Ngành chip lại đau đầu vì ông Trump

Khả năng bị áp thuế và lệnh cấm xuất khẩu chip sang Trung Quốc khiến các công ty bán dẫn đứng ngồi không yên.

Một xe tải chuyên dụng của ASML. Ảnh: Bloomberg.

Trong thông báo ngày 16/4, ASML cho biết lượng đơn đặt máy sản xuất chip của công ty trong quý I thấp hơn dự kiến, đồng thời dự báo chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo ra bất ổn trên toàn ngành.

“Những thông báo về thuế quan gần đây làm gia tăng sự bất ổn trong môi trường vĩ mô, tình hình sẽ tiếp tục biến động trong một thời gian”, công ty Hà Lan cho biết.

Theo WSJ, cổ phiếu ASML giảm 5% sau thông báo, làm trầm trọng thêm tình trạng bán tháo trong nhóm cổ phiếu chip.

ASML tạo ra những cỗ máy sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới, được dùng trên nhiều hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI). Trong bối cảnh nhu cầu AI bùng nổ, doanh số các loại máy làm chip ít tinh vi trong xe hơi hay smartphone đang chững lại.

Tổng giá trị đơn hàng của ASML trong quý I ước tính đạt 4,45 tỷ USD, thấp hơn dự báo của giới phân tích (5,51 tỷ USD).

Tháng 10/2024, ASML cắt giảm dự báo doanh số năm 2025, cho biết một số mảng trong ngành bán dẫn (ngoài AI) mất nhiều thời gian hơn dự kiến để phục hồi. Công ty dự báo doanh thu năm nay có thể đạt 34-40 tỷ USD.

Christophe Fouquet, CEO ASML, cho biết công ty có thể đạt mục tiêu doanh thu cao nhất trong năm nay nếu nhu cầu AI vẫn lớn. Dù vậy, ông cho rằng tình hình thiếu ổn định của một số khách hàng có thể khiến doanh thu công ty chỉ đạt mức thấp.

Chi phí đầu tư cũng là câu hỏi lớn. Đầu năm nay, startup DeepSeek của Trung Quốc tuyên bố phát triển mô hình ngôn ngữ lớn với hiệu quả tương đương nhiều đối thủ của Mỹ, trong khi được đào tạo trên chip đời cũ.

Căng thẳng thương mại cũng tạo ra rủi ro cho ASML và các công ty khác trong ngành chip. Dù đang được miễn thuế quan, chính quyền ông Trump đang mở cuộc điều tra đưa chất bán dẫn vào biểu thuế riêng biệt.

Giám đốc Tài chính Roger Dassen cho biết thuế quan có thể ảnh hưởng đến ASML và toàn ngành công nghiệp bán dẫn theo nhiều cách khác nhau.

Theo Dassen, khả năng quốc gia thứ ba áp thuế với hàng hóa do ASML nhập từ Mỹ cũng là kịch bản được tính đến.

“Chúng tôi đang tích cực làm việc với toàn bộ hệ sinh thái để cố gắng giảm thiểu tác động chung”, Dassen cho biết.

Những bình luận trên được đưa ra khi ASML công bố doanh thu quý I đạt 8,79 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ năm ngoái (6,01 tỷ USD). Lợi nhuận ròng của công ty đạt 2,68 tỷ USD, biên lợi nhuận gộp là 54%.

ASML ước tính doanh thu trong quý II vào khoảng 8,18-8,75 tỷ USD, biên lợi nhuận gộp từ 50-53%. Đây là phạm vi dự đoán rộng hơn bình thường do bất ổn xoay quanh thuế quan.

Donald Trump thue quan,  thue doi ung My,  nganh ban dan,  san xuat chip anh 1

Bộ xử lý và chip nhớ của AMD. Ảnh: Bloomberg.

Không chỉ thuế quan, chính quyền ông Trump còn công bố hạn chế mới cho hoạt động xuất khẩu bán dẫn sang Trung Quốc. AMD ước tính khoản lỗ chi phí tối đa 800 triệu USD sau khi đánh giá các yêu cầu cấp phép xuất khẩu sản phẩm MI308.

Trước đó, Nvidia tuyên bố có thể mất 5,5 tỷ USD khi dòng chip H20 bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc, trừ khi có giấy phép.

Sắc lệnh mới của ông Trump được đưa ra dựa trên các quy định trước đây của Mỹ, nhằm hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc với chất bán dẫn tiên tiến. Trong nhiệm kỳ của ông Joe Biden, Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát với mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia.

Theo Bloomberg, cổ phiếu của Nvidia và AMD lần lượt giảm 7% và 8,1% trong phiên giao dịch mở cửa ngày 16/4.

Cách Jensen Huang đốc thúc nhân viên

Để đưa gã khổng lồ công nghệ Nvidia lên vị thế hôm nay, CEO Jensen Huang tâm niệm phải giữ nhân sự trong tâm thế có phần "lo âu", "sợ hãi". Đó là một trong những khía cạnh về CEO Nvidia được tiết lộ trong cuốn sách thuật lại trong sách The Nvidia Way: Jensen Huang and the Making of a Tech Giant (tạm dịch: Phong cách Nvidia: Jensen Huang và hành trình tạo dựng gã khổng lồ công nghệ).