Một nhà máy ở Trung Quốc quyết định từ chối thuê hai nhân viên đang thử việc, trừ khi họ xóa hình xăm. Câu chuyện này gây ra một cuộc thảo luận sôi nổi về định kiến văn hóa và phân biệt đối xử tại nơi làm việc trên mạng xã hội, SCMP đưa tin.
Trong clip chia sẻ trên mạng xã hội, hai thanh niên, lần lượt 17 và 22 tuổi, đang làm việc thì giám đốc công ty đi kiểm tra phân xưởng. Nữ lãnh đạo phát hiện hai chàng trai “có mực” trên người, một trong hai sở hữu hình xăm lớn ngay dọc cánh tay, dễ dập vào mắt người đối diện.
Ngay lập tức, người phụ nữ thông báo rằng nhà máy không thể thuê người có hình xăm, bất kể chúng nằm ở vị trí nào trên cơ thể. Lý do chính là công nhân xăm mình sẽ gây bất lợi cho tình hình kinh doanh của công ty.
Nữ giám đốc nói chuyện với một trong hai nam công nhân trẻ tuổi có hình xăm kích thước lớn, ở vị trí dễ nhận ra. Ảnh: SCMP. |
“Mặc dù tôi cho rằng cả hai bạn đều là người làm việc chăm chỉ và trung thực, nhưng các hình xăm để lại ấn tượng về sự kém uy tín hoặc bất cần, không vâng lời. Bản thân hình xăm không ảnh hưởng trực tiếp đến công việc cá nhân, song chúng sẽ tác động tiêu cực đến văn hóa công ty”, người này nói với 2 chàng trai.
Người phụ nữ cho biết nhà máy vẫn mở cửa chào đón hai thanh niên này vào làm việc nếu họ chịu đi xóa xăm, còn chi phí sẽ do phía công ty chi trả. Sau đó, cả hai nam công nhân trẻ tuổi đều đồng ý với yêu cầu.
“Là một công ty, trách nhiệm xã hội của chúng tôi là hỗ trợ giáo dục và hướng dẫn cho những người trẻ tuổi. Cho dù nhận phải bao nhiêu lời phản ứng dữ dội, tôi vẫn sẽ cố gắng uốn nắn họ nếu có thể”, nữ giám đốc giải thích sau khi clip ghi lại đoạn hội thoại lan truyền.
Câu chuyện nhanh chóng tạo ra luồng phản ứng trái chiều trên mạng xã hội.
“Đó hoàn toàn là sự phân biệt đối xử. Có nhất thiết có hình xăm nghĩa là nhân viên đó lười biếng, không chuyên nghiệp? Chúng ta có thể cư xử một cách cởi mở và văn minh hơn được không?”, một người để lại bình luận.
Hình xăm ngày càng phổ biến nhưng vẫn là điều cấm kỵ ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
“Chúng ta kêu gọi sống trong một xã hội đề cao sự bình đẳng nhưng hành động lại đi ngược. Nếu hôm nay chúng ta cho phép phân biệt đối xử với hình xăm, ngày mai có thể là phân biệt đối xử dựa trên chiều cao, ngoại hình, tình trạng hôn nhân hoặc phụ nữ trên 35 tuổi”, một người khác nhận xét.
Tuy nhiên, nhiều người đồng ý với cách thức xử lý của công ty. “Nếu bạn có quyền tự do xăm mình, thì tôi có quyền tự do lựa chọn có thuê bạn hay không”, người này đưa ra lý lẽ.
Trong vài năm trở lại, chính quyền Trung Quốc càng đưa ra nhiều biện pháp hạn chế người dân nước này xăm mình.
Vào tháng 6 năm ngoái, quy định mới được ban hành, nghiêm cấm các nghệ sĩ xăm cung cấp dịch vụ cho những người dưới 18 tuổi.
Các đài truyền hình cũng bị nghiêm cấm chiếu các diễn viên, ca sĩ có hình xăm lộ liễu, còn các cầu thủ bóng đá được yêu cầu phải đi xóa hoặc che đi hình xăm nghệ thuật trên cơ thể mỗi khi xuất hiện trước công chúng để làm "tấm gương tốt cho xã hội".
Nhiều cơ quan thuộc khu vực công tuyên bố những người có hình xăm không đủ điều kiện đảm nhận một số vai trò nhất định, bao gồm cảnh sát, lính cứu hỏa và thậm chí cả nhân viên thu phí đường cao tốc.
Gen Z quan tâm đến thế giới nội tâm nhiều hơn trước
Nguyễn Đoàn Minh Thư, tác giả của cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều là một người trẻ, một Gen Z sinh năm 2000. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tâm lý tại Đại học East Anglia và hiện làm thực tập sinh tư vấn tâm lý cho Bộ Y tế Anh (National Health Service). Nói với Zing, Minh Thư cho biết câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của cô và nhấn mạnh mỗi người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi hiểu chính mình.