
Lực lượng tìm kiếm, cứu hộ Thái Lan làm việc xuyên đêm 4-4 với máy móc hạng nặng, chó nghiệp vụ và thiết bị dò tìm - Ảnh: Thai PBS
Một tuần sau vụ sập công trình do rung chấn từ trận động đất 7,7 độ ở Myanmar, Thái Lan lên kế hoạch triển khai máy móc hạng nặng dọn đống đổ nát, tiếp tục tìm kiếm nạn nhân.
Phát hiện thêm dấu hiệu khả nghi
Tuy nhiên theo báo cáo sáng 5-4 của Đài Thai PBS, tính đến 6h sáng cùng ngày các nhân viên cứu hộ vẫn chưa sử dụng máy móc hạng nặng.
Nguyên nhân là do lực lượng tìm kiếm phát hiện vết nghi ngờ là máu và các dấu hiệu khả nghi trong đống đổ nát tại khu vực B, nhưng hiện chưa thể tiếp cận do chưa thể cắt xuyên qua lớp bê tông và thép.
Việc sử dụng máy móc hạng nặng đã được tạm ngừng, các tổ chức cứu hộ chính vẫn đang tiến hành họp để đánh giá tình hình và chờ kết luận trước khi quyết định tiếp tục công tác tìm kiếm.
Lý do Thái Lan chưa triển khai máy móc hạng nặng để dọn dẹp tại tòa nhà bị sập ở Bangkok
Đài truyền hình Thai PBS đưa tin trước đó tối 4-4, lực lượng cứu hộ Thái Lan tiếp tục triển khai tìm kiếm nạn nhân mất tích tại hiện trường công trình.
Công tác tìm kiếm được chia thành bốn khu vực A, B, C và D, kết hợp giữa sử dụng chó nghiệp vụ và thiết bị dò tìm để phát hiện dấu hiệu sự sống.
Tại khu vực A, lực lượng chức năng tập trung khoan cắt các lớp bê tông và thép, đồng thời phun nước để hạn chế bụi.
Khu vực D được rà soát kỹ các khe hở, hố thang máy và lối thoát hiểm - những vị trí được đánh giá có thể còn người mắc kẹt.
Trong khi đó, tại các khu vực B và C, các đội cứu hộ khoan sâu khoảng 4-5 mét, kết hợp tìm kiếm thủ công và bằng thiết bị chuyên dụng.
Nếu phát hiện tín hiệu nghi vấn, hoạt động tháo dỡ sẽ được tạm ngưng để chó nghiệp vụ và đội cứu hộ tiếp cận mục tiêu theo tọa độ xác định.
Mất 30-60 ngày dọn 40.000 tấn bê tông, thép
Trước đó, Hãng thông tấn CNA (Đài Loan) ngày 4-4 dẫn lời Thị trưởng Bangkok Chadchart Sittipunt cho biết chính quyền thành phố sẽ triển khai máy móc hạng nặng để dọn dẹp đống đổ nát tại khu vực tòa nhà bị sập ở quận Chatuchak.
Theo ông Chadchart, cấu trúc công trình bị sập có nhiều lớp bê tông và thép chồng chéo, không gian tiếp cận hạn chế, gây khó khăn cho việc tiếp cận sâu vào các khu vực nghi ngờ còn người mắc kẹt.
Tại cuộc họp báo ngày 4-4, ông Chadchart cho hay chính quyền Bangkok đã quyết định tạm ngừng hoạt động cứu hộ chủ động do các dấu hiệu sự sống tại hiện trường không còn được ghi nhận, và chuyển sang giai đoạn thu dọn hiện trường bằng thiết bị hạng nặng.
Theo đó, dự kiến cần 30-60 ngày để dọn dẹp khoảng 40.000 tấn bê tông và thép tại khu vực công trình bị sập.
Mặc dù vậy, lực lượng ứng phó vẫn được duy trì tại chỗ, sẵn sàng nối lại công tác cứu hộ nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu sự sống nào.
Ông Chadchart cũng thông tin đã có cuộc gặp với đại sứ Nhật Bản tại Thái Lan nhằm trao đổi về hợp tác trong hoạt động cứu hộ, ứng dụng công nghệ phòng chống thiên tai và kiểm định kết cấu công trình - lĩnh vực mà Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm.
Về tình trạng khẩn cấp, Trung tâm Phòng ngừa và Giảm nhẹ thiên tai Thái Lan ngày 4-4 thông báo rằng trạng thái thảm họa đã được dỡ bỏ tại hầu hết các khu vực liên quan, ngoại trừ khu vực xung quanh công trình bị sập tại Chatuchak.
Vào ngày 28-3, một công trình xây dựng tại khu Chatuchak, nơi dự kiến là trụ sở của Văn phòng Kiểm toán Nhà nước Thái Lan, đã bị sập do ảnh hưởng của trận động đất 7,7 độ ở Myanmar.
Thời điểm xảy ra sự cố, có khoảng 100 công nhân đang làm việc tại công trình và bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Ngay sau vụ việc, các lực lượng chức năng Thái Lan đã triển khai hoạt động tìm kiếm cứu hộ khẩn cấp.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 15 người thiệt mạng được xác nhận và 79 người vẫn mất tích, nâng tổng số nạn nhân của vụ tai nạn lên 103 người. Riêng thi thể hai nạn nhân được phát hiện tại khu vực B vẫn chưa thể đưa ra ngoài do bị mắc kẹt dưới các khối bê tông và thép lớn.
