Nỗi lo lạm phát "ám ảnh" thị trường Mỹ

Lạm phát dai dẳng và chính sách thương mại cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm dấy lên nỗi lo về tình trạng đình lạm.

Nhiều chuyên gia cho hay, một sự kết hợp đáng lo ngại giữa tăng trưởng chậm chạp và lạm phát không ngừng đã ám ảnh nước Mỹ vào những năm 1970, ngay cả khi thị trường vẫn lạc quan về chương trình nghị sự thúc đẩy tăng trưởng của Tổng thống Donald Trump.

Nỗi lo lạm phát "ám ảnh" thị trường Mỹ- Ảnh 1.

Đồng hồ đo lạm phát

Các nhà phân tích nhấn mạnh, đến nay, nhiều yếu tố tiêu cực đang lặp lại và khả năng quay trở lại của tình trạng đình lạm, vốn sẽ gây áp lực lên một loạt tài sản, đã được cảnh báo định kỳ trong 50 năm qua. Các nhà đầu tư đang lo ngại khi viễn cảnh về chiến tranh thương mại và thuế quan trừng phạt phủ bóng đen lên tăng trưởng của Mỹ.

"Điều khiến chúng tôi lo ngại hơn cả rủi ro lạm phát là tình trạng đình lạm. Có một cơ sở lạm phát cứng nhắc cần phải giải quyết nhưng trên hết, thuế quan có khả năng làm chậm nền kinh tế bằng cách trở thành một loại thuế đánh vào người tiêu dùng, gây áp lực lên lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế", Tim Urbanowicz, chiến lược gia đầu tư chính tại Innovator Capital Management cho biết. 

Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Mỹ đối với các nhà quản lý quỹ toàn cầu cho thấy, tỷ lệ các nhà đầu tư kỳ vọng lạm phát đình trệ - được ngân hàng định nghĩa là tăng trưởng dưới xu hướng và lạm phát trên xu hướng - trong năm tới đã đạt mức cao nhất trong 7 tháng. 

Đồng thời, cuộc khảo sát cho thấy, các nhà đầu tư vẫn lạc quan về cổ phiếu, với cuộc chiến thương mại được coi là rủi ro có xác suất thấp.

Trong khi ông Trump hoãn việc áp dụng mức thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico trong một tháng vào đầu tháng 2, ông đã áp dụng mức thuế mới 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và công bố mức thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu trên toàn cầu .

Ông Trump cũng giao cho nhóm kinh tế của mình nhiệm vụ lập kế hoạch áp dụng thuế quan tương hỗ đối với mọi quốc gia đánh thuế nhập khẩu của Mỹ và cho biết ông có kế hoạch áp dụng mức thuế 25% đối với ô tô, chất bán dẫn và dược phẩm nhập khẩu.

Một số nhà đầu tư tin rằng, bất kỳ tác động nào đến tăng trưởng từ thuế quan cũng chỉ là tạm thời. Bà Maddi Dessner, giám đốc dịch vụ tài sản tại Capital Group cho biết, trong dài hạn, thuế quan thậm chí có thể thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy các ngành công nghiệp sẽ được hưởng lợi từ việc ít cạnh tranh hơn trên toàn cầu. Mặt khác, tác động ban đầu của chúng có thể làm tăng áp lực giá.

Bên cạnh đó, bà Maddi Dessner nhấn mạnh thêm rằng, thuế quan là một phần lý do khiến Capital Group hiện dự báo lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm ở mức 3,9% trong vòng 20 năm, tăng so với mức dự báo 3,7% của năm ngoái.

Kinh tế Mỹ sẽ tránh được tình trạng đình lạm

Tình trạng đình lạm nổi lên như một nguồn lo lắng vào năm 2022, khi tỷ lệ lạm phát tăng vọt và giá cổ phiếu và trái phiếu giảm mạnh, nhưng kịch bản đó đã không xảy ra vì lạm phát cuối cùng đã giảm bớt và tăng trưởng vẫn duy trì được khả năng phục hồi.

Theo Evercore ISI - công ty ngân hàng đầu tư độc lập toàn cầu hàng đầu, nhiều người tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ một lần nữa tránh được tình trạng đình lạm. Cái gọi là lạm phát cốt lõi ở mức khoảng 3% vẫn thấp hơn nhiều so với mức đạt được vào những năm 1970, khi tỷ lệ lạm phát cốt lõi hàng năm trung bình khoảng 7%. Lần này, kỳ vọng lạm phát vẫn "được neo giữ", nghĩa là bức tranh lạm phát dài hạn không biến động mạnh với mỗi dữ liệu kinh tế mới.

Tuy nhiên, ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics cảnh báo thị trường có thể đang đánh giá thấp rủi ro đình lạm. Triển vọng trục xuất hàng loạt người lao động không có thị thực hoặc các giấy tờ làm việc khác, một lời cam kết khác trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, cũng sẽ thúc đẩy lạm phát.

"Thuế quan và trục xuất là công thức gây ra lạm phát và làm tổn hại đến tăng trưởng; cả hai đều là cú sốc cung tiêu cực. Những cú sốc cung tiêu cực như giá dầu thô tăng vọt đã góp phần gây ra tình trạng đình lạm vào những năm 1970", ông Mark Zandi nhấn mạnh.

Còn theo ông Guneet Dhingra, tại BNP Paribas, thị trường đã "tự mãn" trong 6 tháng qua, tập trung vào các chính sách thúc đẩy tăng trưởng của ông Trump. Các nhà đầu tư cảnh giác với tình trạng đình lạm có thể bán trái phiếu kho bạc kỳ hạn hai năm, có khả năng mất giá do lạm phát cao hơn, và mua trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm có lợi trong kịch bản tăng trưởng thấp.

Bên cạnh đó, ông Matthew Bartolini, người đứng đầu SPDR Americas Research tại State Street Global Advisors cho biết, sự quan tâm tăng vọt đối với vàng, đạt mức cao kỷ lục mới vào hôm 19/2 cho thấy, một số nhà đầu tư đang lo lắng, vì vàng là một trong số ít tài sản giữ được giá trị trong môi trường lạm phát đình trệ.../.