Nhiều người trẻ Trung Quốc cắt đứt liên lạc với gia đình để thoát khỏi mẫu thuẫn. Ảnh minh họa: Sina. |
Fu Ze, đến từ Chiết Giang (Trung Quốc), có cha mẹ đã ly hôn. Một năm trước, cô quyết định ngừng liên lạc với gia đình và chọn sang châu Âu du học.
Dù vẫn giữ quan hệ bạn bè với cha mình trên WeChat (mạng xã hội lớn của Trung Quốc), cô không trò chuyện dù ông gửi hàng trăm tin nhắn.
Trả lời trong cuộc phỏng vấn với The Paper, cô nói rằng hy vọng WeChat có chức năng để không phải nhìn thấy thông báo của những tin nhắn đó.
Dù mẹ cô không đồng tình với cách hành xử đó, Fu Ze cảm thấy quyết định ấy giúp cuộc sống của cô dễ thở hơn. Cô tin rằng thay vì liên tục bị tổn thương, thất vọng và chán ghét, thà cắt đứt liên lạc để không phải phiền lòng thêm nữa.
Fu Ze không phải cá nhân duy nhất chọn ngừng liên lạc với gia đình. Trên các hội nhóm mạng xã hội, nhiều người trẻ Trung Quốc đã chia sẻ câu chuyện tại sao lại cắt đứt liên hệ với cha mẹ, anh chị em ruột thịt.
Họ là những người không chấp nhận văn hóa gia trưởng, muốn thoát khỏi sự áp đặt của gia đình hoặc đang cố chữa lành khỏi những nỗi đau quá khứ.
Theo The Paper, hiện tượng đoạn tuyệt với gia đình phản ánh tâm lý xã hội đương đại. Những người trẻ tuổi bắt đầu coi trọng giá trị của bản thân, theo đuổi sự tự nhận thức và bản sắc, đồng thời tìm kiếm một lối sống độc lập và đa dạng.
Tự bảo vệ mình
Tang Tiantian là một nữ luật sư 29 tuổi sống tại Thượng Hải. Khoảng 3 năm trước, anh họ đã gửi cho cô một phong bao lì xì qua WeChat vào dịp lễ, điều đó khiến Tang căng thẳng.
Cô từ chối nhận lì xì và xóa tài khoản WeChat của đối phương, đồng thời cắt đứt liên lạc với anh ta kể từ đó.
Tang kể mọi thứ bắt đầu khi cô còn nhỏ, anh họ thường hôn cô rất nhiều. Khi ấy, cô chỉ nghĩ đó là một trò đùa. Mãi đến khi học cấp hai, cô mới nhận ra đó chính là một kiểu quấy rối và xâm hại tình dục. Cô cảm thấy buồn và đau khổ mỗi khi nhớ về chuyện cũ.
Nhiều thanh niên không thể chấp nhận chế độ gia trưởng, muốn độc lập hơn. Ảnh minh họa: Hoan lạc tụng 3. |
Sau đó, Tang đến Bắc Kinh để học đại học rồi chọn định cư và làm việc ở Thượng Hải. Cô chỉ gặp anh họ và gia đình anh trong những lần về quê ở Vô Tích để họp mặt trong ngày nghỉ.
Ban đầu, Tang bối rối về hành động đoạn tuyệt với người thân vì cô đã đi lệch khỏi quan niệm đạo đức của xã hội. Nhưng khi ngày càng chú ý đến cảm xúc của mình, cô có đủ niềm tin để kiên định với quyết định đó và không còn muốn để những mối quan hệ họ hàng nhấn chìm mình thêm nữa.
Phóng viên The Paper đã tham gia một nhóm chia sẻ về vấn đề tâm lý và nhận thấy nhiều người trẻ chọn cắt đứt liên lạc với gia đình.
Một phụ nữ sinh năm 1990 đã chia sẻ về quá trình để cắt đứt liên lạc với gia đình cô ở Quảng Châu. Cô thừa nhận có sự thù hận với gia đình, nhưng đồng thời cũng rất thương những người thân của mình, yêu ghét đan xen.
Đối diện với những khúc mắc gia đình, cô chọn giữ khoảng cách, việc lạnh lùng cắt đứt liên hệ là cách cô tự bảo vệ mình.
Thiết lập ranh giới với gia đình
Nhà nhân chủng học Xiang Biao từng chỉ ra trong sự kiện ở Thượng Hải xoay quanh chủ đề "gia đình" vào năm 2021 rằng các gia đình đương đại không nên vi phạm quá mức các ranh giới cá nhân.
Liu Wenrong, nhà nghiên cứu và xã hội học tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, đưa ra hai nhận định về hiện tượng này.
Đầu tiên là sự chia cắt ở cấp độ họ hàng, với sự tăng cường di chuyển xã hội và đa dạng hóa lối sống, việc "thu hẹp" mạng lưới họ hàng là một xu hướng bình thường trong xã hội hiện đại.
Theo các chuyên gia, các thành viên lớn tuổi cần tôn trọng ranh giới và quan tâm tới cảm xúc của con cái. |
Loại thứ hai là chia cắt ở cấp độ gia đình, Liu Wenrong tin rằng tình huống này có đặc thù riêng.
"Tôi không ủng hộ hành vi như vậy nhưng tôi có thể hiểu được. Một mặt, giới trẻ đang trong giai đoạn nổi loạn của cuộc đời và ý thức chủ quan của họ đang dần tăng lên. Họ hy vọng chấn thương cảm xúc trong quá khứ có thể được xem xét một cách nghiêm túc. Hiệu ứng nhóm khiến hiện tượng đoạn tuyệt với người thân được phóng đại trong phạm vi công cộng", Liu nói.
Liu Wenrong kêu gọi xã hội Trung Quốc phổ biến nhận thức chung về tâm lý học hiện đại và giáo dục đời sống gia đình. Trong gia đình, người lớn tuổi nên chú ý đến sức khỏe tinh thần của nhóm thanh niên, duy trì ý thức về ranh giới giữa các thế hệ và tìm điểm cân bằng để giao tiếp thông qua trò chuyện.
Qiu Yuwei, chuyên gia tư vấn quan hệ có bằng thạc sĩ Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Toronto (Canada), tin rằng chúng ta nên tôn trọng lựa chọn độc lập của mỗi người, bao gồm cả hành vi ngắt kết nối với gia đình.
Nhiều người trẻ tuổi đã trải qua chấn thương tâm lý nặng nề, một trong những lý do là bỏ qua những nhu cầu tình cảm khi giao tiếp với cha mẹ, gia đình. Ở một góc độ khác, cũng có thể hiểu rằng thế hệ phụ huynh cũng từng trải qua vấn đề phớt lờ cảm xúc dẫn đến thiếu sự đồng cảm, không thể thấu hiểu và đáp ứng nhu cầu của con cái.
Qiu Yuwei đề nghị cha mẹ nên quan tâm hơn đến việc giáo dục tình cảm và thiết lập mối quan hệ thân thiết hơn với con. Điều này không chỉ giúp tăng cường sự hiểu biết và tin tưởng giữa các thành viên trong gia đình, nó còn giúp các nhóm thanh niên đối mặt tốt hơn với những thách thức trong thực tế cuộc sống.
Sách chữa lành tại Việt Nam
Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.