Levi, tuyển thủ Liên Minh Huyền Thoại từng giành HCV SEA Games. Ảnh: Lol eSports. |
Không phải tới gần đây thể thao điện tử mới nhận được sự quan tâm, khi Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ người chơi game cao nhất thế giới. Tuy nhiên, 3 năm trở lại, eSports được công nhận trên toàn cầu, xuất hiện nhiều hình mẫu thành công.
Sự quan tâm đến bộ môn này không dừng lại ở người chơi game. Tuyển thủ chuyên nghiệp trở thành thần tượng mới trong giới trẻ. Việt Nam đứng trước cơ hội để phát triển eSports khi chúng ta có nhiều điểm mạnh, đã có những trường hợp thành công vươn đến cấp độ toàn cầu.
Cơ hội của eSports Việt
Trong khuôn khổ tọa đàm về thể thao điện tử tại sự kiện Techday 2024 do tập đoàn FPT tổ chức, ông Nguyễn Trần Sơn, Đại diện nhà phát hành VNG, cho rằng eSports là bộ môn mà Việt Nam có cơ hội cạnh tranh trên đấu trường quốc tế. “Chúng ta không có ưu thế thể hình trong những môn thể thao truyền thống. Tuy nhiên, tới với trò chơi yêu cầu trí tuệ, tốc độ xử lý như eSports, Việt Nam chưa bao giờ thua kém”, ông Sơn nói.
Thực tế, Việt Nam thường xuyên có đại diện đạt thành tích cao ở các tựa game toàn cầu. GAM Esports đã trở nên quen mặt tại chung kết thế giới Liên Minh Huyền Thoại. Sofm, tuyển thủ đi rừng người Việt, từng đạt danh hiệu Á quân tại Worlds 2020. Cerberus Esports mới đây đã vô địch giải đấu PGS, cấp độ cao nhất của PUBG Global.
Ông Hoàng Việt Anh, Chủ tịch FPT Telecom, Phó chủ tịch Viresa. Ảnh: BTC. |
Tại Asiad 2023, các tuyển thủ eSports trong nước cũng thuộc nhóm cạnh tranh huy chương với một số bộ môn. Nước ta cũng dẫn đầu Đông Nam Á tại nhiều game.
“Các tuyển thủ eSports hàng đầu như là Messi, Ronaldo của thời đại mới. Ở Hàn Quốc có Faker, Việt Nam là Levi”, ông TK Nguyễn, Chủ quản đội GAM Esports chia sẻ quan điểm.
Ông Hoàng Việt Anh, Chủ tịch Công Ty Cổ Phần Viễn Thông FPT, cho biết theo nghiên cứu nội bộ, Việt Nam có khoảng 10 triệu người dùng xem game thường xuyên. Đại diện nhà mạng đang triển khai các gói cước, đường truyền đặc thù để phục vụ nhóm khách hàng này.
Thực tế, Internet là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn ngành eSports. Hàn Quốc được mệnh danh “cường quốc eSports” vô địch thế giới ở hàng loạt bộ môn, là đất nước có tốc độ mạng nhanh nhất thế giới. Hai công ty cung cấp dịch vụ Internet hàng đầu nước này, KT và SKT, cũng là những tổ chức eSports giàu truyền thống.
Loạt thách thức
Tại tọa đàm ở Techday 2024, ông Đỗ Việt Hùng, Chủ tịch Hội Thể thao Điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA), cho biết nhân lực phục vụ mảng này vẫn đang được “vay mượn” từ những lĩnh vực khác.
Ông Vũ Chí Thành , Hiệu trưởng trường FPT Polytechnic, cho rằng vẫn còn một “khoảng trống mênh mông” trong ngành, khi chưa có các chương trình đào tạo chuyên sâu cho eSports. Do vậy, đơn vị này đã học hỏi các quốc gia phát triển để mở chuyên ngành Công nghệ eSports trong năm sau. Ông Thành cũng tham vọng mời Faker, tuyển thủ eSports nổi tiếng nhất thế giới đến Việt Nam.
Ở Hàn Quốc, Faker được xem là "quốc bảo", xếp ngang hàng với Son Heung-min, BTS. Ảnh: Lol Esports. |
Mặt khác, phát triển eSports vẫn phải dựa trên nền là các tựa game. Thực tế, những trò chơi phổ biến toàn cầu chưa chắc đã được người dùng Việt Nam đón nhận. Khó khăn ở đây nằm về phía doanh nghiệp phát hành, khi không thể mạo hiểm đầu tư cho các dự án lớn mà không chắc cơ hội thành công.
“Hiện vẫn có độ lệch giữa các bộ môn mạnh trong nước với thị trường quốc tế. Việc này đòi hỏi sự phân hóa trong việc đầu tư cho từng trò chơi với sự phối hợp đồng bộ của nhiều bộ phận”, ông Đỗ Việt Hùng nhận định.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.