Năm 1962, ông Luigi Lo Rosso, làm nghề mua bán đồ cũ, tìm thấy một bức tranh dưới tầng hầm một ngôi nhà ở Capri (Italy). Ông mang nó về nhà ở Pompeii, lồng vào một chiếc khung tranh rẻ tiền và treo ngoài phòng khách trong vài thập kỷ.
Tuy nhiên, vợ Luigi không thích bức tranh chân dung, thường chê là "khủng khiếp", theo The Guardian.
Phải rất lâu sau, khi đọc cuốn sách về lịch sử mỹ thuật được người dì tặng, con trai Luigi là Andrea bắt đầu đặt câu hỏi về nguồn gốc của bức tranh cũ treo trong nhà. Theo đó, bức tranh được cho là của danh họa Picasso, vẽ Dora Maar - nhiếp ảnh gia và họa sĩ người Pháp, cũng là người tình và nàng thơ của Picasso. Bức tranh cũng có chữ ký của nam danh họa ở góc trái.
Cuối cùng, gia đình nhờ đến một nhóm chuyên gia, bao gồm nhà thẩm định nghệ thuật Maurizio Seracini. Sau nhiều năm điều tra, Cinzia Altieri, nhà nghiên cứu chữ viết và là thành viên ủy ban khoa học của quỹ Arcadia, nơi đánh giá, phục chế và xác định nguồn gốc các tác phẩm nghệ thuật, xác nhận rằng chữ ký trên bức tranh, hiện được định giá 6 triệu USD, là của Picasso.
Luigi đã qua đời nhưng con trai ông, hiện 60 tuổi, vẫn tiếp tục hành trình khám phá nghệ sĩ đằng sau bức tranh này.
“Cha tôi đến từ Capri và thường thu thập đồ cũ rồi bán lại với giá rẻ. Ông ấy tìm thấy bức tranh trước khi tôi được sinh ra song không biết Picasso là ai. Bố tôi không phải người có học thức cao. Khi đọc về các tác phẩm của Picasso trong sách, tôi thường nhìn lên bức tranh và so sánh nó với chữ ký của ông ấy. Tôi cứ nói với bố rằng chúng giống nhau, nhưng ông ấy không hiểu. Tôi vẫn cứ thắc mắc cho đến khi lớn lên", Andrea nói.
Vợ ông Luigi Lo Rosso không thích bức tranh của Picasso và gia đình từng suýt vứt bỏ tác phẩm nghệ thuật. |
Andrea cho biết từng có lúc gia đình cân nhắc việc vứt bỏ bức tranh. "Mẹ tôi không muốn giữ nó, bà ấy cứ nói rằng trông nó thật kinh khủng", ông kể.
Andrea đã liên lạc với Quỹ Picasso ở Málaga (Tây Ban Nha) nhiều lần nhưng bị phớt lờ vì quỹ cho rằng tuyên bố của ông là sai sự thật. Quỹ này có tiếng nói cuối cùng về tính xác thực của bức tranh.
Picasso, mất năm 1973, đã sáng tác hơn 14.000 tác phẩm. Mỗi ngày, Quỹ Picasso đều nhận được hàng trăm tin nhắn từ những người tự nhận sở hữu tác phẩm gốc.
Buste de femme (Dora Maar) được vẽ vào năm 1938, bị đánh cắp khỏi du thuyền của một người Ả Rập Saudi vào năm 1999 trước khi được tìm thấy sau 20 năm.
Luca Marcante, chủ tịch quỹ Arcadia, tin rằng có thể có hai phiên bản của tác phẩm này. “Cả hai đều có thể là bản gốc. Có lẽ chúng là hai bức chân dung, không hoàn toàn giống nhau, về cùng một chủ thể được Picasso vẽ vào hai thời điểm khác nhau. Một điều chắc chắn là: bức được tìm thấy ở Capri và hiện được lưu giữ trong một căn hầm ở Milan là thật", ông nói với tờ Il Giorno. Marcante sẽ trình bày bằng chứng cho Quỹ Picasso.
“Tôi tò mò muốn biết họ nói gì. Chúng tôi chỉ là một gia đình bình thường và mục đích là xác nhận sự thật. Chúng tôi không quan tâm đến việc kiếm tiền từ bức tranh", Andrea cho biết.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.