Thuế quan Mỹ: biến nguy thành cơ cho Việt Nam

Giáo sư David Dapice (Trường Quản lý nhà nước John F Kennedy, Đại học Harvard) là chuyên gia hàng đầu về kinh tế phát triển ở Đông Nam Á. Thông qua báo Tuổi Trẻ, ông đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam để ứng phó thuế quan của Mỹ.

thuế quan - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại một nhà máy may mặc ở Hà Nội - Ảnh: AFP

Rất khó để biết những cuộc đàm phán thuế quan này sẽ có kết quả như thế nào, nhưng tôi kỳ vọng các cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ kéo mức thuế quan dành cho Việt Nam xuống một mức ít cực đoan hơn mức 46%.

Thuế quan Mỹ: Nhiều nghịch lý

Còn rất nhiều vấn đề và nghịch lý trong cách tiếp cận hiện nay của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Trump không thích thâm hụt thương mại, đặc biệt thâm hụt thương mại hàng hóa, mặc dù ngành dịch vụ đang chiếm gần 90% nền kinh tế Mỹ. Ông ấy muốn chứng kiến ngành sản xuất quay trở lại Mỹ.

Theo tôi, ngành sản xuất của Mỹ bị thu hẹp một phần do các hành vi thương mại "không công bằng" như ông Trump đề cập, nhưng phần lớn điều này bắt nguồn từ việc đồng USD là một đồng tiền dự trữ. Các ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại mua trái phiếu Mỹ để đảm bảo an toàn và thanh khoản, điều này tạo ra dòng vốn đổ vào Mỹ. Dòng vốn này (cùng dòng vốn từ các tài sản Mỹ khác) đã đóng vai trò trang trải cho các khoản thâm hụt của Mỹ.

Các dòng vốn chảy vào Mỹ làm tăng giá trị đồng USD, từ đó khiến hàng nhập khẩu vào Mỹ rẻ, còn hàng Mỹ xuất khẩu sang các thị trường khác có giá cao, do chênh lệch tỉ giá.

Vì vậy, nếu đồng USD không còn là một đồng tiền dự trữ, hầu hết các khoản thâm hụt thương mại sẽ biến mất, nhưng nước Mỹ khi đó lại cần duy trì lãi suất cao và thâm hụt tài khóa thấp. Điều này có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Trong tình hình bất ổn hiện nay, doanh nghiệp sẽ cần thời gian để quan sát xem liệu các mức thuế quan của Washington có được duy trì hay không.

Ngay cả khi các công ty nghĩ rằng thuế quan sẽ được áp dụng, việc xây dựng nhà máy, phát triển hệ sinh thái các nhà cung cấp, cùng với việc đào tạo lao động, sẽ mất rất nhiều năm. Trong lúc đó, người dân Mỹ phải trả tiền nhiều hơn để tiêu thụ hàng hóa nhập khẩu, và cả các nhà nhập khẩu cũng vậy.

Tôi nghĩ còn rất nhiều vấn đề và nghịch lý trong cách tiếp cận hiện nay của ông Trump.

Các giải pháp cho Việt Nam

Về vấn đề đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ, tôi cho rằng những người linh hoạt và thực tế của chính quyền Mỹ đang tham gia đàm phán thuế quan cùng Việt Nam.

Rất khó để biết những cuộc đàm phán này sẽ có kết quả như thế nào, nhưng được kỳ vọng là sẽ kéo mức thuế quan xuống một mức ít cực đoan hơn 46% (mức thuế ông Trump tuyên bố áp với Việt Nam hôm 2-4 nhưng hoãn trong 90 ngày). Nếu Việt Nam có mức thuế quan tương tự với các nước Indonesia, Ấn Độ hay Bangladesh, với khoảng 10 - 15%, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không tê liệt nhưng có thể sẽ chậm lại.

Tôi nghĩ Việt Nam nên đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc cả Trung Quốc (nhập khẩu) và Mỹ (xuất khẩu) nhưng điều đó không dễ dàng. Việt Nam đang dần trở thành một quốc gia không còn lao động giá rẻ. Giải pháp trọng yếu ở đây là theo đuổi các lợi thế xuất khẩu thay thế: cải thiện kiểm soát chất lượng, quy mô sản xuất và khả năng giao hàng đúng hạn của các công ty Việt Nam đang phục vụ nhà đầu tư nước ngoài.

Ngay cả khi xuất khẩu tăng trưởng chậm lại, việc giành được phần lớn hơn trong chuỗi giá trị sẽ giúp ngành sản xuất nội địa và tăng trưởng GDP tiếp tục tiến lên. Cách tiếp cận này cũng giúp các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện năng lực, đồng thời trở nên linh hoạt hơn và bền bỉ hơn.

Một cuộc chiến thương mại thật sự giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là một điều tồi tệ cho nền kinh tế đôi bên và cho cả nền kinh tế toàn cầu. Khi Mỹ nhập khẩu ít hàng Trung Quốc hơn, Bắc Kinh sẽ tìm cách xuất khẩu số lượng này sang các nước khác. "Cơn sóng thần" hàng Trung Quốc giá rẻ khi đổ vào các nước sẽ nhấn chìm nhiều doanh nghiệp nội địa đang cố gắng cạnh tranh. Đây sẽ là một tình huống hỗn loạn với ít quy tắc kiểm soát, giống như thời điểm những năm 1930.

Tôi cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến tới đàm phán. Như việc ông Trump vừa qua lên tiếng miễn trừ thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng điện tử nhập khẩu từ các nước, trong đó có cả Trung Quốc. Rõ ràng là điều này xảy ra giữa bối cảnh các cuộc đàm phán. Dự đoán các diễn biến tiếp theo là điều rất khó.

Ông Trump đánh tiếng giảm thương chiến Mỹ - Trung

Giữa lúc quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng vì thuế quan trả đũa mỗi bên áp lên đối phương vượt quá 100%, Tổng thống Mỹ Donald Trump trong những ngày qua liên tục tuyên bố đã có những đàm phán liên quan giữa Washington và Bắc Kinh. "Chúng tôi đã có nhiều cuộc trao đổi tốt đẹp với Trung Quốc. Điều này thực sự rất tốt", ông Trump nói với phóng viên tại Nhà Trắng vào ngày 18-4 (giờ Mỹ).

Một ngày trước đó, ông Trump cũng ra tín hiệu cho khả năng chấm dứt các đợt tăng thuế ăn miếng trả miếng giữa hai bên, thừa nhận rằng ông không muốn giá cả tăng vì thuế quan đến mức mà người dân sẽ không mua hàng hóa nữa.

Cùng ngày, ông Trump khẳng định Washington dự kiến sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại "rất tốt" với Trung Quốc nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

Chính quyền ông Trump hôm 11-4 ra thông báo miễn thuế cho một số mặt hàng điện tử và chất bán dẫn, bao gồm cả những mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Hiện Mỹ và Trung Quốc đánh thuế hàng nhập khẩu lẫn nhau lần lượt ở mức 145% và 125%. Thậm chí, một số mặt hàng Trung Quốc bị áp thuế tổng cộng 245%.

Bình luận trên báo New York Times, ông Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng khu vực Bắc Mỹ của Capital Economics, nhận định động thái này "thể hiện sự giảm leo thang một phần trong cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump với Trung Quốc".

Thuế quan Mỹ: biến nguy thành cơ cho Việt Nam - Ảnh 2.Dệt may Việt có đủ sức bứt phá giữa bão thuế đối ứng Mỹ - Trung?

Mức thuế đối ứng 245% của Mỹ với hàng Trung Quốc có thể mở ra dư địa tăng trưởng cho dệt may Việt Nam.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề