Ngày 15-11, tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump xác nhận ông sẽ đề cử ông Robert F. Kennedy Jr. làm bộ trưởng Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh trong chính quyền mới.
Lựa chọn này của ông Trump gây tranh cãi khi Nội các Trump 2.0 khác gì Trump 1.0?
Ngày 15-11, tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump xác nhận ông sẽ đề cử ông Robert F. Kennedy Jr. làm bộ trưởng Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh trong chính quyền mới.
Lựa chọn này của ông Trump gây tranh cãi khi Nội các Trump 2.0 khác gì Trump 1.0?
Theo Đài CNN, ông Kennedy trong nhiều năm qua là một trong những nhân vật có quan điểm chống vắc xin nổi bật tại Mỹ. Ông cũng bị cáo buộc là người thường xuyên lan truyền các thuyết âm mưu về tính an toàn và độ hiệu quả của các loại vắc xin.
Trong khi đó, chấp nhận lời mời làm bộ trưởng của ông Trump, ông Kennedy ngày 14-11 đăng tải trên X khẳng định ông sẽ loại bỏ tham nhũng khỏi bộ của mình, và cam kết "cung cấp cho người Mỹ sự minh bạch” để họ có thể đưa ra quyết định về sức khỏe cá nhân.
Cụ thể, ông cam kết sẽ giải phóng các cơ quan thuộc Bộ Y tế Mỹ khỏi sự thâu tóm của các tập đoàn, theo đuổi sứ mệnh biến người Mỹ một lần nữa trở thành những người khỏe mạnh nhất trên Trái đất.
Tiến sĩ Richard E. Besser, giám đốc điều hành của Quỹ Robert Wood Johnson và là cựu giám đốc điều hành của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, nhấn mạnh việc để ông Kennedy làm bộ trưởng Bộ Y tế Mỹ "sẽ gây ra nhiều rủi ro lớn cho sức khỏe của quốc gia".
"Ông Robert F. Kennedy là một phần của vấn đề, không thể là một phần của giải pháp", New York Times dẫn lời tiến sĩ Besser.
Ông Besser cho rằng việc các công kích của ông Kennedy vào hệ thống y tế công cộng quốc gia đã làm trầm trọng thêm sự ngờ vực kéo dài của công chúng sau đại dịch COVID-19.
Thử thách cho Thượng viện Mỹ
Truyền thông Mỹ đặt câu hỏi liệu Thượng viện Mỹ, và trong trường hợp Thượng viện do Đảng Cộng hòa của ông Trump kiểm soát, có chấp thuận việc để một nhân vật có nhiều quan điểm y tế gây tranh cãi như ông Kennedy điều hành bộ chịu trách nhiệm sức khỏe cho người dân Mỹ hay không.
Ông Kennedy được ghi nhận đã lan truyền các thông tin sai lệch về vắc xin, như việc vắc xin có thể gây bệnh tự kỷ. Ông này cũng công khai phản bác khuyến nghị của CDC Mỹ rằng cộng đồng nên bổ sung fluoride vào nguồn nước để bảo vệ khỏi sâu răng.
"Tôi thấy một số tuyên bố của ông ấy đáng báo động, nhưng tôi chưa bao giờ gặp, ngồi trò chuyện, hay từng nghe ông ấy phát biểu một bài dài", New York Times dẫn lời thượng nghị sĩ Susan Collins của Đảng Cộng hòa.
Bà Collins là một người theo chủ nghĩa trung dung và lá phiếu của bà có thể đóng vai trò quan trọng cho việc ông Kennedy được Thượng viện Mỹ thông qua.
"Tôi không muốn phán xét chỉ dựa trên những mẩu tin báo chí mà tôi đã đọc. Tôi nghĩ đây sẽ là một lựa chọn đáng ngạc nhiên", bà Collins nói thêm.
Cùng lúc đó, cũng có nhiều đảng viên Cộng hòa rất nhiệt tình với việc bỏ phiếu chấp thuận ông Kennedy.
"Một trăm phần trăm", thượng nghị sĩ Tommy Tuberville, thành viên Đảng Cộng hòa của bang Alabama và là thành viên Ủy ban Y tế Thượng viện, cho biết khi được hỏi liệu ông có bỏ phiếu cho ông Kennedy.
"Hơn bất kỳ ai mà tôi biết, ông ấy có tư tưởng cởi mở", ông Tuberville khẳng định.
Cổ phiếu các hãng vắc xin giảm mạnh
Sau khi ông Trump tuyên bố chọn ông Kennedy làm bộ trưởng Bộ Y tế Mỹ, cổ phiếu của các nhà sản xuất vắc xin hàng đầu lao dốc.
Theo đó, một tiếng trước khi thị trường ngày 14-11 (giờ Mỹ) đóng cửa và tin tức về sự lựa chọn của ông Trump bắt đầu lan truyền, cổ phiếu của nhà sản xuất vắc xin COVID-19 Moderna đã giảm tới 6%, trong khi cổ phiếu Pfizer cũng giảm gần 2%. Cổ phiếu của Novavax cũng giảm gần 6%.
Sau khi ông Trump chính thức đưa ra thông báo, các cổ phiếu trên đã giảm sâu hơn.