Bên trong rạp chiếu phim ở Bangkok (Thái Lan), một chú mèo lông trắng muốt diện váy màu vàng đang nằm vắt vẻo trên ghế. Ngay gần đó, chú chó chihuahua đang "theo dõi" chăm chú bộ phim The Little Mermaid (Nàng tiên cá) của Disney cùng với người chủ.
Ở góc khác, một con chó khác được chủ hóa trang thành nhân vật chính Ariel với bộ tóc giả màu đỏ với chiếc đuôi cá.
Những "khán giả" đặc biệt này nằm trong số vài chục vị khách 4 chân được mời đến rạp chiếu thưởng thức phim. Ngày 10/6, Major Cineplex - chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất Thái Lan - chính thức mở cửa rạp phim đầu tiên thân thiện với thú cưng ở ngoại ô Bangkok, theo CNA.
Khách hàng ôm thú cưng trong rạp. Ảnh: Straits Times. |
Theo dữ liệu vào năm 2021, ngành công nghiệp thú cưng của Thái Lan xếp thứ hai ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc, với khoảng 8,3 triệu con chó và 3,7 triệu con mèo được nhận nuôi ở nước này.
Số người đăng ký quyền sở hữu thú cưng ngày càng tăng trong đại dịch và hiện một số doanh nghiệp đang cố gắng kiếm tiền từ xu hướng này.
"Kati của tôi sẽ rất thích thú khi nhìn thấy các con cá tung tăng trên màn ảnh rộng", người đàn ông 37 tuổi, tên Mano, cho biết. Thú cưng của anh là một con mèo được nhận nuôi từ trạm cứu hộ.
Theo Narute Jiensnong, đại diện của Major Cineplex, để vào rạp, các con vật phải được đóng tã, kèm túi đựng chuyên dụng. Ngoài ra, âm thanh và ánh sáng trong rạp cũng được điều chỉnh để tạo sự thoải mái cho các "vị khách 4 chân".
“Bangkok vốn không phải là một thành phố thân thiện với vật nuôi. Ý tưởng này xây dựng dựa trên các rạp chiếu phim thân thiện với trẻ em trước đây công ty từng thực hiện", Narute cho biết.
Chó, mèo và những người chủ chịu chi cho con vật của mình đang trở thành khách hàng tiềm năng cho các dịch vụ ở Thái Lan. Ảnh: Straits Times. |
"Ở các rạp chiếu phim dành cho trẻ nhỏ, bọn trẻ được chạy nhảy khắp nơi và la hét. Tôi nghĩ rạp phim dành cho thú cưng cũng sẽ như vậy. Khách hàng đến đây đều nuôi thú cưng trong nhà và dễ thông cảm nếu chúng sủa hoặc gây ồn ào", ông giải thích thêm.
Đây không phải là doanh nghiệp duy nhất ở Thái Lan mở dịch vụ thân thiện với tập khách hàng đặc biệt là thú cưng.
Đầu tháng 6, "gã khổng lồ" nội thất Ikea đến từ Thụy Điển thông báo rằng chó và mèo con được chào đón đến thăm các cửa hàng ở Thái Lan, với điều kiện là chúng nằm trong xe đẩy.
Bất chấp các biện pháp bảo vệ phúc lợi động vật của rạp chiếu phim, không phải tất cả người nuôi chó, mèo đều hào hứng với ý tưởng này.
Một người nước ngoài sống lâu năm ở Bangkok cho hay mặc dù mèo cưng thường xuyên nằm cạnh cô trên ghế sofa khi cả hai cùng xem TV ở nhà, cô không có ý định đưa nó đến rạp chiếu phim.
Theo cô, trải nghiệm này có thể mới lạ với con người, song với con vật, nó có thể gây cảm giác "không tự nhiên", thậm chí cảm thấy “bị tra tấn”.
"Bị nhốt trong túi đựng, tôi không biết điều đó có còn thú vị với con vật hay không. Thật buồn cười khi chó, mèo không được phép vào hầu hết công viên tại Bangkok, nhưng chúng có thể được đi xem phim hoặc đi uống cà phê với người”, cô gái này kết luận.
Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới
Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.