Những 'chiến thần' livestream phản bội niềm tin của khách

Nhiều người trở thành "ông hoàng", "bà chúa" livestream bán hàng nhờ xây dựng lòng tin với công chúng, nhưng cuối cùng lại phản bội khách hàng khi bán hàng kém chất lượng.

KOL ban hang gia anh 1

Ngày 22/12, nhiều trang thông tin lớn của Trung Quốc đồng loạt đưa tin về vụ anh em Đại Dương - Tiểu Dương, cặp song sinh nổi tiếng hàng đầu trên mạng xã hội nước này, bị tố bán hàng không đảm bảo chất lượng.

Cụ thể, món bò cuộn thương hiệu từ Hồ Bắc mà hai anh em bán trên livestream bị khách đòi trả lại vì chất lượng không đúng như quảng cáo. Túi thịt bò cuộn giá 89,9 nhân dân tệ (khoảng 300.000 đồng) được quảng cáo là làm hoàn toàn từ thịt bò, nhưng hương vị giống như thịt tổng hợp, Red Star News đưa tin.

Một số blogger tính toán rằng túi thịt tổng hợp mà anh em nhà họ Dương bán có giá vốn chỉ khoảng 10 nhân dân tệ, giá trị khác xa với thịt bò nguyên bản.

Hiện tại, toàn bộ sản phẩm thịt bò này đã được đưa ra khỏi giỏ hàng. Phía công ty đại diện của anh em họ Dương cho biết việc xóa sản phẩm là để tránh tổn thất cho công ty, do có quá nhiều khách đòi trả hàng và hoàn tiền. Trong khi đó, nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm này chưa được làm rõ.

Vụ việc của cặp sao mạng khiến nhiều khách hàng cảm thấy bị phản bội, một lần nữa làm dấy lên tranh cãi về sự gian dối của các KOL, KOC, ngôi sao bán hàng qua mạng.

Thực tế, có nhiều người dựa vào độ nổi tiếng để chuyển sang bán hàng, nhưng lại nhận tiền để quảng cáo bất chấp, thậm chí khen sản phẩm mà không trải nghiệm hay kiểm tra chất lượng.

Gian dối khách hàng

Theo Reuters, ngành công nghiệp livestream trị giá 480 tỷ USD của Trung Quốc được ví như miếng bánh thơm mà ai cũng muốn tranh phần.

Doanh số từ hoạt động livestream bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử lớn ở nước này trong 6 tháng đầu năm nay lên tới 1.270 tỷ nhân dân tệ (khoảng 176,9 tỷ USD), theo số liệu công bố vào ngày 29/9.

Đại Dương - Tiểu Dương là một trong những KOC đình đám nhất ở Trung Quốc, khi sở hữu tài khoản cá nhân đầu tiên đạt 100 triệu follow trên Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc.

KOL ban hang gia anh 2

Anh em Đại Dương - Tiểu Dương là những ngôi sao livestream bán hàng nổi nhất tại Trung Quốc.

Sức ảnh hưởng lớn đã giúp hai anh em kiếm bộn tiền thông qua quảng cáo và livestream bán hàng. Anh em họ Dương khiến dân mạng sửng sốt khi tiết lộ số tiền nộp thuế vào năm ngoái là 200 triệu nhân dân tệ (gần 700 tỷ đồng).

Ban đầu, khi mới livestream bán hàng, hai người khiến người xem tin tưởng bởi đưa ra các đánh giá trung thực về sản phẩm, thậm chí chê luôn mặt hàng mình bán trên sóng trực tiếp, thực hiện bất cứ thử thách nào khán giả đưa ra để test món hàng.

Theo thống kê của ngành, trong 6 tháng đầu năm 2022, anh em họ Dương đã tổ chức 76 phiên live bán hàng, mang về doanh thu 336 triệu nhân dân tệ (47 triệu USD).

Thế nhưng, khi mức độ nổi tiếng và doanh số ngày càng tăng, chất lượng sản phẩm mà hai ngôi sao bán hàng này đưa ra lại khiến người ta phải đặt câu hỏi. Đây cũng không phải lần đầu tiên hai anh em bị bóc phốt bán hàng kém chất lượng.

Theo Sohu, có nhiều vấn đề trong việc lựa chọn sản phẩm trong phiên bán hàng trực tiếp của anh em Đại Dương. Có một số nhà cung cấp hàng hóa cho công ty này đã bị Cục Giám sát thị trường yêu cầu chấn chỉnh.

Tháng 11/2022, Wang Hai, một nhà chống hàng giả nổi tiếng, đã tố máy khoan tường và máy xay thịt được bán trong phiên live của Đại Dương là hàng giả. Sản phẩm đó cuối cùng bị xóa khỏi giỏ hàng.

Tháng 2 năm nay, sản phẩm có tên "Kem đặc biệt dưỡng ẩm và làm dịu da Youshang dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ" mà Tiểu Dương bán trên livestream bị Cục Giám sát thành phố Khu công nghệ cao Hàng Châu coi là "quảng cáo có nội dung sai sự thật". Công ty sở hữu sản phẩm cũng bị xử phạt hành chính.

Trên một trang web chuyên ghi nhận khiếu nại của khách hàng, những lời phàn nàn về sản phẩm của anh em Đại Dương cũng ngày càng nhiều. Những vụ lùm xùm khiến uy tín và doanh thu của cặp đôi đi xuống.

Danh tiếng trở thành tai tiếng

Ngày càng nhiều người trẻ ở Trung Quốc muốn xây dựng thương hiệu cá nhân để có thể chuyển sang bán hàng và kiếm số tiền khủng. Khảo sát trên hơn 10.000 thanh niên trên nền tảng mạng xã hội Weibo hồi tháng 7 năm nay cho thấy hơn 60% muốn trở thành người có ảnh hưởng trên Internet hoặc người dẫn chương trình livestream.

Tuy nhiên, có không ít ngôi sao đình đám khiến khách hàng thất vọng khi quảng cáo, bán hàng bất chấp, thiếu kiểm soát chất lượng.

KOL ban hang gia anh 3

Xinba - ông hoàng livestream của Trung Quốc - phải trả giá đắt khi bán hàng giả.

Vào năm 2020, Xinba (tên thật: Tân Hựu Chí), "chiến thần" livestream nổi tiếng trên nền tàng Kuaishou, đã dính phải bê bối hàng giả khi bán sản phẩm yến sào với giá 2,6 USD (khoảng 70.000 đồng) cho 100 gram. Đây là mức giá rẻ so với thị trường.

Theo South China Morning Post, sau khi kiểm định, sản phẩm mà Xinba bán được xác định không phải yến sào mà chỉ là carbohydrate và đường. Với sai phạm này, Xinba bị phạt 138.000 USD (tương đương 3,2 tỷ đồng), đồng thời bị khóa tài khoản với hơn 70 triệu người theo dõi trong vòng 60 ngày.

Xinba sau đó công khai xin lỗi và đề nghị bồi thường cho người mua gấp 3 lần giá trị đơn hàng, theo quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Trung Quốc.

Vy Á, người từng được mệnh danh là "nữ hoàng livestream" cũng từng nhiều lần dính phốt quảng cáo sai sự thật.

KOL ban hang gia anh 4

Vy Á nhiều lần dính phốt bán hàng kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật.

Dấn thân vào con đường livestream bán hàng từ năm 2016, Vy Á nhanh chóng nổi lên với khả năng bán mọi thứ trên sóng trực tiếp, có lần "chốt đơn" cả chiếc tên lửa giá 5,6 triệu USD.

Cô được khách hàng tin tưởng vì luôn giới thiệu mặt hàng chất lượng với mức giá thấp nhất thị trường.

Tuy nhiên, vào tháng 5/2021, cô dính lùm xùm bán hàng giả. Trong một phiên live, cô giới thiệu chiếc quạt, nói đây là sản phẩm hợp tác giữa Guzi, thương hiệu của Trung Quốc, với hãng Supreme của Mỹ. Ngày hôm sau, một blogger đã lên bóc phốt, khẳng định Guzi là thương hiệu nhỏ và không hề có sự hợp tác nào. Vy Á sau đó đã phải hoàn tiền cho khách đã mua và xóa video.

Đến tháng 9 cùng năm, "nữ hoàng livestream" tiếp tục bị phốt bán bánh mì kém chất lượng. Cô quảng cáo đây là loại bánh không đường, ít chất béo, tốt cho sức khỏe, không gây tăng cân.

Nhưng Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng thành phố Thượng Hải sau đó đã ban hành một văn bản công khai những thông tin sai sự thật về loại bánh mì này: thành phần dinh dưỡng không khớp với thông tin trên bao bì và lượng calo cao hơn mức bình thường.

Cả thương hiệu bánh mì lẫn Vy Á đều bị kêu gọi tẩy chay.

Trước tình trạng quảng cáo sai sự thật, giới chức Trung Quốc cảnh báo những người bán hàng theo hình thức livestream cần đảm bảo kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng, đồng thời cung cấp dịch vụ đa dạng và phù hợp hơn cho khách hàng.

Từ năm 2021, Douyin đã có những chính sách chặt chẽ hơn, không cho phép người livestream bán hàng nói từ ngữ phóng đại để quảng cáo sản phẩm, theo Global Times.

Gen Z quan tâm đến thế giới nội tâm nhiều hơn trước

Nguyễn Đoàn Minh Thư, tác giả của cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều là một người trẻ, một Gen Z sinh năm 2000. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tâm lý tại Đại học East Anglia và hiện làm thực tập sinh tư vấn tâm lý cho Bộ Y tế Anh (National Health Service). Minh Thư cho biết câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của cô và nhấn mạnh mỗi người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi hiểu chính mình.