 50% trong tháng 12, sau khi lệnh cấm nhập khẩu của EU có hiệu lực vào ngày 20/12. Các lệnh trừng phạt của EU với LPG của Nga có hiệu lực vào ngày 20/12, 1 năm sau khi Ba Lan - một trong những nước nhập khẩu nhiều nhất LPG Nga, đề xuất.
LPG chủ yếu được sử dụng làm nhiên liệu cho ô tô, sưởi ấm và sản xuất các sản phẩm hoá dầu khác.
Theo tính toán của Reuters dựa trên các nguồn giao dịch và dữ liệu từ một sàn giao dịch hàng hóa trong nước, lượng LPG cung cấp cho thị trường nội địa Nga tăng mạnh đã khiến giá bán buôn tại nước này giảm xuống còn khoảng 14.000 rúp (140 USD) một tấn vào tháng 12 từ mức 28.000 rúp vào cuối tháng 11.
Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu có lợi nhuận cao hơn và Nga có thể kiếm được tới 230 USD một tấn từ nguồn cung cấp cho Ba Lan. Tuy nhiên, một số loại LPG của Nga đủ điều kiện để xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 1/5 tổng lượng LPG mà Nga từng xuất khẩu.
Theo các nguồn tin trong ngành, Nga đã tăng cường xuất khẩu LPG trong những tháng gần đây sang Trung Quốc, Mông Cổ, Armenia, Georgia và Azerbaijan. Các thương nhân cho biết xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc có tiềm năng tăng trưởng hơn nữa. Nga cũng xuất khẩu LPG sang cả Afghanistan, dù nguồn cung bị hạn chế do các vấn đề về thanh toán.
Uỷ ban châu Âu (EC) đã đề xuất áp các lệnh trừng phạt với lĩnh vực LNG của Nga, nằm trong gói trừng phạt thứ 14 của Brussels với Moscow. Các quy định mới này sẽ yêu cầu các nước EU không tiếp tục xuất khẩu LNG của Nga sau khi đã nhận được và cũng cấm EU tham gia vào các dự án LNG sắp tới tại Nga. Tuy nhiên, các biện pháp này không trực tiếp cấm nhập khẩu LNG của Nga vào EU.
Tương tự như các lệnh trừng phạt trước đây, quy định cấm nhập khẩu lần này nhằm mục đích giảm doanh thu từ lĩnh vực năng lượng của Nga để tài trợ cho hoạt động quân sự. Dù LNG Nga chỉ chiếm 5% mức tiêu thụ năng lượng của EU vào năm 2023, nhưng Điện Kremlin vẫn thu về khoảng 8 tỷ USD.
Đề xuất của EC cũng cấm sử dụng các cảng, đơn vị tài chính và dịch vụ trong EU để tái xuất khẩu LNG Nga. Về cơ bản, Nga sẽ phải thực hiện cuộc cải tổ mô hình xuất khẩu LNG. Hiện tại, Nga cung cấp LNG cho châu Á thông qua châu Âu, nơi Tây Ban Nha, Bỉ và Pháp là các trung tâm trung chuyển chính.
Laura Page, chuyên gia về khí đốt tại công ty phân tích dữ liệu Kpler, cho biết: “Nếu Nga không thể trung chuyển LNG ở châu Âu, họ có thể phải sử dụng đội tàu phá băng để di chuyển trên hành trình dài hơn. Nga có thể sẽ không xuất khẩu được nhiều hàng từ Yamal vì tàu không thể quay lại đủ nhanh.”
Nga đang chịu ảnh hưởng đáng kể từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA), giá dầu thô Ural đã tăng 17% trong tháng 12 lên mức trung bình 6,01 USD so với dầu thô Brent. CREA ước tính, Nga đã mất 15,2 tỷ USDdoanh thu từ xuất khẩu dầu thô Ural do áp lực từ các lệnh trừng phạt.
Tham khảo Oilprice, Reuters