Nhà báo Singapore nói khu mua sắm ở TP.HCM hấp dẫn nhất Đông Nam Á

Nhà báo của Straits Times (Singapore) nhận xét TP.HCM là điểm mua sắm hấp dẫn nhất Đông Nam Á và đề xuất 3 khu thời trang "tuyệt vời" để mua quần áo trong chuyến du lịch.

Amanda Chai là phóng viên mảng tiêu dùng, thời trang của tờ Straits Times - một trong những tờ báo lâu đời và có ảnh hưởng nhất Singapore. Sau chuyến đi 4 ngày 3 đêm ở TP.HCM, Chai khẳng định TP.HCM là điểm mua sắm hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Phóng viên đề xuất 3 khu mua sắm trong dịp du lịch cuối tuần ở Việt Nam.

Trong chuyến đi 4 ngày 3 đêm ở TP.HCM, tôi nhận ra mình chưa chuẩn bị đủ tiền để mua sắm. Thật ngu ngốc khi chỉ dành ra 300 USD để mua quần áo. Tôi không ngờ một ngày cuối tuần ở Việt Nam lại hấp dẫn đến thế.

Mua sắm ở TP.HCM không dành cho những người có sức khỏe yếu. Để tìm ra những “viên ngọc quý”, du khách phải chấp nhận đi trên những con đường thời trang không có điều hòa. Những con phố thời trang đa số nằm ở quận 1 của thành phố.

Nhiều cửa hàng, thậm chí còn lãng mạn và quyến rũ hơn, khi thuê căn hộ trên chung cư cũ để bán quần áo. Du khách phải cẩn thận để tránh bị vẻ ngoài cũ kỹ đó đánh lừa. Những tòa nhà này ẩn giấu “nhiều viên ngọc thật sự của ngành thời trang”. Đây là nơi các nhà thiết kế địa phương trưng bày quần áo, đồ second-hand và thời trang phong cách vintage.

TP.HCM là điểm mua sắm hấp dẫn dù nhiều người chỉ nhớ đến nó như trung tâm tài chính của khu vực. Năm trước, các du khách gen Z quốc tế liên tục đăng video TikTok và Instagram về những cung đường thời trang của thành phố. Họ nói về những nhà thiết kế địa phương và những phụ kiện chất lượng cao được bán với giá cả phải chăng. Dưới đây là 3 địa điểm tuyệt vời tôi đã mua sắm.

Chung cư 26 Lý Tự Trọng, quận 1

Tọa lạc tại ngã tư Lý Tự Trọng - Đồng Khởi, căn chung cư này được xây từ những năm 1920. Tòa nhà là nơi buôn bán của nhiều thương hiệu thời trang địa phương và một số quán cà phê độc đáo.

Du khách sẽ bối rối khi nhìn thấy những người bán tranh dưới chân chung cư. Khi bước lên cầu thang, họ sẽ tiếp tục ấn tượng với các nhà mốt chuyên bán quần áo phong cách vintage và các cửa hàng thời trang nam. Một số cửa hàng không có máy lạnh nhưng cũng không ảnh hưởng đến trải nghiệm mua sắm tuyệt vời của du khách. Tôi đã mua một chiếc váy, áo khoác, quần và túi xách cũ với giá trung bình 8 USD/món.

Điều tuyệt vời nhất ở chung cư là những quán cà phê ngoài trời. Còn gì bằng khi nhâm nhi cà phê và ngắm toàn cảnh đường phố quận 1.

Tầng hầm của chung cư cũng là khu thời trang nhỏ làm du khách nhớ đến Trung tâm thương mại Platinum ở Bangkok. Tôi phải nói rằng quần áo ở đây được tuyển chọn kỹ lưỡng hơn các trung tâm thương mại ở Thái Lan.

Đường Nguyễn Trãi, quận 1

Du khách có thể tốn cả ngày nếu muốn ghé thăm hết cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi (quận 1). Con đường này chỉ cách phố đi bộ Bùi Viện một quãng ngắn và đầy ắp những cửa hàng thời trang cho nam lẫn nữ. Giá trung bình cho một món đồ ở Nguyễn Trãi chỉ 12-20 USD.

Nếu ngân sách cho phép, du khách có thể dạo quanh một số cửa hàng thời trang cao cấp trên cung đường này. Một số được bày trí theo chủ nghĩa tối giản với thiết kế sánh ngang với các thương hiệu xa xỉ quốc tế. Những chiếc áo và váy cao cấp ở đây có giá 100-200 USD.

Và nếu đến đường Nguyễn Trãi vào sáng sớm, đừng quên thưởng thức một ly cà phê trứng béo ngậy tại quán nước cách đó vài phút đi bộ. Đây là một trong những thức uống nổi bật của TP.HCM.

Chung cư 42 Tôn Thất Thiệp, quận 1

Được cải tạo để tối ưu cho việc kinh doanh của các cửa hàng thời trang, chung cư Tôn Thất Thiệp nằm kín đáo trong một khu phố rợp bóng cây. Quần áo được bán ở chung cư này đa dạng từ xu hướng Y2K đến phong cách coquettecore mơ mộng, đoan trang của Pháp.

Có thương hiệu thiết kế dành riêng cho những cô nàng thích màu hồng, ruy băng và bèo nhún trong khi thương hiệu khác thiên về sự táo bạo với áo vest ngắn và corset sắc sảo.

Hãy nghĩ đến những chiếc áo phông in họa tiết, quần nỉ và túi xách ngoại cỡ khi ghé thăm chung cư nằm trên đường Tôn Thất Thiệp.

Mặc dù từng xem Bangkok là điểm mua sắm không-thể-thiếu trong chuyến du lịch, tôi nhận ra giá và chất lượng quần áo ở TP.HCM tốt hơn hẳn.

Không chỉ mua sắm, chúng tôi còn ăn uống và vui chơi thỏa thích với bánh mì, bún chả, cà phê Việt Nam với giá chỉ 4 USD. Bữa ăn đắt nhất của chúng tôi có giá 40 USD, đó là một bữa tối tại nhà hàng sang trọng bên bờ sông Sài Gòn. Đến cuối ngày, tôi đã chi gấp đôi số tiền dự tính. Tôi dám nói TP.HCM trong tương lai sẽ không thua gì Bangkok.

Tái thương mại trong ngành thời trang

Cuốn Thế giới không rác thải của Ron Gonen mời gọi độc giả tham gia vào bảo vệ môi trường, vì một tương lai bền vững và thịnh vượng, đề cao giá trị lâu dài. Ở đó, tác giả chỉ ra rằng thuật ngữ tái chế hóa học đang chỉ một quy trình mới rất thú vị có thể phá vỡ sợi vải trở về các thành phần hóa học cơ bản, từ đó trở thành một nguồn tuần hoàn để tạo ra các sợi vải mới.