Sáng 25-12 tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức Hội thảo: 65 năm kết nối
Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn: Tạo thuận lợi cho kiều bào về nước đầu tư, kinh doanh
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị cần nghiên cứu, nắm bắt tình hình để kịp thời tham mưu, hoàn thiện các chính sách, quy định để tạo thuận lợi cho kiều bào về nước đầu tư, kinh doanh.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội thảo - Ảnh: ỦY BAN NHÀ NƯỚC VỀ NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI
Thời gian tới, phó thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác NVNONN trên nhiều mặt. Nghiên cứu, theo dõi, nắm bắt tình hình cộng đồng NVNONN để kịp thời tham mưu, kiến nghị với Đảng, Nhà nước ban hành, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, quy định để tạo thuận lợi cho bà con về nước làm việc, đầu tư, kinh doanh.
Hỗ trợ kiều bào, nhất là ở những địa bàn khó khăn, để có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế và hội nhập vào xã hội sở tại; chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng.
Củng cố và phát triển các hội đoàn NVNONN thực sự đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa bà con với quê hương, đất nước.
Kiều bào đóng góp cho quê hương
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài điểm lại những thành tựu nổi bật của công tác đối với NVNONN trong những năm qua, đặc biệt từ sau khi nghị quyết 36 được ban hành.
Công tác đại đoàn kết, vận động NVNONN đã đạt được những kết quả quan trọng. Bà Hằng cho biết kiều bào đã tham gia vào Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đóng góp ý kiến vào những vấn đề quan trọng của đất nước.
Các cơ quan liên quan đã vận động và tạo điều kiện cho một số nhân vật có tầm ảnh hưởng, từng có định kiến về thăm đất nước nhằm thu hẹp sự khác biệt, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, công khai ủng hộ đất nước.
Bên cạnh đó, bà Hằng nhấn mạnh nghị quyết 36 đã góp phần khơi thông nguồn lực của kiều bào, khuyến khích bà con tích cực đóng góp cho quá trình phát triển đất nước.
Tổng lượng kiều hối từ năm 1993 - 2023 đạt khoảng 230 tỉ USD, tương đương với nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.
Từ năm 2020, kiều hối về Việt Nam đã vượt qua dòng vốn FDI giải ngân và vốn viện trợ nước ngoài ODA, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
TP.HCM phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối
Tham luận tại hội thảo, ông Lê Văn Thu - phó chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM - cho biết thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thu hút trí thức người Việt ở nước ngoài.
Đến nay, có khoảng 500 chuyên gia, trí thức người Việt từ nhiều quốc gia đã về làm việc tại thành phố, trong đó Đại học Quốc gia TP.HCM hợp tác với hơn 200 trí thức.
Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố phê duyệt đề án chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2030.
Đề án nêu rõ về các chính sách để thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối, như định hướng nguồn kiều hối tham gia vào thị trường tài chính và thị trường chứng khoán; hình thành kênh dẫn vốn từ người nhận kiều hối với mục đích tiết kiệm đến người kinh doanh.
Hỗ trợ chuyển vốn từ người không có cơ hội đầu tư sinh lời đến những người có cơ hội đầu tư sinh lời; phục vụ trực tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước năm 2021, kiều hối về TP.HCM lên tới 7 tỉ USD, chiếm hơn 50% cả nước, và tiếp tục duy trì mức cao với gần 9,5 tỉ USD trong năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm 2024, kiều hối đạt 5,18 tỉ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.