
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay ông Steve Witkoff, đặc phái viên của ông Trump, tại một cuộc gặp gần đây - Ảnh: REUTERS
Một trong những lý do, theo người phát ngôn Điện Kremlin D. Peskov, là vì "hòa đàm là một công việc khó khăn, không thể tiến hành công khai".
Các nguồn tin từ Financial Times (FT), Washington Post đến New York Post đã đưa ra những luận điểm mâu thuẫn về nội dung đàm phán, trong khi Matxcơva liên tục bác bỏ các thông tin này.
Giữa "sự hỗn loạn của tin đồn", các chuyên gia vẫn nỗ lực phác thảo những nguyên tắc chung có thể hình thành nên một hiệp ước hòa bình.
Hỗn loạn tin đồn
FT ngày 22-4 đưa tin về cuộc gặp ngày 11-4 giữa Tổng thống Putin và đặc phái viên của Tổng thống Trump, ông Steve Witkoff, tại St. Petersburg.
Theo FT, ông Putin đã đề xuất đóng băng hoạt động quân sự dọc chiến tuyến hiện tại và sẵn sàng từ bỏ yêu sách đối với bốn khu vực thuộc Ukraine mà Điện Kremlin đã tuyên bố sáp nhập trước đó là DPR, LPR, Kherson và Zaporozhye.
Đổi lại, ông Putin yêu cầu Mỹ công nhận Crimea thuộc Nga và ngăn Ukraine gia nhập NATO. FT còn cho biết Washington sẵn sàng đáp ứng cả hai điều kiện này để chấm dứt chiến tranh và ông Trump mong muốn đạt được thỏa thuận trước ngày 30-4.
Tuy nhiên ngay trong ngày, thư ký báo chí của Tổng thống Nga D. Peskov đã bác bỏ thông tin trên. Ông nói trên RIA Novosti rằng hiện nay "có rất nhiều thông tin giả được xuất bản, kể cả từ các ấn phẩm uy tín, vì vậy chỉ nên lắng nghe các nguồn tin gốc".
Nhà khoa học chính trị Sergey Markov còn gọi các thông tin FT lan truyền "không phải là thông tin báo chí, mà là nỗ lực nhằm tác động đến các nhà đàm phán trước các cuộc thương thuyết quan trọng".
Ông Markov phản bác các điểm trong bài báo, khẳng định: 1-Vấn đề tư cách thành viên NATO của Ukraine đã được giải quyết từ lâu, câu hỏi đang được bàn là làm thế nào đảm bảo sự trung lập của Ukraine; 2-Chính Mỹ, không phải Nga, đề xuất dừng hoạt động quân sự dọc chiến tuyến; 3-Việc công nhận Crimea không phải yêu cầu của Nga vì Kremlin từng khẳng định vấn đề này đã được giải quyết sau cuộc trưng cầu dân ý.
Trong khi đó Washington Post lại viết tại cuộc gặp ngày 23-4 ở London, các đại biểu Kiev và Brussels sẽ vấp phải yêu cầu từ Washington đòi Ukraine và châu Âu phải công nhận Crimea thuộc Nga, đồng thời chấp nhận đóng băng xung đột ở chiến tuyến hiện tại.
Còn New York Post dẫn lời một quan chức cấp cao Nhà Trắng tiết lộ Kiev dường như sẵn sàng từ bỏ 20% lãnh thổ, miễn là điều này được coi là sự công nhận "trên thực tế" chứ không phải "trên pháp lý".
Nguyên tắc chung
Mặc dù thông tin trái chiều, nhà khoa học chính trị Sergey Markov vẫn phác thảo những nguyên tắc chung của một hiệp ước hòa bình có thể được thống nhất:
1 - Gia hạn lệnh ngừng bắn 30 ngày trong khi đàm phán tiếp diễn; 2-Dừng hoạt động quân sự dọc chiến tuyến; 3-Đảm bảo sự trung lập của Ukraine; 4-Lập khu phi quân sự, hạn chế việc triển khai quân đội hai bên;
5 - Mỹ cắt giảm cung cấp vũ khí cho Ukraine; 6-Châu Âu vẫn duy trì nguồn cung quân sự; 7-Không hạn chế đưa quân đội châu Âu vào Ukraine sau lệnh ngừng bắn; 8-Tôn trọng quyền sử dụng tiếng Nga tại Ukraine;
9-Ukraine và châu Âu công nhận năm khu vực bị chiếm đóng nhưng cam kết không chinh phục bằng vũ lực; 10-Dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt Nga; 11-Mỹ công nhận Crimea thuộc Nga nhưng không công nhận bốn vùng còn lại; 12 - Đưa lực lượng gìn giữ hòa bình từ các nước trung lập vào Ukraine.
Washington Post cũng đăng bài của tác giả David Ignatius cảnh báo nếu Mỹ rút khỏi việc giải quyết khủng hoảng Ukraine, Washington sẽ không còn quyền hạn chế hoạt động của quân Ukraine và cuộc chiến sẽ thêm khốc liệt. Ông chỉ ra nỗ lực liên tục của Kiev trong tháng qua nhằm chiếm đóng các làng ở vùng Belgorod đã chứng minh điều này.
David Ignatius cũng cho biết châu Âu đang chuẩn bị đầu tư vào tổ hợp công nghiệp quân sự Ukraine thay vì cung cấp vũ khí trực tiếp. Chương trình viện trợ quân sự của châu Âu dành cho Ukraine bao gồm tăng đầu tư vào sản xuất vũ khí trong nước, và vào tháng 4, Kiev đã nhận được khoản tiền lớn nhất từ trước đến nay (1 tỉ euro) dành riêng cho việc sản xuất hệ thống pháo của riêng mình.
Ông Peskov khẳng định các cuộc đàm phán Nga - Mỹ để giải quyết xung đột cần có thời gian, do đó khó thể mong đợi kết quả ngay lập tức. Ông nói Nga vẫn tiếp tục liên lạc với Mỹ qua nhiều kênh nhưng "không nên ép buộc giải quyết vấn đề Ukraine trong khoảng thời gian ngắn".
Luận điểm này hoàn toàn trái ngược với mong muốn giải quyết nhanh chóng của ông Trump cũng như tuyên bố của ông Trump nói rằng thỏa thuận về Ukraine có thể đạt được vào cuối tuần này. Điều này được minh chứng khi cuộc gặp dự kiến cấp ngoại trưởng các nước Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Ukraine ở London ngày 23-4 đã bị hoãn và hạ cấp xuống thành cuộc gặp của các chuyên gia.
Bức tranh phức tạp
Báo New York Post cho biết thêm kế hoạch của ông Trump, có thể được công bố trong ba ngày tới, bao gồm việc triển khai quân đội châu Âu ở Ukraine. Vấn đề thành lập các lực lượng riêng để giám sát lệnh ngừng bắn cũng đang được xem xét thông qua một "ủy ban chung" gồm đại diện từ Nga, Ukraine và một nước thứ ba không phải thành viên NATO. Ủy ban này sẽ giám sát tiền tuyến để đảm bảo cả hai bên đều tuân thủ lệnh ngừng bắn.
