Ngày đầu năm dồn dập tín hiệu mới của tuyến đường sắt 8,4 tỷ USD nối thẳng sang Trung Quốc

Tuyến đường sắt hơn 8,4 tỷ USD được xây mới với mục tiêu kết nối cảng biển quốc tế Hải Phòng liên vận với Trung Quốc.

Ngày 3/2, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức hội nghị giao ban công tác tháng Một và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 2/2025. Tại buổi hội nghị, nhiều dấu mốc quan trọng của tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nối thẳng sang Trung Quốc có vốn đầu tư hơn 8,4 tỷ USD cũng được đề cập.

Cụ thể, ông Lưu Quang Thìn, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Đầu tư cho biết đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét trước ngày 10/2.

Ngày đầu năm dồn dập tín hiệu mới của tuyến đường sắt 8,4 tỷ USD nối thẳng sang Trung Quốc- Ảnh 1.

Ông Lưu Quang Thìn, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư báo cáo tại hội nghị - Ảnh: Báo Giao thông

"Quốc hội họp ban hành nghị quyết trước ngày 17/2; phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong quý III/2025; hoàn thành thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu 1 gói thầu xây lắp, khởi công dự án cuối năm 2025", báo Giao thông dẫn lời ông Thìn thông tin.

Ngoài ra, trong 2 ngày 4/2 và 5/2 tới đây, đoàn khảo sát thực địa của Quốc hội cũng dự kiến đi kiểm tra hiện trường để đẩy nhanh tiến độ thẩm tra.

Đây là kết quả sau những chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ mà gần nhất là vào ngày 27/1/2025 trong buổi chúc Tết, kiểm tra công tác ứng trực phục vụ hành khách dịp Tết Nguyên đán của ngành đường sắt tại Ga Hà Nội.

Tại buổi gặp gỡ các cán bộ, nhân viên ngành đường sắt hôm 27 Tết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nỗ lực phối hợp cùng các bộ, ngành Việt Nam và phía Trung Quốc trong năm nay phải khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối với Trung Quốc. Đồng thời chú trọng vấn đề chuyển giao công nghệ, đạo tạo nhân lực, áp dụng những công nghệ quản lý tiên tiến.

Đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách, trong đó, kiến nghị các cơ chế, chính sách cần thiết để Chính phủ trình Quốc hội trong tháng 2 này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được chỉ đạo sớm phê duyệt các cơ chế, chính sách phục vụ đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc.

Thuê tư vấn thẩm tra tuyến đường sắt đi qua 9 tỉnh, thành phố

Cuối tháng 1/2025 vừa qua, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn số 678/VPCP – CN gửi tới Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Trong đó, yêu cầu Chủ tịch Hội đồng thẩm định rà soát kỹ các quy định liên quan đến đấu thầu. Dựa trên tiến độ trình Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, Chủ tịch Hội đồng sẽ quyết định việc thuê tư vấn thẩm tra hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định trong những trường hợp đặc biệt.

Theo phương án đề xuất trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Bộ Giao thông vận tải, dự án tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng được đề xuất đầu tư với tổng chiều dài hơn 403km, đi qua 9 tỉnh, thành phố, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.

Ngày đầu năm dồn dập tín hiệu mới của tuyến đường sắt 8,4 tỷ USD nối thẳng sang Trung Quốc- Ảnh 2.

Sơ đồ hướng tuyến dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua 9 tỉnh, thành - Ảnh: SGGP

Điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa Ga Lào Cai mới và Ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), thuộc địa phận thành phố Lào Cai. Điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, thuộc địa phận thành phố Hải Phòng.

Tính toán sơ bộ, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 194.929 tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 8,4 tỷ USD).

Về cấp kỹ thuật, theo đề xuất dự án được đầu tư là đường sắt cấp 1, đường đôi khổ 1.435mm; Tốc độ thiết kế tuyến chính dưới 200km/h. Đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội, tốc độ thiết kế 120km/h. Các đoạn tuyến nối, tuyến nhánh, tốc độ thiết kế 80km/h. Tốc độ khai thác giai đoạn 1 đường đơn 160km/h tàu khách và 120km/h tàu hàng.

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được xây mới với mục tiêu kết nối với cảng biển quốc tế Hải Phòng, kết nối liên vận với Trung Quốc nhằm triển khai sáng kiến "Vành đai và Con đường". Bên cạnh đó còn là Kế hoạch hợp tác kết nối trong khuôn khổ "Hai hành lang, Một vành đai", đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng cao, nhanh chóng, thuận tiện và an toàn, giảm phát thải.

Trang Anh