Người trẻ đổ xô thẩm mỹ vì áp lực đẹp cả trên mạng lẫn ngoài đời

Người đi thẩm mỹ mang ảnh đã qua filter làm đẹp hoặc ứng dụng sửa ảnh, và yêu cầu bác sĩ biến họ thành phiên bản trên mạng của mình.

Quốc tế

Người trẻ đổ xô thẩm mỹ vì áp lực đẹp cả trên mạng lẫn ngoài đời

Khởi Vũ • 14/01/2025 - 16:17

Người đi thẩm mỹ mang ảnh đã qua filter làm đẹp hoặc ứng dụng sửa ảnh, và yêu cầu bác sĩ biến họ thành phiên bản trên mạng của mình.

Những năm gần đây, phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) không chỉ rẻ hơn, ít xâm lấn hơn mà còn phổ biến hơn tại rất nhiều ở các nước có thu nhập trung bình lẫn giàu có.

The Economist cho biết khoảng 1/5 người dân tại một số quốc gia như Brazil và Trung Quốc nói có kế hoạch mua phương pháp điều trị như tiêm chống nhăn trong 5 năm tới. Đặc biệt, người trẻ hết sức quan tâm đến PTTM.

Theo dự báo từ Grand View Research, quy mô của ngành công nghiệp thẩm mỹ y khoa, vốn đã trị giá 82 tỷ USD, sẽ tăng gần gấp đôi trong 5 năm nữa, lên 143 tỷ USD.

Khi các can thiệp thẩm mỹ trở nên phổ biến, việc tiêm, dùng tia laser hay phẫu thuật làm đẹp có thể sẽ trở nên tương tự như kiểm tra sức khỏe định kỳ vậy.

Marcelo Araújo - Bác sĩ thẩm mỹ ở Brazil

Tiffany Demers - nhà sáng lập của Upkeep - ứng dụng cho phép đặt lịch tiêm thẩm mỹ, nói người trẻ "không hiểu rằng can thiệp thẩm mỹ đã từng bị xem thường". Ngày nay, "nó giống như việc mua một cây son môi hoặc một sản phẩm trang điểm", bà nhận xét.

Nhu cầu đẹp từ trên mạng cho đến ngoài đời

Sự bùng nổ phương pháp PTTM được thúc đẩy một phần bởi Covid-19, khi nhiều người cảm thấy chán ngán gương mặt nhợt nhạt, đôi má chảy xệ và vầng trán nhăn nheo của mình qua màn hình máy tính sau hàng giờ gọi video.

Tại Mỹ, 80% bác sĩ thẩm mỹ (BSTM) khuôn mặt nói rằng có sự gia tăng số lượng bệnh nhân tìm kiếm các thủ thuật để cải thiện ngoại hình trong cuộc gọi video vào năm 2021.

Giờ, người đi thẩm mỹ thường mang ảnh đã qua filter làm đẹp trên Instagram hoặc ứng dụng sửa ảnh như Facetune, và yêu cầu BSTM biến họ thành phiên bản đã được nâng cấp trên mạng của mình.

pttm-1.jpg

Hiệp hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Quốc tế (ISAPS) nói số lượng thủ thuật thẩm mỹ thực hiện trên toàn cầu, gồm phương pháp điều trị không xâm lấn như tiêm filler, đã tăng từ 25 triệu năm 2019 lên 35 triệu năm 2023. Con số thực tế còn cao hơn nhiều, vì ISAPS chỉ khảo sát BSTM đã được cấp phép.

"Trong kỷ nguyên của phương tiện truyền thông xã hội, có một mức độ mà mọi người, kể cả tôi, bạn, bạn bè và hàng xóm của chúng ta, đều phải xuất hiện trước công chúng", Lara Devgan - BSTM ở New York, nhận xét khi nói về sự gia tăng nhu cầu PTTM.

"Bạn xây dựng một phiên bản tốt hơn nhiều của chính mình trên phương tiện truyền thông xã hội: bạn đăng ảnh tự sướng được chụp ở góc phù hợp, với lớp trang điểm hoàn hảo, có filter làm đẹp. Bạn muốn trở thành phiên bản của chính mình trong các ứng dụng", Chang Chia-jung - influencer ở Đài Loan (Trung Quốc), cho biết.

So-Young, một thị trường trực tuyến Trung Quốc về PTTM, thậm chí cung cấp ứng dụng cho phép người dùng tải ảnh của chính họ lên và đưa ra gợi ý về những phương pháp mà họ có thể sử dụng để có khuôn mặt cân đối hơn. Sau đó, ứng dụng sẽ hiển thị cho người dùng các BSTM được cấp phép trong khu vực của họ.

Bùng nổ thị trường thẩm mỹ

Dù có một phần động lực từ "sự bùng nổ của làm việc trực tuyến", PTTM trở nên phổ biến hơn nhờ chi phí giảm và sự phổ biến của công nghệ. Giá thấp một phần đến từ các mô hình kinh doanh mới.

Trước đây, các phương pháp điều trị không xâm lấn được thực hiện bởi BSTM hoặc bác sĩ da liễu tại các phòng khám. Nhưng, với việc các nhóm tư nhân cùng nhà đầu tư mạo hiểm đổ xô vào ngành này, nhiều spa, chuỗi thẩm mỹ và một lượng lớn đội ngũ y tá tiêm thuốc đã xuất hiện để đáp ứng nhu cầu.

Ở Mỹ, khoản đầu tư tư nhân vào thẩm mỹ y khoa tăng 30%/năm giai đoạn 2019-2021. Chuỗi spa y khoa do nhà đầu tư hậu thuẫn cũng xuất hiện ở Brazil và Trung Quốc. Sonya Esman - một influencer, nói những chuỗi này thường hợp tác với influencer trên mạng xã hội và cung cấp cho họ liệu trình miễn phí để đổi lấy một bài đăng có gắn tên phòng khám.

Một phần nhờ vào sự đổi mới này, Hiệp hội PTTM Hoa Kỳ (ASPS) ước tính giá trung bình cho các mũi tiêm axit hyaluronic đã giảm 79 USD năm 2023 (xuống còn 715 USD) và Botox giảm 93 USD (xuống còn 435 USD), trong khi doanh số tăng nhanh chóng.

pttm.jpgPTTM trở nên phổ biến hơn nhờ chi phí giảm và sự phổ biến của công nghệ

Việc sở thích của người tiêu dùng thay đổi nhanh cũng thúc đẩy sự đổi mới trên thị trường làm đẹp. Ví dụ, nhiều loại thuốc tiêm mới đang đe dọa vị thế của Botox. Revance - công ty sản xuất Daxxify, một loại thuốc tiêm chống nhăn, tuyên bố hiệu quả của nó kéo dài gần gấp đôi Botox. Từ khi được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ chấp thuận cuối năm 2022, doanh số Daxxify đã tăng vọt.

Bên cạnh đó, filler từ axit hyaluronic đang mất dần thị phần vào tay các sản phẩm khác và phương pháp điều trị mới như sử dụng mô, tế bào và tiểu cầu máu từ chính cơ thể người đi thẩm mỹ. Các thiết bị dùng tần số và siêu âm để nhắm vào khuyết điểm về mỡ và da cũng đang tăng. Tất cả điều này là tín hiệu tốt cho ngành PTTM.

Hơn nữa, ngành này phần lớn không bị ảnh hưởng bởi suy thoái. Ví dụ, trong khủng hoảng 2007-09, doanh số thuốc tiêm chỉ giảm 2% toàn cầu và giá cổ phiếu của các công ty trong ngành giảm trung bình chưa đến 20%, dù S&P 500 giảm một nửa.

Argentina và Iran đã chứng kiến ​​sự gia tăng các thủ thuật làm đẹp bất chấp điều kiện kinh tế tồi tệ ở cả hai. Tại Mỹ, chỉ 7% người dùng thuốc tiêm cho biết sẽ ngừng điều trị trong thời kỳ suy thoái mà hầu hết chỉ chuyển sang nhà cung cấp rẻ hơn.

Ngoài ra, nhóm khách hàng thẩm mỹ tiềm năng cũng đang mở rộng. Năm 2021, McKinsey đã khảo sát 10.000 người tiêu dùng tại các thị trường thẩm mỹ chủ chốt trên thế giới và phát hiện 15-20% người được hỏi có ý định sử dụng thuốc tiêm chống nhăn hoặc filler trong 5 năm tới, gấp đôi tỷ lệ người dùng tại thời điểm khảo sát.

Nhóm này chủ yếu gồm người trong độ tuổi 20-50, kiếm được 50.000-100.000 USD/năm. McKinsey ước tính khoảng ⅓ trong số họ thực sự sẽ sử dụng, chủ yếu ở các nước có đủ sự cạnh tranh để kìm hãm giá cả.

Đồng thời, ngày càng có nhiều người đi du lịch nước ngoài để thẩm mỹ. Lượng người đến Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện các thủ thuật y tế, chủ yếu là PTTM, đã tăng vọt, từ 300.000 người năm 2013 lên hơn 1,5 triệu vào năm ngoái.

Hiện, nước này đã trở nên rất nổi tiếng với dịch vụ cấy tóc, gồm việc ghép tóc từ sau đầu lên đỉnh đầu hoặc phía trước, đến nỗi hãng hàng không quốc gia tại đây đôi khi còn được gọi vui là Turkish Hairlines, thay vì Airlines.

Giá cả là điểm thu hút chính. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, chi phí cấy tóc trung bình là 2.500 USD, so với 4.000 đến 12.000 USD ở Anh. Tại Brazil, một ca phẫu thuật mũi tốn khoảng 2.000 USD, so với 7.600 USD ở Mỹ. Các thủ thuật rẻ hơn với thời gian hồi phục ít hơn đang giúp các phương pháp điều trị thẩm mỹ dễ tiếp cận với nhiều đối tượng hơn.

Plástica para Todos - một chuỗi phòng khám PTTM Brazil thành lập năm 2017, nhắm đến người lao động có thu nhập thấp, cho phép trả góp theo 100 đợt. Công ty cũng quảng cáo trên Instagram, khoe rằng PTTM giờ rẻ hơn cả mua iPhone. Ở Argentina, một trong những nhà cung cấp bảo hiểm y tế lớn nhất cung cấp một gói bao gồm một ca PTTM mỗi năm.

Đặc biệt, thế hệ Millennials đã chấp nhận các phương pháp mới và rẻ hơn. Khoảng ⅔ trong số 20 triệu người đã đặt lịch điều trị vào năm 2018 trên So-Young đều sinh sau năm 1990. Tương tự, 27% bệnh nhân Mỹ tiêm Botox năm 2022 ở độ tuổi 34 trở xuống, so với 20% năm 2015.

Tại Hàn Quốc, theo một cuộc thăm dò của Gallup, 25% phụ nữ ở tuổi 20 đã PTTM vào năm 2020, so với 5% năm 1994. Điều này khiến Hàn Quốc trở thành nước giữ kỷ lục về số ca PTTM trên đầu người. Ngay cả nam giới cũng đi làm đẹp: họ chỉ chiếm 10% thị trường toàn cầu về thuốc tiêm chống nhăn vào năm 2018, nhưng con số này đã lên 15% năm 2021.

pttm-3.jpgThổ Nhĩ Kỳ thời gian qua đã trở nên rất nổi tiếng nhờ dịch vụ cấy tóc với chi phí rẻ hơn gần một nửa so với nước Anh.

Rủi ro làm đẹp trở thành làm ... xấu

Đi kèm với sự bùng nổ của ngành thẩm mỹ là số lượng các bác sĩ "dỏm" mà nó đang thu hút. Tại Iran - nơi phẫu thuật mũi là chuyện bình thường, chỉ 400 BSTM được cấp phép nhưng có khoảng 2.000 người đang thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ.

Tại Trung Quốc - nơi ngành công nghiệp này tăng gấp đôi quy mô từ năm 2021 đến 2025 và dự kiến tiếp tục gấp đôi vào năm 2030, giới phân tích ước tính rằng có nhiều phòng khám "chui" hơn gấp 6 lần so với các nơi có giấy phép.

Trong khi đó, một nghiên cứu gần đây của Đại học College London cho thấy hơn ⅔ số người thực hiện tiêm chất chống nhăn hoặc filler ở Anh không phải bác sĩ y khoa.

Những người không được đào tạo chính quy đang trục lợi từ cơ thể con người.

Juvenal Frizzo - Bác sĩ thẩm mỹ ở São Paulo

Frizzo và các BSTM khác cho biết ngày càng có nhiều người tìm kiếm họ giúp đỡ do bị tiêm filler hỏng. Biến chứng từ những ca làm đẹp bởi BSTM "dỏm" và phương pháp sai có thể gồm biến dạng khuôn mặt, khiến bệnh nhân trông như cá nóc, cho đến tổn hại cơ thể.

Trong các trường hợp nghiêm trọng, filler có thể di chuyển vào mắt hoặc tĩnh mạch, dẫn đến mù lòa, nhiễm trùng huyết hoặc hoại tử da. Các ca PTTM thậm chí còn rủi ro hơn. Từ năm 2019, ít nhất 29 bệnh nhân Anh đã tử vong ở Thổ Nhĩ Kỳ trong các ca PTTM hỏng.

Trong số các nước giàu, có lẽ Anh nổi bật nhất vì quy định lỏng lẻo. Trong khi ở Mỹ chỉ bác sĩ, nha sĩ hoặc y tá mới được tiêm, thì ở Anh không có luật nào quy định trình độ cụ thể. Nhiều người chỉ học các khóa ngắn hạn trực tiếp hoặc trực tuyến trước khi bắt đầu điều trị cho khách, thường là tại các cơ sở không được cấp phép hoặc không được trang bị cho các thủ thuật y tế.

Vào tháng 9, một phụ nữ Anh đã tử vong sau khi nâng mông không phẫu thuật (trong đó nhiều filler được tiêm vào mông) tại nhà của một chuyên gia thẩm mỹ.

Không chỉ thúc đẩy nhu cầu làm đẹp, phương tiện truyền thông xã hội còn cung cấp cho BSTM một kênh để quảng cáo chuyên môn của họ. Một số thậm chí trở thành người nổi tiếng theo đúng nghĩa, với hàng triệu người theo dõi trên TikTok và Instagram, nơi họ đăng ảnh chụp trước và sau của bệnh nhân để thu hút khách hàng mới. Một số thậm chí còn phát trực tiếp các ca phẫu thuật.

"Khi tôi bắt đầu hành nghề, các BSTM hầu như không thể quảng cáo", Gregory Mueller - một bác sĩ ở Los Angeles và đã hoạt động từ năm 1998, cho biết. Theo Mueller, các hiệp hội trong ngành sẽ ngăn thành viên của mình quảng cáo trên báo, tạp chí hoặc xuất hiện trên truyền hình, vì sợ làm suy yếu uy tín nghề nghiệp của họ.