Vào ngày đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp trì hoãn việc thi hành lệnh cấm đối với TikTok. Ảnh: The Hill. |
Theo sắc lệnh này, Tổng thống Mỹ yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp không thực hiện bất kỳ hành động nào để thi hành luật nhằm tạo điều kiện cho chính quyền của ông "đánh giá và đưa ra hướng đi phù hợp”.
Tuy nhiên, động thái này có thể đối mặt với các thách thức pháp lý, bao gồm cả việc liệu một tổng thống có quyền đình chỉ thi hành một đạo luật liên bang hay không. Các công ty liên quan đến luật này có thể cho rằng sắc lệnh hành pháp không đủ để bảo vệ họ khỏi trách nhiệm pháp lý, theo New York Times.
Luật liên bang cấm TikTok mạng xã hội thuộc sở hữu của công ty ByteDance từ Trung Quốc. Luật quy định rằng ứng dụng này phải được bán cho một chủ sở hữu không phải Trung Quốc hoặc sẽ bị chặn hoàn toàn. Luật cho phép Tổng thống gia hạn 90 ngày nếu đạt được "tiến triển đáng kể" trong việc tìm kiếm một thỏa thuận, nhưng điều này hiện không chắc chắn khi luật đã có hiệu lực.
Việc Tổng thống Trump tìm cách trì hoãn luật liên bang đã dấy lên nhiều câu hỏi nghiêm trọng về giới hạn quyền lực của tổng thống cũng như nguyên tắc pháp quyền tại Mỹ. Một số nhà lập pháp và chuyên gia pháp lý đã bày tỏ lo ngại về tính hợp pháp của sắc lệnh hành pháp này, đặc biệt là trong bối cảnh Tòa án Tối cao vừa mới phán quyết ủng hộ luật vào 17/1. Các nhà lập pháp nhấn mạnh các lo ngại an ninh quốc gia là lý do chính khiến luật được thông qua.
Luật cấm TikTok đã được cựu Tổng thống Joe Biden ký ban hành vào năm 2024 sau khi được Quốc hội thông qua. Luật yêu cầu ByteDance bán TikTok hoặc bị cấm, vì lo ngại chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng ứng dụng này để tuyên truyền hoặc thu thập dữ liệu người dùng tại Mỹ. Luật cũng áp đặt các chế tài đối với các cửa hàng ứng dụng và nhà cung cấp dịch vụ đám mây nếu tiếp tục hợp tác với TikTok.
Trước đây, ông Trump từng có lập trường cứng rắn với TikTok. Cuối nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2020, ông đã ban hành sắc lệnh ngăn các cửa hàng ứng dụng phân phối TikTok và thúc đẩy việc bán ứng dụng này cho một công ty Mỹ. Nhưng nỗ lực này đã thất bại khi ông không tái đắc cử.
Đến năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã hồi sinh kế hoạch này và ông Biden đã ký thành luật vào tháng 4. Luật cấm các cửa hàng ứng dụng như Apple và Google, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây, không được phân phối hoặc lưu trữ TikTok trừ khi ứng dụng này được bán cho một chủ sở hữu không phải Trung Quốc trước ngày 19/1.
Tuy nhiên, ông Trump bất ngờ thay đổi quan điểm. Ông đã tham gia TikTok vào tháng 6/2024. Tân tổng thống từng tuyên bố giới trẻ sẽ "phát điên" nếu không có TikTok. "Tôi nghĩ tôi đã có cảm tình với TikTok mà trước đây tôi không hề có”, ông Trump nói khi ký sắc lệnh vào 20/1.
TikTok đã kiện luật này tại tòa án liên bang. Hãng cho rằng nó xâm phạm quyền tự do ngôn luận của người dùng và chính công ty theo Tu chính án Thứ nhất. Tòa Phúc thẩm tại Washington D.C. đã phán quyết ủng hộ luật vào tháng 12. Tòa án Tối cao cũng làm tương tự vào 17/1.
Trong khi đó, TikTok và một số nghị sĩ đảng Dân chủ đã thực hiện nỗ lực cuối cùng để ngăn luật có hiệu lực, nhưng không thành công. Vào tối 18/1, TikTok ngừng hoạt động tại Mỹ và biến mất khỏi các cửa hàng ứng dụng chỉ vài giờ trước nửa đêm.
Sáng 19/1, ông Trump thông báo trên Truth Social rằng sẽ "ký một sắc lệnh hành pháp vào 20/1 để kéo dài thời gian trước khi các lệnh cấm của luật có hiệu lực, nhằm đạt được một thỏa thuận bảo vệ an ninh quốc gia”. Ông cũng khẳng định sẽ không trừng phạt các công ty vi phạm luật để duy trì TikTok trực tuyến.
Chỉ vài giờ sau, TikTok khôi phục dịch vụ cho người dùng Mỹ và chào đón họ bằng thông báo: "Nhờ nỗ lực của Tổng thống Trump, TikTok đã trở lại Mỹ!".
Khi được hỏi tại Phòng Bầu dục về lý do thay đổi quan điểm đối với TikTok, ông Trump trả lời: "Bởi vì tôi đã sử dụng nó”.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.