Nước Mỹ vừa có thêm 1 tỷ phú vũ trụ: Là chàng thợ máy không bằng đại học khiến Elon Musk kinh ngạc, tự tin một ngày sẽ vượt SpaceX

Công ty này, chuyên phát triển, phóng tên lửa, vệ tinh và các tàu vũ trụ, đã chứng kiến cổ phiếu tăng vọt hơn 300% trong năm qua.

Việc cổ phiếu Rocket Lab đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại trong phiên giao dịch cuối tuần qua đã giúp tài sản người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Peter Beck chạm mốc 1 tỷ USD, theo ước tính của Forbes. Công ty này, chuyên phát triển, phóng tên lửa, vệ tinh và các tàu vũ trụ, đã chứng kiến cổ phiếu tăng vọt hơn 300% trong năm qua. Cổ phần 10% của Beck hiện giá trị gần 970 triệu USD.

Chỉ riêng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư tuần trước, cổ phiếu Rocket Lab đã tăng gần 30% sau khi công ty dự báo doanh thu kỷ lục từ 125 triệu đến 135 triệu USD cho quý IV năm 2024 thông qua hợp đồng Neutron - tên lửa mà Rocket Lab phát triển từ năm 2021.

“Có sự phấn khích vì Neutron lớn hơn đáng kể so với phương tiện phóng Electron hiện tại của Rocket Lab. Nó sẽ cạnh tranh ở một mức độ nào đó với các tên lửa của SpaceX và cải thiện đáng kể nền kinh tế của công ty”, nhà phân tích Andres Sheppard của Cantor Fitzgerald cho biết, lưu ý rằng Rocket Lab hiện là công ty phóng quỹ đạo thường xuyên thứ ba trên toàn cầu, chỉ sau SpaceX và Trung Quốc.

“Rocket Lab là công ty duy nhất trong số những công ty có thể được đầu tư thông qua thị trường công khai. Cổ phiếu dự kiến sẽ tiếp tục tăng”, một chuyên gia nói.

Tự học để trở thành kỹ sư hàng không vũ trụ, Beck, 47 tuổi, bắt đầu đi làm vào năm 1993 với tư cách thực tập sinh tại nhà sản xuất thiết bị gia dụng Fisher & Paykel. Tại đây, ông thăng tiến qua qua rất nhiều vị trí và dành thời gian rảnh chế tạo tên lửa. Năm 2003, Beck chuyển đến viện nghiên cứu của chính phủ New Zealand, nơi ông lãnh đạo các chương trình kỹ thuật tập trung vào việc tối ưu hóa công nghệ như tua-bin gió và siêu dẫn trước khi thành lập Rocket Lab vào năm 2006.

Rocket Lab đã tạo nên lịch sử 3 năm sau đó, khi Atea-1 trở thành tên lửa thương mại đầu tiên được phát triển để bay vào không gian từ Nam bán cầu, sau khi phóng ngoài khơi bờ biển New Zealand vào năm 2009. Công ty đã chuyển trụ sở chính đến Mỹ vào năm 2013 và bắt đầu phát triển tên lửa đẩy Electron 1 năm sau đó. Kể từ chuyến đi đầu tiên vào năm 2017 cho đến tháng 9 năm nay, Electron đã thành công đưa 197 tàu vũ trụ nhỏ hàng đầu vào quỹ đạo.

Rocket Lab lên sàn vào thời kỳ đỉnh cao của cơn sốt SPAC - tháng 8 năm 2021, khi công ty này sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt trong một thỏa thuận định giá công ty ở mức 4,1 tỷ USD, tăng gần 200% so với mức định giá 1,4 tỷ USD mà Rocket Lab nhận được trong vòng gọi vốn tư nhân cuối cùng vào năm 2018. Ngoài Beck, giao dịch hồi năm 2021 cũng ghi nhận chiến thắng của các công ty đầu tư mạo hiểm như Khosla Ventures và Bessemer Venture Partners, quỹ đầu tư quốc gia của Úc. Họ đã cùng nhau mua lại gần 50% cổ phần của Rocket Lab trong suốt 5 vòng gọi vốn kể từ năm 2013.

Dù doanh thu Rocket Lab chỉ đạt gần 245 triệu USD vào năm 2023, nhỏ hơn nhiều so với công ty tên lửa SpaceX của Elon Musk, Beck vẫn coi công ty mình là đối thủ cạnh tranh đáng gờm.

“SpaceX là công ty vũ trụ lớn nhất thế giới và tôi nghĩ mọi người đang kỳ vọng Rocket Lab là công ty thành công số hai”, ông nói với CNBC. “Khi hai công ty bắt đầu trông ngày càng giống nhau, không có gì ngạc nhiên khi khoảng cách định giá giảm dần theo thời gian”.

Thông thường, trong lĩnh vực công nghiệp hóa không gian, người ta sẽ chỉ tập trung vào Elon Musk, Jeff Bezos hay Richard Branson - những người được cho là đã khởi xướng phong trào đầu tư vào du lịch vũ trụ. Dư luận ít khi để tâm đến hàng trăm công ty nhỏ lẻ khác - những doanh nghiệp vốn cũng đang điên cuồng chế tạo tên lửa và thiết lập một nền kinh tế mới nơi quỹ đạo thấp, cách mặt đất chừng 100 đến 1.200 dặm.

Rocket Lab nằm trong số đó, song đặc biệt ở chỗ, nhà sáng lập Beck lại không phải một ông trùm về không gian, cũng không chính thức nghiên cứu kỹ thuật hàng không vũ trụ và tốt nghiệp đại học. Kinh nghiệm chỉ đến từ khoảng thời gian ông làm việc cho một công ty sản xuất máy rửa chén.

Thoạt nhìn qua, công ty của Beck không có tiềm năng gì đặc biệt. Mỹ, với vô số nguồn lực và kinh nghiệm sẵn có, chỉ tạo ra một startup thành công duy nhất là SpaceX, trong khi New Zealand không được coi là ‘vùng nước trũng’ trong ngành hàng không vũ trụ. Về cơ bản, nó không có các yếu tố thiết yếu hỗ trợ việc chế tạo tên lửa.

Việc cổ phiếu Rocket Lab tăng vọt hơn 300% trong năm qua có nghĩa Beck đã giải quyết thành công tất cả những yếu điểm trên hành trình chế tạo tên lửa, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Ông đã có thể thuyết phục các nhà đầu tư mạo hiểm rót vốn vào ‘trò tiêu khiển’ của mình - công ty hứa hẹn hoàn thành sứ mệnh bị lãng quên của SpaceX là cung cấp tên lửa đáng tin cậy giá rẻ đầu tiên trên thế giới và sẵn sàng bay vào vũ trụ bất cứ lúc nào.

“Thật khó để bay vào không gian nhưng tôi biết rằng chúng ta sẽ phải làm cho nó trở nên dễ dàng hơn. Tôi sẽ phải chế tạo thành công một quả tên lửa”, Peter Beck nói.

Không ai biết cuộc đua vào không gian mới này sẽ diễn biến ra sao, song rất nhiều những nhà đầu tư nhiệt thành coi đây là chương tiếp theo trong quá trình tiến hóa của loài người. Rocket Lab chắc chắn sẽ khiến cả thế giới ngỡ ngàng.

“Ý tưởng về một sự phát triển là điều mà những công ty này đang hướng tới”, Matt Ocko, đại diện công ty VC Data Collective đã đầu tư vào Rocket Lab, nói.

Theo: Forbes, Tổng hợp