Đó là trường hợp của bà T.T.L. (72 tuổi, quê Đồng Tháp). Trước đó, bà L. gặp phải một tai nạn sinh hoạt chấn thương khớp háng, gây hạn chế vận động. Người bệnh đã tìm đến một thầy lang và sử dụng phương pháp đắp lá thuốc đã điều chế sẵn.
Sau 20 ngày sử dụng, tình trạng của bà L. không thuyên giảm mà còn trở nên nghiêm trọng hơn, vùng bị đắp lá còn có dấu hiệu nhiễm trùng rõ rệt.
Mãi đến lúc này, bà L. mới vào Bệnh viện Nhân dân 115 điều trị. Tại khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, sau khi thăm khám và thực hiện các phương pháp cận lâm sàng, người bệnh được các bác sĩ chẩn đoán gãy cổ xương đùi bên phải, viêm mô tế bào ở nhiều vùng (2 cẳng tay, đùi phải và 2 bên háng).
Ngoài ra, người phụ nữ còn có các bệnh lý nền như tiểu đường type 2, tăng huyết áp và tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng.
Người bệnh được mời khám các chuyên khoa khác nhau như nội tiết và truyền nhiễm, để điều trị các vấn đề liên quan đến tiểu đường và nhiễm trùng.
Đồng thời, bệnh nhân được chỉ định điều trị kháng sinh và kháng viêm phù hợp để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm, sau khi ổn định sẽ tiến hành phẫu thuật để điều trị gãy cổ xương đùi bên phải.
Trải qua 8 ngày điều trị nội khoa, tình trạng người bệnh đã có chuyển biến tích cực, vùng đùi không còn bị sưng, tình trạng đau giảm đi nhiều và các dấu hiệu nhiễm trùng cũng được kiểm soát tốt.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần cân nhắc trong việc lựa chọn phương pháp điều trị. Việc tự ý sử dụng các bài thuốc dân gian, đặc biệt là phương pháp đắp lá thuốc, không chỉ có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng mà còn dẫn đến những hậu quả khó lường.
Tương tự trường hợp trên, chị D.T.L. (31 tuổi, ngụ tỉnh Long An) gặp phải tai nạn giao thông khiến sưng đau vùng gối trái, nhưng tự điều trị bằng thuốc giảm đau do nghĩ rằng chỉ là chấn thương nhẹ.
Tuy nhiên sau đó, tình trạng bệnh nhân ngày càng nghiêm trọng hơn, gây khó khăn trong vận động và sinh hoạt hàng ngày.
Tại bệnh viện ở TPHCM, bác sĩ tiến hành thăm khám và cho chỉ định chụp X-quang và MRI khớp gối cho chị L., ghi nhận hình ảnh dập xương dưới sụn mâm chày, lồi cầu ngoài đùi, tràn dịch khớp gối. Người bệnh được chẩn đoán gãy bong điểm bám dây chằng chéo trước.
Bệnh nhân được phẫu thuật kết hợp xương gãy bằng vít và long đền.
Sau phẫu thuật, người bệnh được chăm sóc với chế độ giảm đau mạnh, kháng viêm, dinh dưỡng hợp lý và tập vật lý trị liệu. 5 ngày sau phẫu thuật, người bệnh hồi phục tốt, vết thương lành nhanh chóng và được xuất viện về với gia đình.
Bác sĩ Nguyễn Bảo Trung, khoa Chấn thương chỉnh hình khuyến cáo, người dân khi bị chấn thương nên đến khám tại các bệnh viện có trang thiết bị y tế hiện đại và đội ngũ bác sĩ có chuyên môn để được thăm khám và điều trị kịp thời.
"Không nên chủ quan, cố chịu đựng cơn đau hoặc tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, xoa bóp, nắn khớp... sẽ rất nguy hiểm, gây khó khăn cho quá trình điều trị về sau", bác sĩ Trung chia sẻ.