Chỉ trong ít ngày gần đây, nhiều bệnh viện khu vực phía Nam đã ghi nhận các trường hợp vào cấp cứu vì tổn thương mắt nặng, trong những hoàn cảnh khác nhau.
Tổn thương mắt vì nhiều tai nạn khác nhau
Anh T.H. (40 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) làm nghề thợ hàn, trong lúc làm việc đã bị mạt sắt văng vào mắt. Ngay sau đó, anh cảm thấy cộm và xốn mắt, đau nhức dữ dội, chảy nước mắt liên tục.
Vì mắt đỏ lên nhanh chóng và tình trạng khó chịu ngày càng tăng, khiến người đàn ông vô cùng lo lắng nên vào bệnh viện chuyên khoa mắt cầu cứu.

Hình ảnh mạt sắt ghim trong mắt bệnh nhân (Ảnh: BV).
Qua thăm khám và kiểm tra cẩn thận, bác sĩ chuyên khoa 1 Mai Thị Ngọc Thiện phát hiện mạt sắt bám sâu vào giác mạc bệnh nhân. Nếu không xử lý nhanh chóng, nguy cơ người đàn ông bị viêm loét giác mạc, để lại sẹo và suy giảm thị lực là rất cao.
Ê-kíp điều trị ngay lập tức thực hiện kỹ thuật lấy dị vật ra khỏi giác mạc. Sau khi loại bỏ mạt sắt, bác sĩ tiếp tục điều trị kháng viêm, nhỏ thuốc bảo vệ giác mạc nhằm ngăn ngừa biến chứng cho bệnh nhân. Nhờ can thiệp kịp thời, tình trạng mắt của anh H. cải thiện.
Còn anh Đ. (20 tuổi, trú tại TP Đà Lạt) bị viên đá từ xe chở vật liệu xây dựng văng vào mắt khi tham gia giao thông. Sau tai nạn, mắt bệnh nhân bị sưng đau và không thể mở, thị lực giảm nghiêm trọng (còn 2/10) và xuất huyết tiền phòng.
Thậm chí, bệnh nhân tự lái xe đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng mất thị lực tạm thời. Tại đây, bác sĩ chuyên khoa 2 Mai Thị Anh Loan thăm khám, xác định bệnh nhân bị chấn thương cơ học, tổn thương vùng mi mắt và quanh ổ mắt.

Bệnh nhân được bác sĩ kiểm tra sau khi bị đá từ xe chở vật liệu xây dựng văng vào mắt (Ảnh: BV).
Bệnh nhân được điều trị chuyên sâu để giảm đau, sưng và ngăn ngừa tổn thương mắt. Sau can thiệp, bệnh nhân được căn dặn cần bảo vệ mắt kỹ lưỡng khi xuất viện.
Cảnh giác việc dụi mắt
Không may mắn như 2 trường hợp trên, bà S. (74 tuổi, ngụ huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đến bệnh viện trong tình trạng mắt đau nhức nhiều, chảy nước mắt, chói sáng và nhìn mờ, có biến chứng nặng. Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết trước đó đã dụi tay vào mắt nhiều lần vì… bụi bay vào mắt.
Sau khi được thăm khám, bệnh nhân được bác sĩ cho biết bị viêm loét giác mạc do nấm.
Cụ bà được chỉ định thuốc kháng nấm toàn thân và tại chỗ, phối hợp bổ sung dinh dưỡng cho mắt để ức chế sự phát triển của nấm, đồng thời được cạo bề mặt ổ loét để loại bỏ mô giác mạc bị bệnh, tạo điều kiện cho các mô khỏe mạnh phát triển lại.
Sau khi điều trị, bệnh nhân hết đau nhức và chảy nước mắt, thị lực dần hồi phục. Tuy nhiên, do cụ bà đến bệnh viện trong tình trạng loét giác mạc nặng, nên dù được loại bỏ hết nấm và vết loét đã được phục hồi, nhưng vẫn để lại di chứng sẹo giác mạc.

Nữ bệnh nhân phải chịu di chứng sẹo giác mạc (Ảnh: BV).
Bác sĩ chuyên khoa mắt Trần Thị Khánh Linh cho biết, viêm loét giác mạc do nấm là một bệnh lý không thể xem thường. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là viêm loét giác mạc và giảm thị lực vĩnh viễn.
"Nhiều người không nghĩ những hành động đơn giản như dụi mắt khi có bụi vào, hoặc không bảo vệ mắt trong môi trường nhiều ô nhiễm có thể gây mất thị lực.
Tuy nhiên, việc dụi mắt khi cảm thấy khó chịu sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn, nấm hoặc bụi bẩn xâm nhập vào giác mạc, làm tăng nguy cơ viêm loét và nhiễm khuẩn", bác sĩ phân tích.
Để tránh nguy cơ viêm loét giác mạc hoặc bị các tổn thương mắt, bác sĩ khuyến cáo người dân cần đeo kính hoặc nón bảo hiểm có kính chắn khi tham gia giao thông, giữ gìn vệ sinh mắt và kiểm tra mắt định kỳ, tránh dụi mắt khi có bụi bay vào.
Khi có dấu hiệu bất thường, cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để kiểm tra, can thiệp sớm.