Sau bão Yagi, nước lũ từ thượng nguồn đổ về Đồng bằng sông Cửu Long trong 1 tuần nữa?

Ngành chức năng khẳng định lượng nước đang chững lại trong vài ngày tới, còn chuyên gia cảnh báo nước lũ từ thượng nguồn đang đổ về Đồng bằng sông Cửu Long kết hợp với triều cường sẽ gây ngập lụt nhiều nơi.

Sau bão Yagi, nước lũ từ thượng nguồn đổ về ĐBSCL ra sao? - Ảnh 1.

Cánh đồng mùa lũ ở biên giới huyện An Phú, An Giang - Ảnh: MINH KHANG

Ngày 23-9, ông Lưu Văn Ninh - giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh An Giang - cho biết mực nước lũ đầu nguồn tại An Giang tiếp tục xuống chậm trong 5 ngày tới.

Nước nhiều, cá ít?

Cụ thể, theo ông Ninh, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu (An Giang) đo ngày 22-9 là 3,13m (thấp hơn báo động I: 3,5m - PV), cao hơn 0,51m so với năm 2023 và thấp hơn 0,48m so với trung bình nhiều năm. Dự báo mực nước ngày 23-9 đạt 3,13m và dự kiến ngày 24-9 mực nước xuống còn 3,06m.

Còn trên sông Hậu tại Châu Đốc, mực nước ngày 22-9 là 2,88m (thấp hơn báo động I: 3m - PV), cao hơn cùng kỳ là 0,53m và thấp hơn trung bình nhiều năm 0,3m. Dự báo mực nước trong ngày 23-9 là 2,82m và sau đó sẽ giảm dần.

Điểm tin 18h: Chợ nổi miền Tây 'nổi' theo cách nào?; Nước Mỹ lo bảo vệ các ứng viên tổng thốngMùa nước nổi lạ lùng ở miền Tây

Cảnh báo trên sông Hậu tại Long Xuyên, mực nước cao nhất ngày có khả năng ở mức báo động I đến dưới báo động III từ 0,1 - 0,15m. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt là cấp 2.

Trên rạch Ông Chưởng tại Chợ Mới (An Giang), mực nước cao nhất ngày có khả năng ở mức báo động I đến trên báo động II từ 0,05 - 0,1m. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt là cấp 2.

Trên sông Vàm Nao, mực nước cao nhất ngày có khả năng ở mức trên báo động I từ 0,05 - 0,1m. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt là cấp 1…

Hơn 25 năm làm nghề câu lưới, ông Nguyễn Văn Gàng - ngụ xã Phú Hội, huyện An Phú, An Giang - cho biết mùa nước nổi năm nay cao hơn vài tấc so với cùng kỳ. Tuy nhiên số cá, tôm giảm mạnh. Theo kinh nghiệm của ông, sắp tới con nước đổ từ Campuchia về Việt Nam sẽ làm nước lũ tăng thêm một chút.

"Hằng ngày, gia đình tôi thu mua hơn 300kg cá linh các loại rồi cho con cháu đem ra các chợ bán. Năm nay, nước cao hơn chút nhưng cá rất ít nên thu nhập bà con cũng giảm mạnh. Hy vọng sắp tới lượng nước từ Campuchia đổ về sẽ mang theo nhiều cá, tôm hơn", ông Gàng nói.

Sau bão Yagi, nước lũ từ thượng nguồn đổ về ĐBSCL ra sao? - Ảnh 2.

Người dân huyện An Phú, An Giang cho biết mùa nước nổi năm nay cao hơn cùng kỳ nhưng lượng cá, tôm giảm mạnh - Ảnh: MINH KHANG

Tháng 10 sẽ có lượng nước lớn về

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long - cho biết tại Vientiane (Lào) trong 1 tuần qua mực nước đã giảm gần 4m, trên trung bình nhiều năm chỉ 1m. Đi về phía hạ lưu, tại Pakse ở phía nam Lào thì trong tuần qua mực nước tăng lên 1m, đạt trên mức trung bình nhiều năm khoảng 2m.

Tại Kratie, Campuchia trong tuần qua, mực nước cũng tăng thêm 2m, trên trung bình nhiều năm 3m. Tất cả những điều này chứng tỏ lượng nước do bão Yagi đổ vào lưu vực Mekong đã di chuyển về phía hạ lưu vẫn chưa về đến Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Tân Châu trong tuần qua chỉ tăng 0,3m, còn dưới trung bình nhiều năm gần 1m. Tại Châu Đốc, mực nước trong tuần qua tăng rất ít, chỉ khoảng 4cm, vẫn còn dưới trung bình nhiều năm khoảng 0,8m.

Trong khi đó các đô thị vùng giữa Đồng bằng sông Cửu Long mấy hôm nay bị ngập nhiều nơi, việc ngập này chủ yếu là do thủy triều từ hướng biển lên theo chu kỳ nước lên đợt rằm tháng 8 âm lịch.

Sau bão Yagi, nước lũ từ thượng nguồn đổ về Đồng bằng sông Cửu Long trong 1 tuần nữa? - Ảnh 3.

Thương lái đến tận nhà dân ở huyện An Phú, An Giang thu mua cá linh - Ảnh: MINH KHANG

"Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng có một lượng nước tương đối lớn đang di chuyển về Đồng bằng sông Cửu Long. Khi khối nước này về đến Đồng bằng sông Cửu Long trong khoảng 1 tuần tới, khoảng đầu tháng 10 dương lịch, có thể trùng vào đợt nước lên 30-8 âm lịch. 

Khi đó nước sông Mekong từ trên đổ về và nước thủy triều từ hướng biển lên sẽ gặp nhau ở vùng giữa Đồng bằng sông Cửu Long, gây ngập cho dãy đô thị phía đông từ quốc lộ 1 ra biển gồm: Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Ngã Bảy", ông Thiện nhận định.

Theo ông Thiện, tình trạng thời tiết La Nina mưa nhiều có thể bắt đầu từ tháng 10 dương lịch kéo dài đến tháng 3-2025. Khi có La Nina, lượng mưa trong lưu vực sông Mekong sẽ dồi dào.

Từ tình hình trên, có thể suy đoán rằng mực nước lũ trên sông Tiền, sông Hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bắt đầu dâng cao từ đầu tháng 10 đến cuối năm 2024 và phần đuôi của mùa nước 2024 có thể lấn sang mùa khô 2025 một vài tuần đến một tháng.

Sau bão Yagi, nước lũ từ thượng nguồn đổ về ĐBSCL ra sao? - Ảnh 4.Ngư dân miền Tây 'hốt bạc' nhờ mùa nước nổi

Mực nước đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp tăng nhanh trong tuần qua, khu vực nội đồng nước dập dềnh trắng xóa, ngư dân đánh bắt cá thu nhập khá, thương lái thu mua có ngày 1 tấn thủy sản mùa nước nổi.