Startup 7 năm tuổi mang theo niềm tự hào của Nhật Bản, tự tin cạnh tranh với hàng không vũ trụ Trung Quốc

ArkEdge Space đang đi đầu trong nỗ lực cạnh tranh phát triển các dịch vụ định vị trên mặt trăng và mặt đất của Nhật Bản với Trung Quốc.

ArkEdge Space, một công ty khởi nghiệp vệ tinh Nhật Bản 7 năm tuổi, hoạt động tại khu nhà kho cũ của Under Armour trên bờ biển Vịnh Tokyo, đang đi đầu trong nỗ lực cạnh tranh phát triển các dịch vụ định vị trên mặt trăng và mặt đất của Nhật Bản với Trung Quốc. ArkEdge Space chuyên chế tạo các vệ tinh nhỏ nhằm định vị, liên lạc quang học và vô tuyến, thực hiện cảm biến từ xa và một số nhiệm vụ khác.

Vào tháng 11, ArkEdge Space được Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) lựa chọn dẫn đầu quá trình phát triển các dịch vụ định vị trên mặt trăng. Cơ quan vũ trụ này đặt mục tiêu đưa các phi hành gia Nhật Bản lên khám phá bề mặt mặt trăng sớm nhất là vào năm 2031, trên 1 tàu tuần dương do Toyota phát triển.

Theo Nikkei, startup này trước đó cũng được JAXA lựa chọn vào tháng 1 để khám phá quá trình phát triển hệ thống liên lạc giữa mặt trăng và Trái đất. Những bên tham gia khác bao gồm nhà điều hành viễn thông KDDI (Toyota là cổ đông chính) và nhà sản xuất vệ tinh NEC.

Trung Quốc hiện cũng đang phát triển một hệ thống liên lạc định vị cho mặt trăng như một phần của chương trình khám phá vũ trụ. Các công ty vũ trụ của Mỹ, chẳng hạn như Intuitive Machines và Lockheed Martin, cũng đang nghiên cứu phát triển các hệ thống tương tự.

ArkEdge Space cho đến nay đã phóng 11 vệ tinh, song song với rất nhiều dự án đang được triển khai. Mỗi dự án liên quan đến việc sản xuất khoảng 50 vệ tinh.

Cơ quan vũ trụ của Đài Loan và Rwanda là hai trong số các khách hàng của công ty này. Một trong những dự án ban đầu là tập trung phát hiện các vụ phun trào núi lửa bằng cảm biến carbon dioxide.

Theo CEO Takayoshi Fukuyo và giám đốc điều hành Tomoaki Yasuda, ArkEdge Space đang thảo luận với Singapore, Indonesia và Việt Nam. Các quốc gia này có nhu cầu giám sát các hoạt động hàng hải theo thời gian thực để tăng cường an ninh và cải thiện hiệu quả giao thông bởi sở hữu đường bờ biển dài, lưu lượng giao thông hàng hải lớn.

ArkEdge Space, công ty sử dụng các mô-đun tiêu chuẩn để cắt giảm chi phí và thời gian giao hàng, ban đầu chế tạo các vệ tinh nano, thường nặng khoảng 10 kg trở xuống. Tuy nhiên, hiện startup này đang chuyển trọng tâm sang các vệ tinh nặng khoảng 50 kg. Công ty cũng tự sản xuất các thành phần chính như ăng-ten và hệ thống kiểm soát.

ArkEdge Space được thành lập vào năm 2018, hiện có khả năng sản xuất vài chục vệ tinh mỗi năm, nhưng muốn tăng năng lực sản xuất lên 100 vệ tinh vào năm 2026. Đầu tháng này, công ty cho biết đã huy động được 8 tỷ yên (52,5 triệu USD) trong vòng tài trợ Series B, trong đó có Sky Perfect JSAT, một đài truyền hình vệ tinh lớn.

Chỉ với 126 nhân viên, ArkEdge Space đang thu hút các thành viên chủ chốt từ phòng thí nghiệm vệ tinh nhỏ của Shinichi Nakasuka, Giáo sư Đại học Tokyo kiêm người tiên phong về vệ tinh nhỏ của Nhật Bản.

Công nghệ vũ trụ từ lâu đã không còn là “lãnh địa” độc quyền của nhiều nước châu Âu phát triển. Lĩnh vực này dần trở thành một trong những mục tiêu chính trong chiến lược phát triển công nghệ của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Nhật Bản bắt đầu xây dựng và phát triển công nghệ vũ trụ từ những năm 1970 bằng sự ra đời của Trung tâm vũ trụ Tsukuba. Tại đây, hiện có hàng nghìn công trình sư và kỹ sư làm việc và cống hiến cho quê hương.

Hồi năm ngoái, Nhật Bản đã làm nên lịch sử khi trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới phóng thành công tàu vũ trụ lên mặt trăng sau Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Tàu đổ bộ thông minh khảo sát mặt trăng (SLIM) của Nhật Bản đã hạ cánh thành công xuống mặt trăng vào rạng sáng 20/1/2024.

Tờ The Japan Times nhấn mạnh, thành công của sứ mệnh SLIM tạo động lực cần thiết cho chương trình vũ trụ của Nhật Bản. Công nghệ này được cho là có thể ứng dụng cho các sứ mệnh lớn hơn hướng tới mặt trăng và sao hỏa trong tương lai.

Tờ Financial Times cho rằng, bên cạnh niềm tự hào dân tộc, cuộc chạy đua lên mặt trăng còn có những động lực khác. Theo chuyên gia Brian Weeden tại Secure World Foundation-một cơ quan nghiên cứu của Mỹ tập trung vào việc sử dụng bền vững vũ trụ, nhiều sứ mệnh khám phá mặt trăng hiện nay nhằm mục đích xác định “những gì thực sự hữu ích ở một nơi cách xa Trái Đất”.

“Liên quan tới công nghệ khám phá vũ trụ, chi phí đã giảm nhiều và nó đã được thương mại hóa ở một số khía cạnh. Đó cũng là lý do ngày càng nhiều quốc gia quan tâm đến vũ trụ. Và khi họ quan tâm đến vũ trụ, mặt trăng trở thành mục tiêu to lớn nhưng có khả năng đạt được”, chuyên gia Brian Weeden nhấn mạnh.

Theo: Nikkei Asia, Financial Times