Người trẻ mong chờ 'cái Tết ổn' sau một năm 'bất ổn'

“Dạo này ổn không?” tưởng như một câu hỏi đơn giản nhưng lại khiến nhiều người suy ngẫm. Sau một năm nhiều biến cố, không phải ai cũng định nghĩa được sự “ổn” của chính mình.

Cai Tet on anh 1

“Ba ơi, tối nay mẹ nấu canh cua. Ba về ăn với con nha. Mẹ buồn hiu à. Ba về mẹ sẽ ổn liền á ba”. Lời nhắn gửi từ “hậu phương nhí” Lan Anh cho người cha tài xế qua chương trình Bạn Hữu Đường Xa phát sóng chiều 25/12 khiến cư dân mạng không khỏi xúc động.

Với một người chồng, người cha, những ngày cuối năm thường đến cùng suy nghĩ cố thêm một chút để mang về “cái Tết ổn”, dẫu biết sẽ phải hy sinh thời gian bên gia đình. Song, hình dung về một năm mới “ổn” ở khía cạnh vật chất của người chồng, người cha có thực sự là điều vợ con họ mong muốn?

Lời nhắn gửi của Lan Anh đủ sức lay động cộng đồng mạng bởi nó là câu chuyện không của riêng ai. Trước guồng quay của “bánh xe” cuộc đời, nhiều người chọn giấu nhẹm những bất ổn để tiếp tục chặng đường mưu sinh. Trải qua năm 2023 với nhiều mất mát và khó khăn, nhiều người trẻ cũng đang loay hoay định nghĩa sự “ổn” trước thềm năm mới.

“Có phải tôi đã thất bại?”

Dập cầu dao điện, bước khỏi quán cà phê và kéo cửa cuốn xuống, Minh Hiếu (26 tuổi, Hà Nội) buông một tiếng thở dài, nhìn đồng hồ rồi nhận ra đã gần nửa đêm. Những ngày cận Giáng sinh, không ngày nào Hiếu không phải tăng ca vì lượng khách tới quán đông.

Cai Tet on anh 2

Hiếu trở thành phục vụ quán cà phê sau khi bị cho thôi việc tại công ty cũ.

3 tháng trước, Gen Z này còn đang ổn định với công việc văn phòng và lên sẵn kế hoạch chi tiêu dịp Tết sau khi nhận khoản thưởng cuối năm. Bất ngờ, công ty ra thông báo cắt giảm nhân sự vì tình hình kinh tế khó khăn, mọi dự định của Hiếu đổ sông đổ bể. Rải hồ sơ nhưng không tìm được công việc mới, bạn chấp nhận làm phục vụ tại một quán cà phê với hy vọng “kiếm đồng nào hay đồng ấy”.

“Làn sóng sa thải không chừa một ai. Nhận tin như sét đánh ngang tai, tôi vừa thu dọn đồ đạc, vừa mông lung về tương lai. Khoản tiết kiệm ít ỏi chưa chắc đã đủ để tôi ‘sinh tồn’ ở chốn đô thị đắt đỏ này, nói gì đến việc lo cho gia đình một cái Tết ấm no. Xa nhà một năm để rồi dịp đoàn viên cũng không thể mang gì về cho bố mẹ, có phải tôi đã thất bại?”, Hiếu chia sẻ.

Giấu gia đình chuyện rời công ty cũ, luôn miệng nói “không vấn đề” mỗi cuối ngày để bố mẹ bớt âu lo, Hiếu vẫn tiếp tục công việc thời vụ với một cái nhìn đầy bất ổn về Tết, trước khi anh vô tình gặp hàng dài người vô gia cư trên con phố đêm.

Hiếu bộc bạch: “Khoảnh khắc ấy khiến tôi nhận ra bản thân may mắn hơn nhiều người. Có lẽ tôi không thành công như kỳ vọng, nhưng vẫn có thể mang được chút quà bánh về nhà. Quan trọng hơn, cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Tôi tin mình sẽ tìm được công việc ổn khi thị trường sôi động trở lại vào năm mới. Việc của tôi lúc này là hài lòng với những gì mình đang có, gỡ bỏ áp lực tâm lý và hướng đến cái Tết ‘ổn’ bên gia đình”.

“Làm sao tôi vượt qua nỗi đau mất cha?”

“Giữa cha và con trai có những điều khó nói thành lời. Vì thế, ngày cha mất, tôi ước mình có thể khóc cho thỏa nỗi đau, nhưng không được. Một người bạn của tôi từng nói ‘Mất người thân không đáng sợ bởi nó dìm chúng ta xuống tận cùng của nỗi đau, mà đáng sợ bởi nỗi đau luôn ở đó, âm ỉ, dai dẳng và hiện lên vào những lúc chúng ta chẳng thể ngờ tới’. Tôi thấy đúng. Hơn nửa năm trôi qua, thỉnh thoảng tôi vẫn tự hỏi: ‘Làm sao tôi có thể vượt qua nỗi đau mất cha”, Ngọc Duy (27 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.

2023 là năm đáng nhớ với Duy theo cách Gen Z này không hề muốn nhớ tới. Dù đã chuẩn bị cho sự ra đi của bố vì bạo bệnh, có nhiều thời điểm Duy vẫn không tin mọi thứ là thật. Khoác lên mình vẻ ngoài “ổn” từ cử chỉ tới lời nói, Duy sợ bị mọi người thương hại, hay đơn giản chỉ muốn giữ nguồn năng lượng tiêu cực đó cho riêng mình. Sâu bên trong, Duy biết mình không “ổn”.

Cai Tet on anh 5

Mất người thân khiến Ngọc Duy mông lung về tương lai.

Duy nói thêm: “Có những đêm tôi lật giở ký ức bằng cách đọc lại vài dòng tin nhắn ít ỏi của 2 cha con, hay xem và lưu các tấm ảnh cũ của ông vì sợ một ngày chúng đột nhiên biến mất. Lúc đó tôi mới thấm thía cảm giác mất người thân. Hơn nửa năm qua, tôi loay hoay tìm cách trở thành trụ cột mới của gia đình, cố gắng vượt qua mất mát để chăm sóc mẹ và em gái. Không còn người chỉ dạy, giờ đây, tôi phải tự mò đường để đi”.

“Luôn có một con đường để tốt lành trở lại” - câu nói trong Người đua diều được Duy khắc ghi như một liều thuốc tinh thần để tạo động lực cho chính mình. Đây là năm đầu tiên gia đình Duy ăn Tết vắng thành viên. Thế nhưng, có lẽ Tết vẫn sẽ “ổn” khi bạn cùng mẹ và em gái “tựa vào nhau”.

“Chừng nào còn khỏe là tôi còn ổn”

Cầm trên tay cuốn sổ bệnh án sau khi nghe bác sĩ phổ biến về phác đồ điều trị, Thành Đạt (28 tuổi, TP.HCM) cảm thấy mọi thứ xung quanh như ngừng lại. Phát hiện viêm gan ở tuổi 28, Đạt ước có thể leo lên cỗ máy thời gian để ngăn chính mình khỏi những cuộc nhậu nhẹt xuyên ngày đêm thời sinh viên.

Làm nhân viên kỹ thuật phần mềm cho một công ty nước ngoài, Đạt phải đánh đổi bữa ăn, giấc ngủ để có được mức lương gần 1.500 USD mỗi tháng. Đến khi được chẩn đoán mắc viêm gan và có thể dẫn đến ung thư, Đạt mới nhận ra bao nhiêu tiền cũng không đủ mua sức khỏe.

“Mức lương đáng mơ ước với nhiều người là động lực để tôi lao đi kiếm tiền bất chấp sức khỏe. Đến khi thấy bản thân sụt cân và mệt mỏi kéo dài, tôi mới chịu đi khám để rồi nhận kết quả chẳng mấy khả quan. Khi bác sĩ nhắc đến 2 từ ‘ung thư’, dù là khả năng, tôi vẫn cảm thấy bầu trời khi đó như đổ sập xuống. Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, cuộc đời tôi sẽ đi về đâu, những dự định tương lai liệu có dang dở, ai sẽ chăm sóc cho gia đình?”, Đạt chia sẻ.

Đạt giấu bố mẹ kết quả xét nghiệm và quyết định tự điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Anh cảm thấy may mắn khi bản thân vẫn phát hiện kịp thời nên tình trạng bệnh tiên lượng tương đối khả quan. Sau một năm chạy theo cuộc sống xô bồ, đến khi nhận tin dữ, Đạt mới thực sự nhận ra khoảnh khắc ở bên gia đình quý giá.

“Tết năm nay, tôi sẽ thu xếp công việc để về quê sớm hẳn nửa tháng. Những lúc thế này mới biết tiền tài, danh vọng cuối cùng cũng chẳng thể so với tình cảm gia đình. Với tôi bây giờ, chừng nào còn khỏe là tôi còn ổn. Có sức khỏe mới có thể chăm lo cho những người thân yêu. Có sức khỏe mới có tất cả”, Đạt trải lòng.

Cai Tet on anh 8

Người trẻ hy vọng vào một cái Tết “ổn” hơn trong năm mới.

Nhiều người có thói quen tổng kết những gì đã đạt được trong năm cũ để lấy đó làm động lực cho năm mới. Song, với những người trẻ đã trải qua một năm bất ổn, sự vẹn tròn dường như là điều xa xỉ. Dù vậy khi nhìn vào mặt tích cực, những khó khăn hay biến cố đã qua vô hình trung trở thành cơ hội để mỗi người nhận ra điều đáng quý nhất đôi khi đến từ thứ giản dị nhất.

Đó là học cách hài lòng với những gì mình đang có, nhận ra giá trị cốt lõi của gia đình để hướng về người thân nhiều hơn, hay đơn giản là biết chiều chuộng và yêu thương bản thân một cách lành mạnh. Tất cả đều có thể trở thành động lực để mỗi người hy vọng vào một cái Tết “ổn” hơn trong năm mới.