Tin mới nhất sáp nhập tỉnh thành: Lộ diện mô hình chính quyền mới chưa từng có trong lịch sử Việt Nam

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương dự kiến sẽ có 2 cấp là mô hình chính quyền mới chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình mới đây đã ký Quyết định số 759 phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Đề án).

Theo Đề án, phương án tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp như sau: Cấp tỉnh gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; (2) cấp xã gồm xã, phường (trong đất liền) và đặc khu (ở hải đảo). Theo đó, bỏ ĐVHC cấp huyện và thị trấn.

Tin mới nhất sáp nhập tỉnh thành: Lộ diện mô hình chính quyền mới chưa từng có trong lịch sử Việt Nam- Ảnh 1.

Sơ đồ mô hình chính quyền địa phương 2 cấp ở Việt Nam. Đồ họa được hỗ trợ bởi AI

Theo Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Đề án dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 20/6/2025. Nếu được thông qua, đây sẽ là mô hình chính quyền mới lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Việt Nam.

 Chính quyền địa phương cấp tỉnh 

Gồm có Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND); HĐND tỉnh thành lập 03 Ban là Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội (đối với tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có thể thành lập thêm Ban Dân tộc). HĐND thành phố trực thuộc trung ương thành lập 04 Ban (Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội và Ban Đô thị) theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025.

Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp tỉnh sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức (số có mặt) của cấp tỉnh trước sắp xếp và thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm trong thời hạn 05 năm cơ bản bố trí theo đúng quy định.

Bộ Chính trị giao Ban Tổ chức Trung ương tham mưu, hướng dẫn bố trí, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh (Đảng, đoàn thể, HĐND, UBND cấp tỉnh và các Ban chuyên môn của cơ quan Đảng, đoàn thể) của các địa phương sau sáp nhập.

Chính quyền địa phương cấp xã (xã, phường, đặc khu)

Chính quyền địa phương cấp xã gồm có HĐND và UBND. HĐND cấp xã thành lập 02 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội.

Về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã: Tổ chức tối đa 04 Phòng chuyên môn và tương đương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo (đặc khu).

Định hướng tổ chức 04 Phòng và tương đương gồm:

(1) Văn phòng HĐND và UBND (tham mưu thực hiện nhiệm vụ chung của HĐND và UBND cấp xã);

(2) Phòng Kinh tế (đối với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc);

(3) Phòng Văn hóa - Xã hội;

(4) Trung tâm phục vụ hành chính công.

Về biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, Đề án nêu rõ: Trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức của cấp huyện và cán bộ, công chức của cấp xã hiện có trước sắp xếp để bố trí cho các ĐVHC cấp xã mới (sau sắp xếp). Dự kiến bình quân khoảng 32 biên chế/01 cấp xã.

 Thiên Sơn - Thái Hà